Moldova thúc đẩy đàm phán gia nhập EU càng sớm càng tốt

Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang thúc đẩy các cuộc đàm phán gia nhập EU bắt đầu càng sớm càng tốt do lo ngại liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Người dân tham gia cuộc tuần hành ủng hộ EU ở thủ đô Chisinau vào ngày 21/5/2023. Ảnh: AFP/Getty Images

Người dân tham gia cuộc tuần hành ủng hộ EU ở thủ đô Chisinau vào ngày 21/5/2023. Ảnh: AFP/Getty Images

Hàng chục nghìn người Moldova đã đổ về quảng trường trung tâm của thủ đô Chisinau vào ngày 21/5, vẫy cờ và biểu ngữ để ủng hộ nỗ lực của đất nước gia nhập EU.

Trong bối cảnh cuộc xung đột đang kéo dài ở Ukraine, chính phủ của quốc gia Đông Âu nhỏ bé này đã kêu gọi tổ chức mít tinh nhằm nỗ lực vượt qua sự chia rẽ nội bộ và gây áp lực lên Brussels để bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh, gần một năm sau khi Moldova được trao tư cách ứng cử viên EU.

“Gia nhập EU là cách tốt nhất để bảo vệ nền dân chủ và các thể chế của chúng tôi", Tổng thống Moldova, Maia Sandu nói với tờ Politico tại dinh tổng thống ở Chisinau, trong lúc một đoàn người ủng hộ bà tuần hành bên ngoài. “Tôi kêu gọi EU đưa ra quyết định bắt đầu đàm phán gia nhập vào cuối năm nay. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có đủ sự hỗ trợ để tiến bước", bà Sandu nói.

Phát biểu cùng với bà Sandu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola tuyên bố rằng: “Châu Âu là Moldova. Moldova là châu Âu!”. Bên ngoài, đám đông, nhiều người cầm cờ Ukraine và biểu ngữ ngôi sao vàng xanh của EU, đã reo hò cổ vũ. Một dàn nhạc trên sân khấu chơi bài ca Liên minh châu Âu "Ode to Joy".

Ông Metsola nói: “Trong những năm gần đây, các bạn đã có các bước đi quyết định và giờ đây các bạn có trách nhiệm thực hiện nó, ngay cả khi một cuộc xung đột đang ở biên giới của các bạn. Cộng hòa Moldova đã sẵn sàng hội nhập vào thị trường châu Âu".

Tuy nhiên, cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra trong bối cảnh có những cảnh báo về nỗ lực lật đổ chính phủ thân phương Tây của Moldova.

Phản ứng trước nghi vấn đảo chính, Brussels tháng trước tuyên bố sẽ triển khai một phái bộ dân sự tới Moldova để chống lại các mối đe dọa. Theo ông Josep Borrell, quan chức phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, việc triển khai theo các điều khoản của Chính sách An ninh và Quốc phòng chung, sẽ cung cấp “sự hỗ trợ cho Moldova [để] bảo vệ an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của họ".

Tuần trước, Tổng thống Sandu một lần nữa kêu gọi Brussels bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập “càng sớm càng tốt” để bảo vệ Moldova khỏi các mối đe dọa. Bà nói: “Không gì có thể so sánh với những gì đang xảy ra ở Ukraine, nhưng chúng tôi nhìn thấy những rủi ro và chúng tôi tin rằng chúng tôi chỉ có thể cứu nền dân chủ của mình khi là một phần của EU”.

Một nhóm các nghị sĩ có ảnh hưởng từ tất cả các đảng chính trong Nghị viện Châu Âu cũng đã đưa ra một kiến nghị kêu gọi Ủy ban Châu Âu bắt đầu các cuộc đàm phán vào cuối năm nay.

Con đường nhiều trở ngại

Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga, Moldova biết rằng con đường trở thành thành viên EU không phải là không có trở ngại.

Tom de Waal, một thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie Châu Âu cho biết: “Thách thức là rất lớn. Họ sẽ cần phải vượt qua nền văn hóa đầu sỏ chính trị đã tồn tại trong 30 năm, nơi mọi thứ đều phi chính thức, các thể chế rất yếu kém và phần lớn bộ máy quan liêu được tạo ra nhờ các nhóm lợi ích".

Trong khi đó, một cuộc xung đột bị đóng băng ở khu vực ly khai Transnistria, phía đông Moldova, có thể làm phức tạp thêm vấn đề. Dải đất dọc biên giới với Ukraine, nơi sinh sống của gần nửa triệu người, được kiểm soát bởi lực lượng đòi độc lập kể từ khi Liên Xô sụp đổ, và khoảng 1.500 binh sĩ Nga đang đóng quân ở đó. Đây cũng là nơi có một trong những kho dự trữ vũ khí lớn nhất ở châu Âu, với 20.000 tấn đạn dược thời Liên Xô được ghi nhận.

Bản đồ Moldova trong khu vực, với vùng ly khai Transnistria nằm giáp Ukraine.

Nghị sĩ người Romania Siegfried Mureșan, chủ tịch phái đoàn của Nghị viện Châu Âu tại Moldova, phát biểu với tờ Politico: “Hiện tại chúng tôi không biết một giải pháp có thể như thế nào, nhưng việc không có câu trả lời sẽ không ngăn cản chúng tôi thúc đẩy quá trình hội nhập châu Âu của Moldova trong tất cả các lĩnh vực mà chúng tôi có thể".

Mối quan hệ ràng buộc

Ngay cả bên ngoài khu vực Transnistria, Moskva vẫn duy trì ảnh hưởng đáng kể ở Moldova. Mặc dù tiếng Romania là ngôn ngữ chính thức của đất nước, tiếng Nga được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày.

Một nghiên cứu của công ty thăm dò ý kiến CBS Research có trụ sở tại Chisinau vào tháng 2 cho thấy trong khi gần 54% người Moldova nói rằng họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ tư cách thành viên EU, gần 1/4 nói rằng họ muốn liên kết chặt chẽ hơn với Nga. Đảng ȘOR thân Nga đã tổ chức các cuộc phản đối ở một số thành phố.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Moldova, một cựu nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới, người đắc cử năm 2020 nhờ làn sóng chống tham nhũng, được dự báo có thể đối mặt với một cuộc chiến bầu cử có khả năng gây tranh cãi vào năm tới, liên quan đến quá trình gia nhập EU.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/moldova-thuc-day-dam-phan-gia-nhap-eu-cang-som-cang-tot-20230523001420292.htm