Món ăn ngon nhất thế giới

Năm 2017, Rendang đã đứng ở vị trí số 1 trong bảng xếp hạng 50 món ăn ngon nhất do độc giả CNN Travel bình chọn.

Minh họa của Choai.

Hồi đến Jakarta, tôi cũng được ăn khối món ngon.

Ngày hôm sau thì cậu bạn Sky dẫn tôi vào một quán ăn kiểu Padang. Vừa ngồi xuống bàn, chủ quán nhanh như sóc đã bày la liệt hai chục đĩa thức ăn lên mặt bàn, chưa kể các loại rau câu và hoa quả. Đĩa nọ xếp chéo lên đĩa kia như làm xiếc.

Tôi cuống lên bảo mình không ăn hết nhiều đến thế, gọi món thế này thì chết tiền. Sky xua tay nói rằng quán ăn Padang là như vậy, người ta cứ thấy khách là bày sẵn, rồi ăn đĩa nào trả tiền đĩa ấy. Đây rõ là kiểu ăn không hề phù hợp cho những người đang vật vã giảm cân hoặc có thói quen ăn dè hà tiện. Bày biện thế này dạng phàm ăn như tôi sẽ tới bến đến vỡ bụng thì thôi.

Padang là phong cách nấu nướng của người sống ở Tây đảo Sumatra, mà đã nổi danh khắp thế giới về tài nghệ bếp núc. Trong bảng xếp hạng 50 món ngon nhất 2017 do độc giả CNN Travel bình chọn thì Rendang của người Tây đảo Sumatra bứt lên vị trí số 1, soán ngôi món cà ri Massaman của Thái Lan năm trước.

Chủ nhân của đồ ăn Padang đi khắp đất nước Indonesia để mở tiệm, không khác gì người Huế chỗ nào cũng có mặt. Thế nên Sky mới hãnh diện đưa tôi vào quán Padang để giới thiệu. Coi vậy nhưng những đĩa thức ăn nhỏ nhắn sâu lòng chỉ đựng có chút xíu đồ ăn cho vừa miệng khách (1).

Dĩ nhiên Sky gợi ý món Rendang đầu tiên. Lúc ấy tôi chưa biết là 8 năm sau Rendang sẽ trở thành món ăn ngon nhất thế giới, chứ không thì cũng cố mà ăn cho hết đĩa. Rendang tôi không thấy ngon, càng chẳng có chi đặc sắc. Ăn nhang nhác món bún bò cay của Bạc Liêu, chỉ khác là không có bún mà thôi.

Một kiểu bò kho với vị cà ri cay. Chả hiểu vài trăm năm trước có người Bạc Liêu nào vượt biển sang Sumatra học lóm được món này, hay khéo người xứ họ lò dò đến Bạc Liêu lấy công thức về cải biên cũng nên. Rendang chủ yếu nấu từ thịt bò, nhưng gà, vịt, trai thì cũng được.

Trong danh sách bình bầu vô cùng quan trọng với các nhà hàng toàn cầu còn có món Nasi Goreng đứng thứ hai, cũng “made in Indonesia” nốt. Nasi Goreng được coi là quốc thực của người Indonesia, thực ra là cơm rang với gà, trứng và rau. Có lần ngài đại sứ Indonesia nói đùa khi thấy tôi không thích Rendang “Chắc tại dân tôi đông nên số lượng người nhấn nút like áp đảo luôn các món khác”. Tuy nhiên chẳng phải vì không hợp Rendang mà tôi thất vọng với đồ ăn Indo.

Trong các món trên bàn ăn Padang hôm ấy thì tôi ưa nhất là Lontong Cap Gomeh, một loại súp cà ri cốt dừa, trong có thịt gà, mướp bao tử và những miếng cơm nếp cuốn lá thơm. Nếm miếng nào cứ gọi là thơm nức lên miếng ấy. Vị thơm của cốt dừa, cơm nếp, lá thơm, mướp non, gà đồi (thực ra thì gà của Indo có thả đồi hay không chẳng biết nhưng ngon quá đi thôi)... khéo quyện vào nhau đến điều. Ví thử có được đề cử thì dứt khoát tôi cung tiến Lontong Cap Gomeh chứ chả phải Rendang.

Các món ăn Padang đều có vị cay và cốt dừa, vô cùng hợp với khẩu vị tôi. Vả mà món nào không có đủ ba thành tố là gạo, cà ri (gulai) và ớt thì không thể là Padang. Dân số Tây Sumatra phần lớn theo đạo Hồi nên các món ăn cũng phải tuân theo luật tục Halal (2). Vì thế đồ ăn Padang thịt gì cũng có trừ lợn.

Vào quán Padang người ta có thể ăn bằng tay. Muốn ăn bốc thì xin chủ quán chậu nước ngâm vài lát chanh gọi là Kobokan để rửa tay trước và sau khi ăn. Tôi và Sky đều chưa bao giờ ăn bốc, vả cũng chẳng muốn thử. Mất vệ sinh lắm. Ngay cả kiểu ăn Hidang này dù có tiện lợi và ngon mắt nhưng cũng đã bị nhiều người cho là mất vệ sinh rồi.

Các đĩa ăn bày ê hề trước mặt khách, dẫu không đụng đũa nhưng nhỡ đâu người ta ho hay hắt xì vào đấy thì sao. Bởi sau khi hết bữa thì những đĩa nào khách không ăn, chủ hàng sẽ bê đi để phục vụ cho khách sau. Vì thế nhiều đĩa thức ăn có thể đã chễm chệ trước mặt năm bảy lượt khách rồi. Trước khi ăn mà ngẫm cho kỹ thế thì cũng mất ngon. May lúc ấy tôi cũng chả hiểu ra thế nào. Thấy món ngon là đã hoa cả mắt mà ăn tì tì.

Người Indo cũng có loại bánh gói gạo nếp tựa bánh chưng nhưng hình dáng giống bánh giò, nhân là thịt băm chua ngọt chứ không phải đậu xanh, thịt mỡ. Ăn ngon vô đối, phần gạo có lẽ còn ngon hơn bánh chưng của Lang Liêu nữa. Và đó là món bánh tôi mang lên máy bay trên đường quay trở lại sân bay Tân Sơn Nhất. Bữa tối tự túc trên chín tầng mây tuyệt ngon, không biết có phải vì dạ dày của tôi đã biểu tình sau một ngày thử đủ trò cảm giác mạnh trong Dunia Fantasy Theme, hay do những dư vị đa dạng của thành phố Jakarta đã trộn lẫn trong những gói lá đơn sơ này.

Mấy năm sau thấy trên đường Xuân Diệu cũng có nhà hàng bán đồ ăn Indonesia. Bảng bình chọn của CNN vừa lên sóng thì đã nom nhà hàng bày ra vỉa hè cái phướn đứng in hình ba món ăn lọt vào top CNN Travel: Beef Rendang, Nasi Goreng và Sate Ayam.

Tôi vào quán lúc 7 giờ tối ngày chủ nhật mà vừa không thấy khách, vừa chẳng nom chủ đâu, chỉ mỗi giá treo quần áo bọc nilon ở cửa ra vào y như quán đang định đổi hạng mục kinh doanh sang giặt là. Gọi mãi mới có nhân viên thất thểu chạy từ trên tầng xuống. Khổ quá đi mất. Chẳng lẽ không ai thèm quan tâm đến món ăn ngon nhất thế giới hay sao.

1. Phong cách phục vụ này được gọi là Hidang

2. Halal là những điều hợp pháp của kinh Coran. Trái ngược với Halal là Haram.

di li

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/mon-an-ngon-nhat-the-gioi-628325.ldo