Môn Lịch sử thi tốt nghiệp THPT: Ôn tập theo chuyên đề Cách mạng Việt Nam từ 1930 đến 1945

Cách mạng Việt Nam từ 1930 đến 1945 là phần kiến thức quan trọng luôn xuất hiện tại các đề thi môn Lịch sử.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cô Nguyễn Thị Phương Lan - Giáo viên trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên) hướng dẫn học sinh ôn tập chuyên đề này.

Cô Phương Lan cho biết: Cách mạng Việt Nam từ 1930 đến 1945 là chuyên đề quan trọng, xuất hiện trong hầu hết các đề thi môn lịch sử tại các kì thi THPT quốc gia, thi tốt nghiệp THPT. Bài giảng này nhằm phục vụ các em hệ thống hóa, ôn tập kiến thức lịch sử giai đoạn 1930-1945. Các em có thể học qua sơ đồ tư duy, tóm tắt nội dung, làm thêm các bài luyện tập trắc nghiệm.

Ở giai đoạn này, các em ghi nhớ 3 nội dung chính: Phong trào cách mạng từ 1930 đến 1931; Phong trào dân chủ từ 1936 đến 1939; Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng 8 từ 1939 đến 1945.

Trong Phong trào cách mạng từ 1930 đến 1931, các em chú ý đến các nội dung: Về hoàn cảnh bùng nổ phong trào, những chủ trương của Đảng được thể hiện từ luận cương chính trị tháng 10/1930, kết quả và ý nghĩa của phong trào.

Đồ họa: An Nhiên

Về hoàn cảnh, năm 1929-1933, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nghiêm trọng và sâu sắc nhất trong lịch sử chủ nghĩa tư bản diễn ra, nó đã chấm dứt thời kì ổn định tạm thời của chủ nghĩa tư bản trong những năm 20 của thế kỉ XX. Cuộc khủng hoảng này không những tàn phá nền kinh tế mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về chính trị, xã hội cho các nước tư bản.

Từ các nước tư bản, khủng hoảng đã lan sang các xứ thuộc địa. Nhân dân thuộc địa đã phải gắng chịu gánh nặng khủng hoảng của chính quốc, làm cho kinh tế thuộc địa càng trở nên suy sụp, trong đó có Việt Nam khi đó đang là thuộc địa của Pháp.

Trước tác động của khủng hoảng kinh tế 1929-1933 ở Việt Nam, nhiều nhà máy xí nghiệp đồn điền bị thu hẹp quy mô sản xuất, hàng vạn công nhân bị sa thải, đời sống của các tầng lớp vô cùng điêu đứng, các cuộc bắt bớ đàn áp của chính quyền thực dân diễn ra trong phạm vi cả nước.

Năm 1929 có hàng nghìn vụ bắt bớ. Đặc biệt sau khởi nghĩa Yên Bái tháng 2/1930, Pháp lập Hội đồng đề hình thường trực, đưa hàng loạt các chiến sĩ yêu nước lên máy chém. Lòng căm thù của các tầng lớp nhân dân Việt Nam với chính quyền thực dân và chế độ phong kiến tay sai càng thêm sâu sắc.

Trong bối cảnh lịch sử đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 đã nhanh chóng tập hợp và lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh. Trong quá trình lãnh đạo phong trào, Đảng đã đưa ra Luận cương chính trị tháng 10/1930. Luận cương chỉ rõ vai trò lãnh đạo thuộc về Đảng, lấy liên minh công nông làm nòng cốt bởi công nhân phải liên minh chặt chẽ với nông dân thì cách mạng mới thắng lợi.

Xác định nhiệm vụ mục tiêu là chống đế quốc, chống phong kiến với 2 khẩu hiệu chiến lược là độc lập dân tộc và ruộng đất dân cày, 2 khẩu hiệu này đã đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân, nhất là nông dân, lôi cuốn được đông đảo nhân dân đi theo cách mạng. Trong phong trào, quần chúng lần đầu tiên được tập dượt dưới sự lãnh đạo của Đảng, giác ngộ hơn về chủ nghĩa Mác Lênin.

Với chủ trương sử dụng bạo lực cách mạng của Đảng lần đầu tiên quần chúng được rèn luyện một phương pháp cách mạng mới, phương pháp cách mạng bạo lực cách mạng quần chúng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác Leenin.

Một chủ trương quan trọng của Đảng trong lãnh đạo phong trào 1930-1931 là chỉ thị về việc thành lập Hội phản đế đồng minh, thể hiện sự phát triển trong nhận thức của Đảng từ chỗ chỉ nhấn mạnh vấn đề đoàn kết giai cấp đến chỗ đã thấy tầm quan trọng của đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc. Điều này đã đặt cơ sở cho việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất sau này.

Cô Nguyễn Thị Phương Lan

Phong trào 1930-1931 đã đạt được những kết quả và ý nghĩa: Dưới sự lãnh đạo của Đảng với những chủ trương đúng đắn, một phong trào cách mạng mạnh mẽ đã diễn ra trong cả nước và đạt đến đỉnh cao tại Nghệ An- Hà Tĩnh.

Tại đây những người cách mạng với những hiểu biết sơ lược về chính quyền Xô viết nước Nga được tiếp thu qua các tài liệu của Đảng đã đứng ra lập chính quyền cách mạng sơ khai dưới hình thức Xô viết để tổ chức và điều hành công việc.

Phong trào đã hình thành được khối liên minh công nông, phát huy được sức mạnh to lớn của nó. Thành quả lớn nhất của phong trào 1930-1931 là đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của Đảng và giai cấp công nhân. Một thành quả mà cuộc khủng bố tàn khốc của Pháp sau đó cũng không thể xóa nổi.

Phong trào 1930-1931 đã cho công nông thấy sức mạnh cách mạng to lớn của mình. Đây là thắng lợi đầu tiên có nghĩa với tiến trình phát triển cách mạng về sau. Nó đã góp phần rè luyện lực lượng cho cuộc cách mạng Tháng Tám sau này. Chính vì những kết quả đạt được đó mà phong trào cách mạng 1930-1931 đã có ý nghĩa như cuộc diễn tập đầu tiên cho Cách mạng Tháng Tám sau này.

Trong đề thi tham khảo môn Lịch sử năm 2021, phần này nằm trong câu 10: Sự kiện lịch sử nào sau đây đã diễn ra trong phong trào dân tộc dân chủ từ năm 1925 đến năm 1930 ở Việt Nam? (A) Khởi nghĩa Yên Bái (B) Khởi nghĩa Hương Khê (C) Khởi nghĩa Ba Đình (D) Khởi nghĩa Yên Thế.

Đáp án đúng là (A), Sự kiện lịch sử diễn ra trong giai đoạn 1925-1930 là khởi nghĩa Yên Bái. Khởi nghĩa Ba Đình, Khởi nghĩa Yên Thế và khởi nghĩa Hương Khê đều thuộc giai đoạn đấu tranh trong thế kỉ XIX.

Cô Lan chia sẻ, thi trắc nghiệm, việc đầu tiên học sinh cần làm chính là hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa theo khoanh vùng ôn tập của Bộ GD&ĐT. Thông thường tỷ lệ câu hỏi nằm trong phần kiến thức lớp 11 chiếm 10% còn 90% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và không có nội dung kiến thức chương trình lớp 10. Các câu hỏi thuộc chương trình kiến thức lớp 11 chủ yếu ở mức độ Nhận biết; Thông hiểu; Vận dụng và không có câu hỏi vận dụng cao.

Click vào ảnh để xem nội dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/mon-lich-su-thi-tot-nghiep-thpt-on-tap-theo-chuyen-de-cach-mang-viet-nam-tu-1930-den-1945-cWZXetrMg.html