Món lẩu có thực sự tốt cho sức khỏe hay không?

Lẩu sẽ chỉ là món ngon, bổ dưỡng nếu chúng ta sử dụng nguyên liệu an toàn.

Những ngày miền Bắc đổ lạnh, ngồi nhâm nhi chén rượu bên nồi lẩu thì còn gì tuyệt vời hơn. Món ăn có nguồn gốc từ Mông Cổ này lại lấy được lòng nhiều người đến vậy.

Nhưng hiện nay, chúng dần trở thành món ăn được sử dụng 4 mùa với đa dạng các loại đồ nhúng hơn.

Tuy nhiên nói thì dễ, không phải ai cũng có thể là thực khách ăn lẩu thường xuyên.

Giống như một bát canh hỗn hợp được đun sôi, lẩu chỉ an toàn khi mọi nguyên liệu nấu thành lẩu an toàn.

Hiện nay, nhiều hàng quán thay vì sử dụng nước hầm xương đã thay thế bằng gói gia vị hay sử dụng chất tạo ngọt có chất bảo quản. Thậm chí nhiều gia đình cũng dựa vào gói lẩu có sẵn bởi sự tiện lợi, gia vị đầy đủ.

Hơn nữa, lẩu thường có vị cay nóng, sử dụng nhiều gia vị, nhiều loại thịt, đôi khi chỉ nhúng qua đồ ăn là đã vội gắp ra vì thế có một số đối tượng càng tránh ăn lẩu càng tốt.

Những đối tượng tránh ăn lẩu

Bà bầu

Bản chất món lẩu không hề gây hại cho bà bầu nhưng đối tượng này tốt nhất vẫn cần hạn chế ăn bởi thói quen nhúng qua loa thức ăn, ăn thịt tái khi ăn lẩu có thể khiến bà bầu đối diện với các bệnh về ký sinh trùng. Phụ nữ mang thai có sức đề kháng yếu, việc nhiễm sán hay ký sinh trùng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ lẫn bé.

Người bị viêm dạ dày

Các loại lẩu cay dù đem lại cảm giác ngon miệng nhưng lại không phù hợp cho đối tượng đang mắc bệnh dạ dày vì có thể khiến dạ dày bị kích thích và tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Thay vì lẩu cay, chúng ta có thể lựa chọn lẩu nấm, lẩu ốc, lẩu gà mà không cho ớt và sa tế.

Khoang miệng, niêm mạc dạ dày và thực quản chỉ có thể chịu đựng được độ nóng cao nhất là 50 - 60 độ C vì thế trong quá trình ăn, nên gắp những đồ ăn đã chín ra bát để nguội bớt rồi mới từ từ thưởng thức.

Người mắc bệnh gút, tiểu đường, cao huyết áp

Nguyên liệu để làm ra một món lẩu rất phong phú, đó là nấm, hải sản, thịt gà, nội tạng, thịt bò... Đây đều là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, dồi dào purine, nhiều cholesterol, không phù hợp để những người bệnh gút, tiểu đường, cao huyết áp ăn nhiều vì sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Cách ăn lẩu khoa học

Khi ăn lẩu, nhiều người thường thả thức ăn vào nồi nước dùng đang sôi rồi gắp ra ngay để ăn tái. Tuy nhiên, thói quen này có thể khiến thực phẩm vẫn còn vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại cho sức khỏe và đường tiêu hóa. Trên thực tế, việc rửa sạch và nhúng qua nước nóng không thể tiêu diệt hết được những loài ký sinh trùng bám trên thực phẩm, đặc biệt là rau, thịt. Vì vậy, bạn hãy lưu ý nhúng đồ ăn chín hẳn khi ăn lẩu. Nhưng với rau xanh cũng không nên để quá lâu vì có thể làm mất chất.

Ngoài ra, người ăn nên chú ý không nên kết hợp quá nhiều loại thực phẩm trong nồi lẩu bởi rất có thể có nguy cơ bị ngộ độc.

Để bữa lẩu được lâu, bạn nên uống một chút nước lọc, sau đó là ăn rau, cuối cùng mới đến ăn thịt.

Nước lẩu rất giàu chất béo và cholesterol, có ngon miệng cũng không nên sử dụng quá nhiều nước lẩu có thể làm tăng nguy cơ bệnh gút và tăng axit uric máu.

Chỉ nên ăn lẩu trong vòng 2 tiếng trở lại vì nếu ăn lâu sẽ khiến dạ dày của bạn phải làm việc liên tục, các dịch vị dạ dày, dịch mật, tụy phải tiết ra nhiều, liên tục để xử lý lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Nếu ăn lâu dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa...ngoài ra chỉ nên ăn lẩu 1 tuần/lần.

Cuối cunfh, dù yêu thích đến mấy, chúng ta không nên dùng đi dùng lại nước lẩu cho những lần ăn kế tiếp bởi nước lẩu đun quá lâu sẽ khiến vitamin bị phân hủy, chất béo khi đó là bão hòa, gây hại cho cơ thể.

Trang Dung (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mon-lau-co-thuc-su-tot-cho-suc-khoe-hay-khong-a493300.html