Món 'Bánh mì kẹp thịt' của người phụ nữ Việt nhiều nỗi truân chuyên ở Đài Loan

Ở Đài Loan, ngoài trà sữa, ẩm thực Việt Nam như món bánh mì kẹp thịt vẫn luôn là một trong số những cái tên nằm trong danh sách ẩm thực ngoại quốc được tìm kiếm không chỉ với người dân Đài Loan mà còn cả du khách.

Nhắc tới Đài Loan là nhắc tới thiên đường trà sữa, thức uống nổi tiếng khắp châu Á và được giới trẻ yêu thích. Tuy nhiên, ở Đài Loan, ẩm thực Việt Nam cũng "chiếm sóng" không nhỏ với những nét đặc trưng và được nhiều người tìm kiếm.

Bánh mì kẹp thịt của cô Nương ở Đài Loan đã được chế biến có chút khác biệt so với vị ở Việt Nam để phù hợp với người dân địa phương.

Bánh mì kẹp thịt của cô Nương ở Đài Loan đã được chế biến có chút khác biệt so với vị ở Việt Nam để phù hợp với người dân địa phương.

Trong đó, Đài Trung, thành phố đông dân thứ hai ở Đài Loan, là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đồ ăn Việt như phở, bún thịt bò xào, bánh xèo và cả một món ăn đặc trưng của người Hà Nội là bún đậu mắm tôm.

Tác giả Mervin Lee của trang tin Saigoneer đã có buổi trải nghiệm đầy thú vị với món bánh mì kẹt thịt của một phụ nữ Việt ở Đài Loan vào một ngày mưa gió.

Cô Nương là một trong những cô dâu Việt đầu tiên tại Đài Loan.

Bước chân vào “Lò Bánh Mì Pasteur” lúc 8 giờ sáng, tác giả Lee đã gặp gỡ bà chủ cửa hàng có tên Nương, một phụ nữ Việt sinh thành ở thành phố Cần Thơ.

“Khi tôi lấy chồng ở Đài Loan, tôi từng làm việc cho một nhà hàng của người Việt. Đó là cách mà phần lớn phụ nữ Việt sinh sống ở Đài Loan làm để thích nghi với môi trường sống”, cô Nương chia sẻ.

Cửa hàng“Lò Bánh Mì Pasteur” của cô Nương ở thành phố Đài Trung.

Cô Nương là một trong những cô dâu Việt đầu tiên ở Đài Loan sau khi xảy ra trận động đất ở Jiji vào năm 1999. Trận động đất đã làm 2.415 người thiệt mạng, 11.305 người bị thương và thiệt hại lên tới 300 tỷ USD. Đây là trận động đất kinh hoàng thứ hai trong lịch sử được ghi nhận tại Đài Loan.

Cửa hàng “Lò Bánh Mì Pasteur” của cô Nương được khai trương cách đây chưa đầy một năm và dĩ nhiên công việc kinh doanh cũng vô cùng khó khăn bởi luật pháp Đài Loan có những quy định khắt khe trong việc nhập khẩu thịt lợn, thành phần chính làm chả, pate và xá xíu trong món bánh mì kẹp thịt.

Bánh mì vừa nướng sẽ được quét một lớp dầu thực vật để làm cứng và giòn hơn.

Cụ thể, cơ quan chức năng Đài Loan từ chiều ngày 15/2 bắt đầu kiểm tra hành lý của 100% hành khách từ Việt Nam sang vì lo ngại lây lan dịch tả lợn châu Phi (ASF). Biện pháp này được đưa ra sau khi Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan (COA) xác nhận đã phát hiện một vật phẩm dương tính virus ASF được mang từ Việt Nam sang. Mầm bệnh được phát hiện trong ổ bánh mì thịt của một hành khách người Đài Loan, bay từ TP.HCM đến Đài Nam trên chuyến bay ngày 5/2. Hành khách này đã bị phạt 30.000 TWD (22,5 triệu đồng) vì không khai báo kiểm dịch. Đài Loan hiện không xếp Việt Nam vào danh sách các nước có dịch ASF nhưng nằm trong danh sách các nước có dịch lở mồm long móng.

Nhân viên hải quan Đài Loan bắt đầu kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm từ thịt heo do khách từ Việt Nam mang sang từ tháng 11/2018 và vụ ngày 5/2 là trường hợp đầu tiên phát hiện dương tính với virus ASF, buộc cơ quan chức năng sở tại phải siết chặt kiểm soát. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng Đài Loan nghi ngờ mầm bệnh được phát hiện lần này có nguồn gốc từ Trung Quốc vì chứa chuỗi gene giống với virus ASF tại Trung Quốc.

Cửa hàng bánh mì của cô Nương được khai trương gần một năm nay

Theo tác giả Lee, cảm nhận khi cắn miếng bánh mì đầu tiên là một cái gì đó “gần giống nhưng vẫn khác” so với món bánh mì được chế biến tại Việt Nam.

Món bánh mì kẹp thịt của cô Nương được đánh giá là rất ngon, nhất là phần nhân thịt. Phần nhân được xem là khá giống với món bánh mì ở Sài Gòn nhưng vẫn có vị rất riêng khi được chế biến tại Đài Loan.

“Bột bánh mì ở Đài Loan rất khác so với Việt Nam. Bột thường ngọt hơn và dai hơn. Do đó, ngay sau khi nướng, bánh mì sẽ được phủ một lớp dầu thực vật để bánh mì cứng và giòn hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng sản xuất nhiều loại bánh mì khác nhau để phục vụ theo yêu cầu của khách hàng”, cô Nương cho hay.

Điểm nhấn thứ hai của món bánh mì kẹp thịt do cô Nương làm chính là pate. So với pate được chế biến ở Việt Nam thì pate của cửa hàng cô Nương có màu nhạt hơn một chút.

Lý giải cho chuyện này, cô Nương cho hay, “người Đài Loan thích ăn thực phẩm tươi, do đó chúng tôi không dùng chất bảo quản nên màu của pate sẽ trông nhạt hơn chút”.

Trải lòng về cuộc sống ở Đài Loan, cô Nương cho biết cô từng sống trong cảnh “khổ hơn ở Việt Nam, em ơi". Theo cô Nương, những người phụ nữ Việt tới Đài Loan luôn mong có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc nếu như gặp được một người chồng tốt, nhưng với cô thì ngược lại.

Nhưng giờ đứa con của cô Nương đã trưởng thành nên cuộc sống của hai mẹ con cũng bớt phần nhọc nhằn. Song nỗi nhớ quê hương vẫn không nguôi trong lòng người đàn bà này, “Cứ đến cuối ngày, điều khiến tôi nhớ nhất chính là những món ăn quê hương”, cô Nương khép lại câu chuyện để tiếp tục bán hàng.

Minh Thu

Từ khóa: Món Bánh mì kẹp thịt của người phụ nữ Việt nhiều nỗi truân chuyên ở Đài Loan bánh mì kẹp thịt món ăn việt ở đài loan đài loan động đất ở đài loan cấm nhập khẩu thịt lơn dịch tả lợn châu phi Trung Quốc virus ASF hành khác việt nam tới đài loan bánh mì Sài Gòn bánh mì pate cô dâu việt ở đài loan

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/mon-banh-mi-kep-thit-cua-nguoi-phu-nu-viet-nhieu-noi-truan-chuyen-o-dai-loan-post307743.info