Moldova rơi vào vòng xoáy khủng hoảng hậu Xô Viết

Tình hình khủng hoảng ở các nước thuộc Liên Xô cũ trong những tháng qua đã được các chuyên gia Nga dự báo trước.

Sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine vào năm 2014, đến nay khủng hoảng chính trị diễn ra ở các nước trong không gian hậu Xô Viết đang diễn ra nhanh chóng hơn.

Tổng thống đắc cử Moldova Maia Sandu

Tổng thống đắc cử Moldova Maia Sandu

Ngày 3/12, Tổng thống đắc cử Moldova, bà Maia Sandu, tuyên bố một cuộc biểu tình sẽ diễn ra ở thủ đô Chisinau của nước này vào cuối tuần này nhằm yêu cầu giải tán quốc hội.

Bà nêu rõ trong thông báo rằng “Cuộc biểu tình sẽ được tổ chức tại Quảng trường Quốc hội vào Chủ nhật, ngày 6/12”, đồng thời nhấn mạnh quốc hội cần giải tán nếu "quay lưng lại với" lợi ích của người dân.

Theo vị Tổng thống này, bà sẽ đệ đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp để phản đối quyết định trước đó cùng ngày của Quốc hội Moldova, theo đó thông qua việc rút quyền kiểm soát của tổng thống đối với Cơ quan Thông tin và An ninh (ISS) và chuyển quyền này cho cơ quan lập pháp. Bà Sandu lý giải rằng ISS là cơ quan giúp tổng thống thực hiện các nhiệm vụ của mình, đồng thời khẳng định mục tiêu của bà là chống tham nhũng.

Bà Maia Sandu hôm 15/11 vừa qua đã lãnh đạo đảng Hành động và Đoàn kết (PAS) đối lập ở Moldova, đã giành chiến thắng trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Moldova. Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Moldova (SIK), bà Sandu giành được 57,74% số phiếu bầu, so với 42,26% số phiếu ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Igor Dodon - một người ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ hơn với Nga.

Theo Tổng thống Igor Dodon, số lượng người gốc Nga và người nói tiếng Nga chiếm tỷ lệ lớn ở Moldova và nên dân chúng nước này luôn muốn chính quyền tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga,.

Ông Dodon ủng hộ việc tiếp tục đi theo con đường trung lập, ủng hộ sự phát triển quan hệ hợp tác với cả Nga và EU; chống việc trực tiếp gia nhập NATO và các hình thức gia nhập gián tiếp như sáp nhập vào quốc gia NATO....là con đường tốt nhất, vừa phù hợp với lòng dân, vừa giúp mang lại sự giàu mạnh cho đất nước.

Tuy nhiên, cuối cùng, cuộc tổng tuyển cử ở nước này đã buộc ông Dodon phải rời cương vị.

Bình luận về điều này, ông Sergei Naryshkin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga không hề ngạc nhiên. Ông cho rằng, Mỹ đã cố gắng tác động đến tình hình Kyrgyzstan và Belarus sau cuộc bầu cử, và cũng đang chuẩn bị một kịch bản "cách mạng" cho Moldova.

“Mỹ tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thân thiện với Matxcơva dọc theo biên giới Nga. Những nỗ lực thô bạo nhằm tác động đến tình hình sau bầu cử đang được thực hiện ở Belarus và Kyrgyzstan” - Văn phòng báo chí Cơ quan tình báo đối ngoại Nga trích lời ông Naryshkin.

Theo ông Sergei Naryshkin, Mỹ vốn không hài lòng với Tổng thống đương nhiệm Igor Dodon, vì ông là người duy trì quan hệ mang tính xây dựng với các nước SNG, bao gồm cả Nga, nên đã bắt đầu thực hiện các biện pháp can thiệp vào công việc của nước này.

“Xét thấy ông I. Dodon có nhiều cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Moldova, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra lệnh cho đại sứ quán của họ ở Kishinev thành lập sẵn phe đối lập để tổ chức các cuộc biểu tình lớn trong trường hợp ông này tái đắc cử với yêu cầu hủy bỏ kết quả bỏ phiếu.

Các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông liên kết với Mỹ đã tung nhiều tin giả về kế hoạch sử dụng các biện pháp gian lận trong bầu cử của chính quyền”, tuyên bố viết.

Theo lời ông Sergei Naryshkin, các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ đang cố gắng thuyết phục các quan chức an ninh Moldova không nên can thiệp vào các cuộc biểu tình đường phố có thể xảy ra và ngay lập tức đi theo "người dân". Ngoài ra, còn có thông tin về sự chuẩn bị cho chuyến sang Moldova của một nhóm chuyên gia Mỹ về "các cuộc cách mạng màu".

Người đứng đầu Cơ quan tình báo đối ngoại nhấn mạnh: “Chúng tôi lấy làm tiếc rằng Mỹ, nước đã lớn tiếng tuyên bố không thể chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào chiến dịch bầu cử nội bộ nước Mỹ lại nhanh chóng quên đi quan điểm này khi cần đảm bảo các lợi ích cơ hội của Washington ở nước ngoài”.

Ông cũng lưu ý rằng trong trường hợp này, đối với Mỹ, khái niệm "chủ quyền của các quốc gia khác" rõ ràng đã được xếp sang một bên.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/moldova-roi-vao-vong-xoay-khung-hoang-hau-xo-viet-3423742/