Môi trường vs hưởng thụ

Hiệu ứng bóng dội ngược chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng thái quá đang gây hại cho môi trường...

Tờ The New York Times gần đây dẫn nghiên cứu mới được Climate Central (Mỹ), công bố trên Tạp chí Nature Communications số ra tháng 10.2019, cho thấy miền Nam Việt Nam, trong đó có TP.HCM, với dân số 20 triệu người có thể bị ngập trong nước biển vào năm 2050. Nếu dự báo này chính xác thì đó là vấn đề rất nghiêm trọng, liên quan đến sự sinh tồn của hàng chục triệu người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe kinh tế quốc gia.

Nhưng sẽ thật không công bằng khi người ta chĩa mũi dùi công kích vào những nước nghèo, những quốc gia đang phát triển như là những tội đồ hủy hoại hành tinh xanh của nhân loại. Những quốc gia lạc hậu đi sau bằng cách nào có thể tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả và đuổi kịp phương Tây mà không phải đánh đổi chất lượng môi trường?

Túi nylon, ống hút nhựa… không phải là thủ phạm bức hại môi trường. Sát thủ của sinh thái là tăng trưởng GDP, công nghiệp thái quá và chủ nghĩa tư bản tham lam với các “Kế hoạch lỗi thời” có tính toán trong kinh doanh, toàn cầu hóa. Chúng ta sống trong một thế giới dư thừa hàng hóa và thường không biết làm gì với những thứ dư thừa. Bộ Bảo vệ Môi trường Đức liệt kê xem người Đức trung bình sở hữu bao nhiêu đồ vật linh tinh: tính ra có 10.000 thứ. Ít nhất một nửa không được dùng đến, chỉ chất đống trong kho, tủ. Sự dư thừa quá mức đang gây hại kép cho môi trường, lần đầu vì làm tiêu hao nguyên vật liệu để sản xuất, lần hai là chi phí xử lý rác thải môi trường.

Kinh tế gia người Mỹ John Kenneth Galbraith đã chỉ ra một hiện tượng lạ lùng: trong khủng hoảng kinh tế, không ai lấy làm tiếc về việc có ít hàng hóa sản xuất, do các doanh nghiệp hoạt động không hết công suất. Chẳng ai quan tâm đến khối lượng hàng hóa suy giảm, không ai thấy khó khăn vì lượng xe hơi sản xuất ít đi. Người ta chỉ than phiền là việc làm bị cắt giảm. Con người thà sản xuất dư thừa hàng hóa chứ không chịu mất việc làm và chọn con đường tăng trưởng liên tục như từ trước đến nay, dù môi trường ngày càng không chịu nổi núi hàng hóa chất đống, lãng phí và gây hại.

Nhưng đồng thời cũng quan trọng không kém là hàng tỉ người còn sống trong đói nghèo và đòi quyền được hưởng mức sinh hoạt tối thiểu mà những công dân ở nước phát triển coi như là đương nhiên phải có. “Tăng trưởng bền vững” có vẻ nghe rất lôi cuốn. Chi phí cho mỗi đơn vị hàng hóa cần được giảm thiểu để môi trường sinh thái không bị tàn phá thêm mà vẫn giữ được tăng trưởng.

Từ năm 1970 đến nay, chi phí cho mỗi đơn vị hàng hóa đã giảm một nửa. Đáng tiếc là môi trường không nhờ thế mà bớt bị hủy hoại, vì lập tức xảy ra “hiệu ứng bóng dội ngược” trong kinh tế học (Rebound-effect). Nghĩa là doanh nghiệp thay vì sản xuất vừa đủ thì lại dùng chính chi phí được tiết kiệm đầu tư vào việc gia tăng sản xuất, mở rộng thị trường (toàn cầu hóa) khiến cho số năng lượng không những giảm mà còn tiêu hao tăng lên cùng số cung hàng hóa vượt trội. Kế hoạch Planned obsolescence (sự lỗi thời có tính toán) bao lâu nay là một trong những trụ cột chiến lược tăng trưởng của các tập đoàn đa quốc gia phương Tây. Chiến lược này khiến sản phẩm được sản xuất ra có tuổi thọ ngắn hơn để tối đa hóa lợi nhuận, tăng vòng quay vốn và doanh thu, tối đa hóa công suất, năng suất công nghiệp…

Công nghệ quảng cáo vượt trội từ những quốc gia phát triển cũng góp phần không nhỏ vào quá trình này trong việc thúc đẩy tiêu dùng dư thừa qua việc biến các sản phẩm bình thường thành muốn có và khát khao được có.

Tại sao sản lượng đã tăng nhanh hơn mức tăng dân số mà con người cứ phải lo sản xuất nhiều thêm nữa? Rõ ràng là một trong những mục đích sâu xa đằng sau của thương chiến Mỹ - Trung là hướng đến thâm nhập sâu rộng của hàng hóa phương Tây vào thị trường châu Á với dân số lớn nhất thế giới và chiếm hơn 40% GDP toàn cầu cũng là để mở rộng thị trường, khai thác tối đa công suất dư thừa do vượt trội công nghệ.

Kể từ những năm 80 thế kỷ trước, kinh tế học đã chuyển trọng tâm từ quản trị khan hiếm (Scarcity) ban đầu sang quản trị dư thừa (Abundance). Nền kinh tế tư bản cần tăng trưởng, ngừng lại nó sẽ sụp đổ. Và như vậy, nền kinh tế tư bản toàn cầu cần phải sản xuất nhiều hơn nữa… kéo dài thêm thảm họa môi trường.

Nhiều năm qua, nền kinh tế Việt Nam có xu hướng mặc nhiên thừa nhận tốc độ tăng trưởng GDP và cơ cấu của khu vực II (các ngành công nghiệp và xây dựng) và khu vực III (các ngành dịch vụ) trong GDP cần phải tăng lên. Với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh như Việt Nam, thói quen tiêu dùng của người dân đang phản chiếu lại thói quen của người tiêu dùng ở các nước phương Tây đã từng trải qua. Tuy nhiên, chúng ta phải trả giá bằng những tài nguyên thiên nhiên cần thiết để sản xuất các hàng hóa và dịch vụ này.

Bảo vệ môi trường hay sống tốt với môi trường là sự lựa chọn cá nhân, thuộc phạm trù tự do, đạo đức và lối sống cá nhân như lối sống tối giản là rất tốt và chẳng phải lên Facebook phàn nàn ai cả; hãy cho đi thật nhiều những gì đang có và ngừng phung phí thêm. Vì là lựa chọn cá nhân trong một thế giới còn đầy rẫy những mâu thuẫn giá trị, cho nên nó sẽ khó trở thành mẫu mực chung của nhân loại. Trừ khi các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu đồng lòng thực thi… Dù sao thì hãy cảm ơn cô bé Greta Thunberg, một nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển, đã lên tiếng vì một hành tinh chung

Phạm Việt Anh, Chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/song/moi-truong-va-huong-thu-3333484/