Mỗi tù nhân Guantanamo tiêu tốn của Mỹ 13 triệu USD/năm

Được lập ra dưới thời Tổng thống Bush 18 năm trước để giam giữ nghi phạm khủng bố, nhà tù ở căn cứ hải quân của Mỹ trên đất Cuba trở thành nhà tù tốn kém nhất thế giới.

Chi phí giam giữ tội phạm Đức Quốc Xã Rudolf Hess ở Đức là 1,5 triệu USD. Một tù nhân ở nhà tù an ninh tối đa tại bang Colorado tiêu tốn của chính phủ Mỹ 78.000 USD (vào năm 2012).

Nhưng những con số đó chưa là gì so với chi phí 13 triệu USD mỗi phạm nhân ở nhà tù vịnh Guantanamo, nơi chỉ giam giữ 40 tù nhân.

Theo New York Times, nhà tù vịnh Guantanamo đã đắt đỏ hơn nhiều trong những năm gần đây, dù số tù nhân đã giảm. Với vị trí nằm biệt lập, mọi hoạt động của nhà tù, từ bố trí lính canh gác, tổ chức phiên tòa, đến xây dựng, sửa chữa đang ngốn những khoản tiền “khủng” của người đóng thuế Mỹ. Tổng chi phí lên tới hơn 540 triệu USD, biến nơi đây thành cơ sở giam giữ tốn kém nhất thế giới.

Chi phí trên mỗi phạm nhân ở nhà tù vịnh Guantanamo là 13 triệu USD/năm, dù nơi này chỉ có 40 phạm nhân. Ảnh: New York Times.

Chi phí trên mỗi phạm nhân ở nhà tù vịnh Guantanamo là 13 triệu USD/năm, dù nơi này chỉ có 40 phạm nhân. Ảnh: New York Times.

Chi phí ngày càng tăng

Nhà tù vịnh Guantanamo có nhà thờ, rạp chiếu phim, nhà ở, nhà ăn cho các nhân viên. Quân đội bố trí 1.800 lính phụ trách an ninh. Thẩm phán, nhà báo, luật sư, nhân viên tư vấn tâm lý có thể tới đây bằng chuyến bay hàng tuần.

40 tù nhân, tất cả là nam giới, được cung cấp đồ ăn halal của người Hồi giáo, xem truyền hình vệ tinh, có kênh thể thao, dụng cụ tập gym và máy PlayStation, thậm chí có thể học lớp mỹ thuật và trồng cây.

Chi phí hoạt động của Guantanamo đã tăng lên trong những năm gần đây, dù số tù nhân giảm đi. Năm 2013, một báo cáo của Bộ Quốc phòng ước tính tổng chi phí là 454,1 triệu USD cho 166 tù nhân, tức 2,7 triệu USD/người.

Đến năm ngoái, chi phí là 540 triệu USD, ước tính cho khoảng thời gian 12 tháng tính đến ngày 30/9/2018, và còn chưa bao gồm các chi phí bí mật, như phục vụ cho nhân viên tình báo ở đây, theo New York Times.

Dù từng có những ý kiến về việc đóng cửa Guantanamo, hiện chưa có sự đồng thuận về chính trị trong việc này. Tổng thống Bush chuyển 540 tù nhân về Trung Đông. Tổng thống Obama chuyển 200 tù nhân ra khỏi đây. Nhưng Tổng thống Trump lại từng hứa sẽ giữ nhà tù này và nhốt thêm “kẻ xấu” vào đó.

“Tôi không nghĩ cần có một cơ sở quá tốn kém như vậy ở Guantanamo chỉ cho 40 người”, Hạ nghị sĩ Adam Smith, đảng Dân chủ, bang Washington, cũng là chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện nói vào tháng 6.

Thẩm phán, nhà báo, luật sư, nhân viên tư vấn tâm lý có thể tới nhà tù Guantanamo bằng chuyến bay hàng tuần hoặc xà lan hai tuần một chuyến. Ảnh: New York Times.

Đội ngũ hùng hậu cho nhà tù 40 phạm nhân

Guantanamo khác hẳn nhà tù bình thường. Ở nhà tù bình thường, các nhân viên chỉ đến làm việc. Họ tự lo nhà cửa, ăn uống, đi lại.

Nhưng vì nhà tù Guantanamo nằm trên đất Cuba, tách biệt hẳn với Mỹ, nên Bộ Quốc phòng Mỹ phải cung cấp mọi nhu cầu cuộc sống nói trên cho các nhân viên, binh lính.

Cũng vì biệt lập, nên để vận hành nhà tù cần số lượng nhân lực lớn. Nhiều đơn vị khác nhau đến đây làm việc, như lực lượng Tuần duyên tuần tra ngoài vịnh, bác sĩ, y tá từ Hải quân, các chuyên viên tâm lý, kỹ sư Không quân, các luật sư, những người cử hành nghi lễ tôn giáo, người trông trẻ và các phóng viên quân đội.

Ngoài nhân viên quân sự, còn có các nhân viên dân sự, từ người phiên dịch, phân tích tình báo, lao động chân tay đến chuyên viên IT. Năm 2014, nhóm nay có khoảng 300 người.

Tổng cộng có hơn 2.000 lính và nhân viên dân sự được giao quản lý nhà tù, vốn là một phần của căn cứ hải quân vịnh Guantanamo, có 6.000 lính và nhân viên.

Bản thân nhà tù cũng biệt lập so với khu căn cứ bao quanh, như một căn cứ riêng trong lòng căn cứ hải quân. Trạm kiểm soát an ninh vào nhà tù cách tiệm McDonald’s của căn cứ 7 phút lái xe.

Bên trong khu nhà tù có ba tòa nhà giam giữ, văn phòng, tòa án, phòng điều trần, phòng tham vấn luật sư, phòng khám, tiệm tạp hóa, phòng khám tâm lý.

Trong số lính gác, có gần 300 lính sống trong các buồng giống như “container” bên trong khu vực nhà tù. Số còn lại sống ở khu vực căn cứ hải quân.

Một tiệm ăn nhanh tại căn cứ hải quân Guantanamo. Ảnh: New York Times

Tốn kém từ sửa chữa, xét xử đến y tế

Gần như toàn bộ nhu cầu ở căn cứ Guantanamo như đồ gửi từ gia đình, bột đông lạnh để làm pizza, xe ôtô... được chuyển đến hai tháng một lần bằng xà lan của chính phủ đi từ Florida. Mỗi tuần có một chuyến máy bay mang hoa quả tươi.

Các chỉ huy nói chi phí cao là do cơ sở vật chất xuống cấp nhanh. Guantanamo là khu vực nóng, ẩm, thường xuyên có mưa bão. Chẳng hạn, hai năm qua, quân đội Mỹ phải chi 15 triệu USD cho sửa chữa.

Các công ty xây dựng sẽ phải tính giá tiền đưa công nhân, thiết bị, bao gồm xe ủi đất, đến đây. Và các chi phí đó không hề nhỏ. Một tòa nhà mới để giam 15 phạm nhân của Cục Tình báo Trung ương (CIA) được ước tính có chi phí 49 triệu USD vào thời điểm mới đề xuất là dưới thời Obama. Sau 5 năm, ước tính đó đã đội lên 88,5 triệu USD.

Một chi phí khác bao gồm các tòa án binh, như các tòa án bắt đầu từ năm 2011-2012 xét xử 8 phạm nhân với tội danh khủng bố và tội ác chiến tranh, trong đó 6 người bị đề nghị án tử hình.

Xét xử các phạm nhân là việc không hề đơn giản. Các tòa án này tiêu tốn hơn 123 triệu USD năm 2018.

Mỗi phiên điều trần đòi hỏi di chuyển số lượng lớn người và tài liệu từ Mỹ đến các căn cứ, trên những chuyến bay do Lầu Năm Góc thuê với giá 80.000 một chiều.

Chi phí chăm sóc sức khỏe cũng tốn kém. Năm 2017, Hải quân Mỹ chuyển các máy chụp cộng hưởng từ (MRI) đến Guantanamo để chiếu chụp cho các tù nhân sắp bị tử hình, vì bên bào chữa yêu cầu giám định xem có dấu hiệu tra tấn hay không. Nhưng không có chuyên viên dùng được máy MRI trên đảo, quân đội phải thuê và sắp xếp chuyến bay cho một nhân viên khác ra đảo để vận hành máy.

Các tù nhân được 100 bác sĩ, y tá Hải quân chăm sóc y tế. Tất nhiên họ cũng chăm sóc cho lính. Nhóm 100 người này tiêu tốn ngân sách 4 triệu USD vào năm ngoái.

Tùy mỗi lính gác, phục vụ tại Guatanamo có những lợi hại riêng. Lính gác tù luân chuyển sau 9 tháng, và họ nhận được tiền trợ cấp vì nhiệm vụ nguy hiểm. Thời gian rảnh, họ có thể đi lặn, hoặc đưa gia đình bạn bè tới vịnh Guantanamo tham quan, tắm biển.

Quân đội bố trí 1.800 lính phụ trách an ninh ở nhà tù Guantanamo, tức 45 lính trên mỗi tù nhân. Ảnh: New York Times.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/moi-tu-nhan-guantanamo-tieu-ton-cua-my-13-trieu-usdnam-post991833.html