Món bún suông... mà chẳng suông

'Canh suông khéo nấu cũng ngon / Mẹ già khéo nói thì con đắt chồng'. Ấy là nói tới canh suông, còn bún suông nghe tên vậy, nhưng hấp dẫn thực khách ngay từ khâu nguyên liệu.

Tên Tư Cà Khịa la bai bải:

- Thôi, thôi… thôi… Ai nấu thì nấu, ai làm gì thì làm, dọn sẵn lên cho tui ăn thì ăn, chứ tui hông có phụ nấu bún suông đâu, kỳ thấy mồ á.

Nàng Hai Hóng Hớt thấy lạ:

- Sao kỳ, có gì đâu mà kỳ? Kỳ đà, kỳ lân còn chưa kỳ mà.

Tư Cà Khịa vẫn vậy, nhún nhún vai liên tục:

- Kỳ lắm, kỳ lắm…

Tên Học Dã nhíu mày:

- Kỳ cái gì, nói huỵch toẹt ra coi.

- Thì đó, cũng giống nấu canh suông thôi: “Nấu canh suông ở… truồng mà nấu”. Hổng kỳ là cái chi chi.

- “Hi hi”. Thiệt tình.

Nàng Hai Hóng Hớt dĩ nhiên cũng bật cười, rồi phẩy tay:

- Ê, bớt giỡn, canh suông đừng có tưởng bở:

Canh suông khéo nấu cũng ngon

Mẹ già khéo nói thì con đắt chồng.

Chứ hông phải như nói suông, nói mà chẳng làm. Tư Cà Khịa mà nghe có cô nào nấu canh suông coi, nhảy bổ tới chứ ở đó mà giả đò làm bộ làm tịch.

Bây giờ thì bà con cô bác cười rần rần. Nàng Hai nói tiếp:

- Nhưng thiệt ra, bún suông có nghĩa khác chứ hông phải như nói suông, canh suông. Bún suông xuất xứ ở Trà Vinh. Trong bún có thành phần chính là chả tôm, chả được nắn thành hình giống con đuông.

Một điều đặc biệt, tưởng rằng bún suông thì chẳng có gì nhưng thực chất đây là món đặc sản. Vào năm 2013, bún suông đã nhận được sự bầu chọn của các chuyên gia ẩm thực Châu Á, là món ngon trong Top mười món ngon Việt Nam chứ hông phải chuyện chơi.

 Món bún suông hấp dẫn có xuất xứ từ Trà Vinh. Ảnh: Amthucit.

Món bún suông hấp dẫn có xuất xứ từ Trà Vinh. Ảnh: Amthucit.

Tên Tư Cà Khịa chặc chặc lưỡi:

- Dữ thần ôn vậy ta. Nghe tên, dòm thoáng qua đừng tưởng đồ bỏ ha.

Tên Học Dã khịa:

- Nhưng cũng hơi tiếc ha, đâu giống canh suông đâu mà nấu kiểu canh suông.

Tên Tư Cà Khịa cười “hì hì”:

- Nhưng nghe hấp dẫn quá! Hai nói qua đi Hai.

Nàng Hai gật đầu:

- Yét-sờ A-ra-phát (người ta hay đùa theo tên ông lãnh tụ Palestine - Yasser Arafat). Để giới thiệu sơ cho rồi chọn bữa kiếm cô nào đó… bận đồ kín mít như những cô gái Trung Đông mà nấu. “He he”.

Ngoài chả tôm có màu vàng vàng đẹp mắt là thành phần đặc biệt, bún suông còn ăn với thịt luộc, giò heo, tôm sú và cua hấp. Quá hấp dẫn đúng hông bà con cô bác.

Nước lèo thì theo thông thường cũng ninh với xương heo và tôm, mực khô, củ cải trắng. Có mấy gia vị nêm nếm khác lạ trong nồi nước lèo này ngoài mắm muối, đó là được nêm bởi tương hột và me, đầu và vỏ tôm rang ngả màu đỏ cùng với gạch cua xào tỏi, có nêm thêm mắm ruốc xào tỏi cùng nếp dẻo thành hỗn hợp dẻo, mịn cho nên nước lèo rất đậm đà, thơm lừng và có màu nâu đậm.

À, bún suông ăn với bún khô chứ hông phải bún tươi. Ngâm bún khô cho mềm rồi đem luộc, cho nhúm giá trụng vào đáy tô rồi bỏ bún lên trên. Bún ăn với nhiều lá hẹ, đậu phộng rang rắc bên trên cùng hành phi, hành lá, ngò rí.

Nước chấm có thể là một trong hai loại (nước mắm mặn với ớt xắt hoặc tương đen). Rau sống gồm bắp chuối, rau muống chẻ, xà lách, tía tô, kinh giới, húng lủi, húng quế, bắp cải xắt sợi…

Tới đây là biết đã kết thúc giới thiệu của Nàng Hai. Bà con cô bác dợm đứng dậy ra khỏi quán cà phê mà về thôi để kiếm cái gì… bỏ bụng chứ dịch vị tràn đầy trong miệng và nghe đói lắm. Nếu tìm được bún suông thì tuyệt vời, không thì thứ gì cũng ngon lành… cọng bún. “He he”.

Nhưng chưa hết, Nàng Hai… hát “ứ ư”:

- Khoan… khoan các chàng ơi, hãy dừng chưn chớ vội bước ra đi… để thiếp bày tỏ hết đoạn trường.

Tên Tư Cà Khịa nuốt ực ực:

- Còn nữa hả. Nàng nói mau mau, lẹ lẹ giùm…

- Ừ, nói thêm loại bún biến tấu thôi. Đó là bún suông vịt, xuất hiện ở Gò Công á. Ăn cũng hấp dẫn lắm, chả tôm được làm từ tôm sắt. Có lẽ món này cũng đã “suôn sẻ” lên đất Sài Gòn. “Báo cáo hết”.

Bà con cô bác “báo cáo dọt lẹ lẹ”.

Lê Lade/NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mon-bun-suong-ma-chang-suong-post1198615.html