Món ngon vùng quê chiêm trũng

Có những vùng đất chỉ nhắc đến thôi là người ta nhớ đến một sản vật nào đó. Đôi khi chính thứ đặc sản ấy là ngọn nguồn của sự hấp dẫn để khách phương xa tìm về.

Trong bất kỳ hành trình du lịch nào, ẩm thực là thứ khó có thể bỏ qua. Cùng với sự vui chơi thích thú, ngắm cảnh sắc thiên nhiên, người ta sẽ nôn nao tìm về với ẩm thực làm ấm cái bụng đang sục sôi cồn cào. Thế nên người xưa ví “dĩ thực vi tiên” là vậy. Trên hành trình tìm về đất Hà Nam có một món ăn bình dị mang đậm đặc trưng vùng đồng chiêm trũng. Đó là canh bánh đa cá rô đồng.

 Canh bánh đa cá rô đồng-đặc sản đất Phủ Lý, Hà Nam. Ảnh minh họa/giaoducthoidai.vn.

Canh bánh đa cá rô đồng-đặc sản đất Phủ Lý, Hà Nam. Ảnh minh họa/giaoducthoidai.vn.

Bạn tôi là người huyện Kim Bảng tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch mời về thăm quê. Anh trò chuyện rôm rả khiến 60km đường cao tốc từ Hà Nội xuống tới TP Phủ Lý đi nhẹ như bay, vèo cái đã tới, quên cả đói. Vào thành phố bạn bảo phải thưởng thức đặc sản đất Phủ Lý. Ở đây dọc các phố đều có quán ăn nhưng nhờ “thổ công” chỉ dẫn nên chúng tôi ghé vào quán Linh Chi trên đường Trần Phú. Đúng là quán ăn có tiếng nên khách đông tấp nập. Những dãy bàn kê ngay ngắn nhộn nhịp người vào ra. Cánh lái xe đưa khách du lịch cũng thường ghé vào, mỗi chuyến vài chục người thế nên quán luôn đông khách. Chẳng cần vội vã trong lúc chờ đợi, tôi vòng ra ngoài ngắm hàng quán. Khách đông nên quán có khu chế biến riêng, mấy người phục vụ nhanh tay luộc cá, quạt chả. Cá rô sau khi luộc xong được gỡ thịt, tẩm ướp gia vị, gừng tươi, hành khô sau đó được chao trong mỡ. Nước dùng ninh xương ống sau bỏ thêm xương cá, nêm nếm gia vị đậm đà, tuyệt đối không dùng nước luộc cá cho lẫn vào vì như thế nước sẽ rất tanh. Bánh đa (có nơi gọi là mì gạo) chần sơ qua để ráo nước. Rau cải canh thái nhỏ nhúng vào nước sôi. Bà chủ quán cho bánh đa vào lưng lửng bát sứ, rau cải trải đều ra, gắp những miếng cá rô vàng ươm lên trên rồi chan muôi nước dùng sóng sánh đầy ăm ắp.

Chỉ cần ngồi đợi, rồi chứng kiến sơ sơ những công đoạn như vậy cũng đủ làm mềm lòng thực khách. Bát canh bánh đa nghi ngút hơi dậy mùi thơm ngầy ngậy. Sau lời mời, chúng tôi thưởng thức bữa sáng giữa phố phường huyên náo. Mặc cho cái tấp nập, hối hả của cuộc sống phố thị, chúng tôi từ tốn để nhẩn nha cái hương vị đồng quê, cái thanh đạm trong bát canh bánh đa buổi sớm. Sợi bánh đa trắng tinh mềm nhưng không nát, nước dùng ngọt nhưng không tanh, rau cải xanh không cứng và cuối cùng cá rô dai không bở. Bà chủ quán thì bảo không có bí quyết gì nhưng theo tôi bí quyết nằm ở chỗ tất cả đều vừa tới, đủ độ, không thứ gì làm quá lên, sau cùng kết hợp những cái vừa vặn ấy để tạo thành một cảm giác ngon. Vậy là gom góp những cá, rau, bánh đa của mảnh đất “chiêm khê, mùa thối”, qua bàn tay khéo léo của người địa phương bỗng trở thành đặc sản. Những sản vật bình dị ấy đã góp sức làm nên thương hiệu vùng miền, trở thành sản phẩm du lịch để khách đến đây thưởng thức, đi xa và nhớ mãi.

Sau bát canh bánh đa cá rô, chúng tôi lại lên xe theo hành trình thăm đền thờ 10 cô gái dân quân Lam Hạ bên dòng Châu Giang (TP Phủ Lý), quần thể chùa Tam Chúc, đền Trúc-Ngũ động Thi Sơn (huyện Kim Bảng). Một ngày mệt nhoài khi di chuyển qua nhiều địa điểm nhưng những trải nghiệm về mảnh đất, con người, văn hóa, ẩm thực của quê hương Hà Nam còn lại trong ký ức.

VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mon-ngon-vung-que-chiem-trung-645222