Món bánh dân dã ở thôn quê hút khách thị thành, người nhào bột mỏi tay, người bán gom hàng trăm đơn mỗi ngày

Chỉ là món bánh dân dã ở thôn quê nhưng nay lại thành đặc sản của người dân Hà thành, nhiều chị em mua về ăn tấm tắc khen ngon...

Bánh sắn, đặc sản Phú Thọ được bán trên thị trường với giá 55.000-85.000 đồng/chục, tùy loại to nhỏ.

Bánh sắn, đặc sản Phú Thọ được bán trên thị trường với giá 55.000-85.000 đồng/chục, tùy loại to nhỏ.

Bánh sắn - một món bánh dân dã của người dân ở Phú Thọ hiện được nhiều chị em Hà thành đặt mua trên chợ mạng. Bánh làm từ bột sắn ăn bùi bùi, dai dai, dẻo thơm và mùi sắn đặc trưng.

Trên các chợ online, bánh được gom đơn bán với giá 55.000-85.000 đồng/chục bánh sắn chín, tùy loại to nhỏ. Bánh sống thường rẻ hơn khoảng 10.000 đồng/chục chiếc.

Mấy năm nay, chị Nguyễn Yến (Hà Nội) thường gom đơn bán món bánh sắn đặc sản của quê chị ở Phú Thọ. Chị Yến cho biết, mặc dù gia đình chị kinh doanh đồ gia dụng, nhưng tình cờ có một lần người nhà gửi bánh sắn xuống cho nhà chị ăn, chị có chia cho bạn bè, hàng xóm mỗi người vài chiếc gọi là quà quê.

“Không ngờ sau đó, mọi người ăn thấy bánh ngon, món này lại hợp vào mùa Đông nên cứ nhờ tôi mua hộ, người thì nhờ 30, người 50 chiếc... Dần thấy đông người gửi nên tôi gom đơn công khai trên các nhóm chợ luôn để tiện chuyến, cũng là cách bán giúp người nhà.

Lần đầu rao được hơn trăm chiếc, nhưng các lần sau đơn hàng cứ tăng dần, có lần bán tới 400 chiếc. Tôi cứ gom đơn cả tuần và trả bánh vào giữa tuần và cuối tuần. Có 2 loại bánh, ngọt và mặn. Bánh mặn có nhân thịt mộc nhĩ, còn bánh ngọt là đậu dừa, đều được nấu chín. Chỉ khách nào đặt bánh sống thì người nhà mới làm riêng”, chị Yến cho hay.

Cũng theo chị Yến, bánh được người nhà làm và chuyển cho khách luôn trong ngày nên bánh tới tay mọi người ăn vẫn còn nóng ấm. Nhờ vậy, mọi người ăn cứ khen bánh có vị thơm ngon lại dẻo ngọt.

Bánh sắn dai dai, bùi bùi, dẻo thơm ngon có hương vị đặc trưng riêng

Để làm được chiếc bánh sắn ngon, chị Yến cho biết cần có những bí quyết riêng. Từ khâu làm bột đến chọn nhân cho bánh.

Khi làm bột bánh, phải biết nhào bột như thế nào để bánh mềm dẻo, lượng nước sôi bao nhiêu để nhào bột không bị sống và nhào như thế nào để bột mịn, có độ dai ngon. Còn nhân cũng phải lựa chọn kỹ từ thịt, mộc nhĩ, đến đỗ xanh, hành tươi,...

Bột sắn sau khi nhào xong thì nặn thành những chiếc bánh nhỏ hình tròn, rồi dùng lá chuối bọc bên ngoài từng chiếc để khi chín bánh không bị dính vào nhau.

Còn chị Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chuyên bán bánh sắn nhưng chị thường làm theo đơn hàng khách đặt. Thế nên chị bán cả loại bán sắn to, nhiều nhân với giá 75.000 đồng/chục đã hấp chín.

Thu Hương cho biết, để chiều lòng khách, chị có thể trộn nhân theo sở thích của khách, chứ không nhất thiết 10 cái một loại nhân. Chính vì thế, chị Hương có nhiều khách quen thường hay đặt mua ăn hoặc biếu người thân.

“Nhiều khách đặt bánh sống để tủ lạnh, khi thèm có bánh hấp ăn luôn. Bánh nhà tôi có thể cất ngăn đá 2 tuần rất tiện cho khách. Vì thế, thường phải gom đơn hôm trước để chốt số lượng, hôm sau làm mới có trả khách", chị Hương cho biết.

Bánh của chị Hương làm thường có 2 loại, loại bánh to có giá 75.000 đồng/chục và loại bánh vừa có giá 50.000 đồng/chục.

Không chỉ món bánh sắn đắt hàng, trên chợ mạng, nhiều người còn rao bán cả bột sắn để khách hàng có thể tự tay làm bánh với giá 50.000 đồng/kg.

Minh Thư

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/24h/banh-san-la-banh-gi-banh-san-o-dau-gia-banh-san-bao-nhieu-270303.html