Môn Ngữ Văn kém hấp dẫn vì học sinh không được nói, viết suy nghĩ thật của mình

Ba kỹ năng quan trọng nhất của môn Văn: kỹ năng nói, viết, kỹ năng đọc cảm, học sinh không được học trong trường mà chỉ học những cái khuôn mẫu để đi thi.

Vì sao môn Ngữ Văn trong trường học lại đang kém hấp dẫn học sinh?

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Phạm Thái Lê, trường Marie Curie (thành phố Hà Nội).

Là giáo viên dạy môn Ngữ Văn lâu năm, cô Lê đã có nhiều chia sẻ quý báu dưới góc độ của một người giảng dạy môn học này.

Môn Ngữ Văn kém hấp dẫn không phải ở chương trình học, sách giáo khoa hay phương pháp dạy

Theo cô Phạm Thái Lê: Không chỉ giáo viên môn Ngữ Văn mà bất kể giáo viên môn học nào đều mong muốn môn học mình dạy hấp dẫn với học sinh.

Tuy nhiên đối với môn Ngữ Văn không những đang kém hấp dẫn học sinh mà còn kém hấp dẫn cả với giáo viên.

Lý giải về điều này, cô Lê cho rằng mấu chốt nằm ở việc; dạy môn Văn xa rời thực tế, dạy học sinh nói những điều học sinh không nghĩ và rập khuôn theo barem điểm.

Cô Lê nói: “Theo tôi, mấu chốt của vấn đề này là chúng ta dạy học sinh để thi. Tại sao ở các lớp dưới (6,7,8,10,11) - không phải ở lớp cuối cấp, môn Văn vẫn hấp dẫn với cả giáo viên và học sinh.

Nhưng đến lớp phải thi (9,12) giáo viên phải gò học sinh ôn thi và dạy học sinh theo kiểu để thi, như thế môn Văn đã kém hấp dẫn đi rất nhiều.

Chúng ta đang thiếu một vị “thuyền trưởng” để chèo lái bộ môn Ngữ văn

Ví dụ như tôi dạy lớp 6,7,8,10,11 vẫn có thể dạy “thoáng”, hướng học sinh vào những tiết học thú vị, được tranh luận nhưng đến lớp 9 và lớp 12 thì phải dạy học sinh để thi cử”.

Cô Lê đánh giá: Vấn đề ở đây không phải ở phương pháp dạy, chương trình học, sách giáo khoa mà nằm ở tiêu chí thi cử:

“Tiêu chí thi cử hiện nay vẫn hướng học sinh vào việc làm đủ ý theo đúng barem điểm thì bắt buộc giáo viên phải dạy theo cách rập khuôn.

Mà dạy như thế sẽ dẫn đến tình trạng đọc chép, học thuộc và học sinh phải nói những điều mà học sinh hoàn toàn không nghĩ, môn Văn sẽ kém hấp dẫn đi.

Cho nên dù có cải cách phương pháp giáo dục, sách giáo khoa như thế nào đi chăng nữa cũng không giải quyết được vấn đề này. Mấu chốt là phải thay đổi tiêu chí đánh giá của kỳ thi.

Nếu tiêu chí vẫn như hiện nay thì bắt buộc giáo viên phải dạy cho học sinh đi thi, học sinh học cũng chỉ để đi thi”.

Cô Lê trăn trở: “Nếu chỉ tập trung cải cách sách giáo khoa hay phương pháp dạy vẫn không đi đến cùng của vấn đề.

Đối với giáo viên chúng tôi, tất cả những người có tâm huyết, có năng lực, chọn nghề giáo ai cũng mong muốn bộ môn của mình hấp dẫn với học sinh.

Nhưng bản thân cái môn học của mình có hấp dẫn học sinh được hay không thì ngoài phương pháp dạy, chương trình học, sách giáo khoa, năng lực của giáo viên thì cái quyết định đó là tiêu chí thi cử, cách đánh giá của kỳ thi.

Tôi từng trao đổi với thầy Đỗ Ngọc Thống và thầy Nguyễn Minh Thuyết khi bàn về đổi mới sách giáo khoa.

Tôi thấy đây là cái cốt lõi nhất chứ không phải nằm ở sách giáo khoa và chương trình.

Không chỉ môn Văn, môn Sử và môn Địa cũng rơi vào tình trạng này. Do kỳ thi của mình đánh giá như thế (theo barem điểm)”.

Cái đau khổ nhất của việc học Văn là học sinh không được nói lên tiếng nói và thể hiện tư duy của mình

Bàn về cách dạy Ngữ Văn trong trường học cô Lê chỉ ra những khó khăn của học sinh và giáo viên để môn văn trở nên hấp dẫn hơn.

Cô Lê nói: “Môn Văn hiện nay, học sinh không được nói tiếng nói của mình; tiếng nói đó không được ghi nhận và không được đánh giá.

Học trò luôn phải nói những gì mình không nghĩ và không cảm thấy phù hợp với tư duy của các bạn ấy.

Cho nên muốn môn Văn được hấp dẫn, học sinh phải được cất lên tiếng nói của mình.

Trong các kỳ thi hiện nay bên cạnh việc đánh giá năng lực, tư duy của học sinh cũng dựa nhiều vào học thuộc. Trước kia thì đọc chép, bây giờ thì nhìn lên máy chiếu rồi chép lại và học thuộc.

Cách dạy của giáo viên cũng phụ thuộc và bị đánh giá bằng tiêu chí thi cử. Lấy ví dụ tôi có thể dạy rất sáng tạo ở lớp dưới nhưng đến cuối cấp phải dạy các con để đi thi”.

Cô Phạm Thái Lê phân tích vì sao môn Ngữ Văn ngày càng kém hấp dẫn (Ảnh:NVCC)

Môn Ngữ Văn hấp dẫn hơn khi chú trọng đến năng lực phản biện xã hội của học sinh

Nói về tiêu chí đánh giá thi cử và cách ra đề, theo cô Lê: Mảng Nghị luận Xã hội đã được đưa vào đề thi nhưng còn rất dè dặt.

“Môn Văn đặc biệt cần phải đưa tư duy phản biện vào. Có năm tôi nhớ kỳ thi Quốc gia đưa sự kiện một bạn nam ở Đô Lương (Nghệ An) mất khi cứu bạn bị đuối nước.

Tôi thấy đưa các vấn đề thời sự vào đề văn rất nay. Nhưng khi đọc đáp án tôi cảm thấy rất thất vọng vì không có những ý kiến trái chiều, những quan điểm phản biện của học sinh.

Ví dụ có những em rất khâm phục hành động đó nhưng lại không có khả năng làm được như bạn ấy.

Nhưng chúng ta nhất nhất theo tiêu chí là phải cứu, phải hy sinh, phải ca ngợi mặc dù có nhiều trường hợp nó xa rời thực tế. Môn Ngữ Văn phải gắn liền với thực tế, với cuộc sống.

Học sinh sẽ cảm thấy những điều ấy là xa rời hiện thực, sẽ thấy môn này là giáo điều và học thuộc”.

Lấy dẫn chứng về cách ra đề thi môn Ngữ Văn lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, cô Lê cho rằng: Cách ra đề an toàn không hướng đến sự sáng tạo của học sinh:

“Đề thi cuối cấp vào lớp 10 của Hà Nội theo tôi chưa có năm nào ra đề hay và hướng đến sự sáng tạo của học sinh.

Bởi khi ra đề người ta hướng đến sự an toàn để khi chấm không bị vênh (so với barem điểm).

Tuy nhiên cũng có một vấn đề là nếu không có cái khung cho mình căn cứ rất dễ xảy ra tình trạng mỗi người chấm một kiểu.

Thành phố Hồ Chí Minh đã từng đưa vào các bài nghị luận xã hội không liên quan đến tác phẩm nhưng lại nảy sinh ra tình trạng học sinh sẽ học các tác phẩm trong trường một cách hời hợt và đi học thêm tại nhà những thầy ra đề, học theo những cái “form” có sẵn. Nó cứ luẩn quẩn và rối bời như vậy”.

Vì thế cần thiết phải có một cái khung và tiêu chuẩn đánh giá năng lực của văn chương của học sinh và chấm dựa trên cái chuẩn đấy, trên một khổ rộng hơn chứ không chỉ gói gọn trong bài học.

Tại sao phần nghị luận xã hội chúng ta chỉ đưa vào một cách dè dặt?

Môn Ngữ văn đang có rất nhiều lợi thế, sao chất lượng lại chưa đạt được kỳ vọng?

“Đề thi cần phải hướng học sinh đến những cái thực tiễn hơn. Ví dụ một số quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Singapore…có những đề thi 100% bài luận xã hội.

Con tôi bảo học viết văn tiếng Anh thích hơn học viết văn tiếng Việt.

Bởi viết văn tiếng Anh con được tự do, sáng tạo trên nhiều khía cạnh.

Chính những cái “thoáng” ấy mới làm nên sự sáng tạo trong văn học, tư duy trong văn học mới mở.

Cấu trúc đề thi cần phải đổi mới, tăng hàm lượng của Nghị luận xã hội, cái này sẽ thực hiện từng bước nhưng cần phải thay đổi.

Bao nhiêu năm chúng ta bàn thay đổi sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy nhưng cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên thì vấn đề nó vẫn còn đó.

Hoặc nghị luận xã hội chỉ đưa rón rén khoảng 20% cũng không thể kích thích tư duy văn chương của học sinh.

Thời gian vừa rồi trên mạng xã hội có hàng loạt bài luận của học sinh Trung Quốc, học sinh Việt Nam mình thấy rất thích vì đề hay, người viết có tư tưởng, tư duy lồng ghép vào trong đó”.

Ba kỹ năng quan trọng nhất của môn Ngữ Văn lại không được dạy trong trường học

Cô Lê bày tỏ: “Tôi thấy có nhiều phụ huynh và học sinh nhận thức được vai trò của môn Ngữ Văn trong cuộc sống là rất quan trọng.

Nhưng văn học trong nhà trường lại không dạy học sinh những cái điều quan trọng đó.

Ba kỹ năng quan trọng nhất mà môn Ngữ Văn đem lại: kỹ năng nói, kỹ năng viết và kỹ năng đọc cảm. Ba kỹ năng đó sẽ theo học sinh đi suốt cuộc đời này.

Tôi vẫn thường nói với học sinh: Khả năng nói, khả năng tạo lập văn bản sẽ thể hiện được nhận thức của các em.

Dù các em có là chính khách, thương gia hay một người bình thường…người ta sẽ đánh giá em ở cách em nói, cách em viết và lập luận một vấn đề.

Nhưng văn học trong trường của mình chưa dạy học sinh nói. Học sinh mình nói rất kém cho nên những giờ được nói, được đưa ra quan điểm của mình mà vẫn được cho điểm như nhau các em vô cùng hứng thú.

Lớp 9, tôi có dạy bài Chuyện người con gái Nam Xương. Tôi có cho học sinh lập luận theo 2 hướng: Nàng Vũ Nương tự tử rất đáng thương và nàng Vũ Nương tự tử cũng đáng trách.

Tôi phê phán điều ấy qua đó muốn nhấn mạnh rằng: tự tử chưa bao giờ là một cách giải quyết vấn đề hay.

Nhưng có những giáo viên sẽ không dám nói điều ấy. Chúng ta dạy học sinh cô Vũ Nương tự tử là do xã hội, do người chồng đều là những nguyên nhân khách quan. Đây là một tư duy rất rập khuôn, giáo điều.

Thậm chí có cô giáo cũng nói: Ừ! Cũng một phần do cô Vũ Nương nhưng đi thi các con không được viết như vậy vì sẽ không có điểm. Do vậy giữa việc học và thi vẫn còn một khoảng cách xa vời vợi”.

Học sinh ngày càng ít quan tâm đến các môn khoa học xã hội (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Văn học chính là cuộc sống, đừng để văn học xa rời cuộc sống

“Việc dạy môn Ngữ Văn rập khuôn là một lối mòn hàng chục năm nay rồi. Những giáo viên vẫn dạy theo tư duy trước đây được dạy như thế nào thì dạy học sinh như vậy.

Người ta không dám đổi mới, không dám mở lối nên người ta mặc định trong trường chỉ dạy học sinh những điều dựa trên khuôn mẫu.

Trên thực tế cuộc sống sinh động hơn nhiều, nếu mình không gắn văn học với đời sống thực tế thì học sinh rất dễ nhàm chán.

Chúng ta đánh giá một tác phẩm văn học là một sản phẩm tròn trịa, không có điểm gì xấu.

Không! Chúng ta phải đánh giá một tác phẩm văn học là một câu chuyện ngoài đời thực; mình phải tìm những điểm chưa hay, chưa được của tác phẩm đấy, nhân vật đấy để rút ra bài học cho cuộc sống.

Hiện nay đang theo quan điểm bổ đôi: nhân vật chính diện hoàn toàn tốt, nhân vật phản diện hoàn toàn xấu. Tư duy này rất phiến diện trong khi cuộc sống nó đa dạng hơn rất nhiều.

Con người trong đời sống còn có lúc tốt, lúc không tốt, có hành vi được, hành vi không được. Cho nên không thể dạy học sinh theo hướng 1 chiều, khiên cưỡng và phiến diện giáo điều”.

Vũ Ninh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/mon-ngu-van-kem-hap-dan-vi-hoc-sinh-khong-duoc-noi-viet-suy-nghi-that-cua-minh-post203010.gd