Môn Lịch sử không quá khó

Ngoài 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, học sinh Hà Nội sẽ thi môn thứ tư là Lịch sử trong kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) công lập năm học 2021-2022. Để chuẩn bị tâm thế cho học sinh bước vào giai đoạn nước rút, các nhà trường đã chủ động lên kế hoạch ôn tập để học sinh đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi vào tháng 5 tới đây.

Theo phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022, môn thi thứ tư được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên. Đây cũng là lý do môn Lịch sử là môn thi thứ tư được chọn trong hai năm (năm 2019 và 2021). Theo ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TP Hà Nội, môn Lịch sử trong kỳ thi năm nay vẫn được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với thời gian 60 phút, như môn Ngoại ngữ. Đề thi bám sát kiến thức cơ bản của chương trình trung học cơ sở (THCS), chủ yếu lớp 9 và nằm trong phần kiến thức đã giảm tải do Bộ GD&ĐT quy định.

 Một tiết học môn Lịch sử của cô và trò Trường THCS Nhật Tân.

Một tiết học môn Lịch sử của cô và trò Trường THCS Nhật Tân.

Trước hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, đến thời điểm này, các trường THCS đang tăng tốc ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 9 để các em nắm vững kiến thức hơn. Tài liệu ôn tập, đề thi minh họa môn Lịch sử của năm trước đã có nên học sinh không còn quá lo lắng vì thi môn Lịch sử trong kỳ thi chuyển cấp sắp tới. Em Nguyễn Yến Ly, học sinh lớp 9E Trường THCS Nhật Tân (Tây Hồ) cho biết: “Chúng em được cô giáo Lịch sử hệ thống lại kiến thức. Cô luôn tìm cách để học sinh ghi nhớ bài ngay tại lớp. Về nhà, em cũng chia thời gian hợp lý để có thể vừa học lý thuyết, vừa luyện tập kỹ năng trả lời câu hỏi. Em thấy môn Lịch sử là môn học không quá khó để đạt điểm cao”.

Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nhật Tân, việc Sở GD&ĐT TP Hà Nội lựa chọn môn Lịch sử là môn thi thứ tư trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không khiến giáo viên và học sinh quận Tây Hồ bất ngờ. Bởi những năm gần đây, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đã duy trì hình thức thi giữa kỳ, cuối học kỳ bằng đề thi chung toàn quận đối với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thi thứ tư được chọn bốc thăm nên các thầy cô và học sinh luôn chuẩn bị sẵn tâm lý học đều tất cả các môn. Hơn nữa, để tiếp cận với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, thời gian qua, nhà trường đã thay đổi phương pháp dạy môn Lịch sử bằng cách tăng cường các hoạt động trải nghiệm, biến các giờ học thành sân chơi tri thức sáng tạo để học sinh hứng thú hơn với môn học. Bà Vân Anh cho biết: “Các thầy cô bộ môn hiện đang hệ thống lại kiến thức cho học sinh, luyện các bộ đề thi trên Hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy của Sở GD&ĐT TP Hà Nội. Thay bằng bắt học sinh học thuộc lòng, các thầy cô giúp học sinh nắm chắc kiến thức bằng những câu hỏi tư duy. Vì thế, học sinh Trường THCS Nhật Tân rất hào hứng với môn học này”.

Trong khi một số phụ huynh và học sinh lo lắng thì nhiều thầy cô cho rằng, Lịch sử là môn thi thứ tư là rất phù hợp và ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay khi kiến thức lịch sử của thế hệ trẻ còn hạn chế. Với cô và trò Trường THCS Thăng Long (Ba Đình), Lịch sử còn là môn thi “gỡ điểm” cho học sinh. Minh chứng là kết quả thi lớp 10 THPT công lập môn Lịch sử năm 2019 của học sinh nhà trường, hầu hết các em đều đạt điểm trung bình môn thi này hơn 8 điểm. Bà Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Lịch sử là môn học không khó. Để đạt kết quả tốt, học sinh cần chăm chỉ ôn tập, bám sát kiến thức đã học theo hướng dẫn của thầy cô. Các em cũng nên sắp xếp thời gian khoa học, cân đối giữa việc học và nghỉ ngơi để giữ sức khỏe, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho kỳ thi sắp tới”.

Bài và ảnh: UYÊN NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/mon-lich-su-khong-qua-kho-655382