Môi trường tốt sẽ 'thổi bùng' tinh thần khởi nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm có nguy cơ 'tử vong' cao nhất trước những biến động của môi trường kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ.

Và muốn biết môi trường kinh doanh hiện nay như thế nào, theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, Chính phủ nên tổ chức các cuộc khảo sát ngay tại chính những doanh nghiệp bị phá sản, để tìm hiểu xem nguyên nhân cụ thể nào đã khiến cho doanh nghiệp phải “khai tử”.

- Câu chuyện doanh nghiệp thành lập nhiều nhưng “khai tử” cũng không ít được đề cập trong thời gian gần đây có phải do môi trường kinh doanh của Việt Nam thiếu tính ổn định hay không, thưa ông?

Việc các doanh nghiệp tiếp tục dừng hoạt động hoặc giải thể có nhiều lý do, trong đó có liên quan đến môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vừa qua và hiện nay môi trường kinh doanh của Việt Nam nhìn cơ bản là ổn định, đã tích cực cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Có sinh ắt phải có tử, đó là quy luật bình thường của thị trường. Tuy nhiên, nếu những cái chết của doanh nghiệp không xuất phát từ những nguyên nhân tự nhiên, như áp lực cạnh tranh của thị trường và những “bệnh tật” của chính doanh nghiệp, mà là do tác động từ môi trường kinh doanh không trong lành, thì những cái chết đó không còn là tự nhiên.

Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp phải từ bỏ kinh doanh cũng nhiều xấp xỉ với số mới thành lập, cộng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã chậm lại đáng kể trong thời gian qua, rõ ràng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn điều gì đó chưa ổn. Để có thể định danh được những yếu tố chưa ổn đó và qua đó tìm ra phương cách giải quyết hiệu quả, Chính phủ nên tổ chức các cuộc khảo sát ngay tại chính những doanh nghiệp bị phá sản, ngừng kinh doanh và phân tích đến tận ngọn ngành những nguyên nhân cụ thể thuộc về môi trường kinh doanh đã khiến cho doanh nghiệp phải giải thể, phá sản.

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng, không phải cứ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có nghĩa là “khai tử”, bởi do môi trường kinh doanh tác động mà có thể họ rút lui để chuyển hướng kinh doanh?

Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Đó sẽ là một mục tiêu xa vời nếu số doanh nghiệp bị khai tử và từ bỏ thương trường hàng năm vẫn cao xấp xỉ số mới sinh ra. Ngược lại, nếu Chính phủ có thể thành công trong việc giúp cho nhóm doanh nghiệp có nguy cơ tử vong cao nhất gia tăng cơ hội để sống sót thì đó sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để thổi bùng phong trào khởi nghiệp và mục tiêu một triệu doanh nghiệp trong vòng 4 năm tới sẽ trở nên rất gần.

Trong những giải pháp, cần rất chú trọng làm tăng sức cạnh tranh và tiếp cận được thị trường cả trong và ngoài nước. Do đó có thể tính tới chuyển hướng kinh doanh, tìm ra những khoảng trống mới của thị trường và khả năng thu hút những công nghệ mới, cách thức quản trị mới đi liền với đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực phù hợp hơn và có chất lượng cao hơn.

- Để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển, thời gian qua, Chính phủ thường xuyên thực hiện rà soát và kiểm soát môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 19 và 35. Như vậy đã thể hiện sự quyết tâm của một Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp hay chưa, thưa ông?

Chính phủ mấy năm qua liên tục có các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và kiên trì, đẩy mạnh triển khai thực hiện với nhiều kết quả làm cải thiện rõ rệt môi trường kinh doanh rõ ràng đã thể hiện Chính phủ quyết tâm kiến tạo thể chế và đồng hành cùng doanh nghiệp, gỡ bỏ trở ngại tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và khởi nghiệp. Vấn đề còn là phải gia tăng tốc độ đưa các quy định thể chế này vào cuộc sống của doanh nghiệp.

Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều để tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và phần nào đã thành công trong việc kích thích phong trào khởi nghiệp trong toàn xã hội. Bằng chứng là số lượng doanh nghiệp mới thành lập đã tăng mạnh trong hơn một năm qua. Chỉ tiếc là con số phải khai tử và rời khỏi kinh doanh cũng còn quá nhiều. Từ đó có thể thấy rằng, trong khi đã khá thành công với việc kích thích phong trào khởi nghiệp, thì Chính phủ vẫn chưa mấy thành công trong việc giúp nâng cao khả năng sống sót cho doanh nghiệp. Nguyên nhân có lẽ là do những nỗ lực cải cách vẫn chưa chạm thấu đến các rào cản cố hữu có tính sống còn đối với họ.

- Nhiều đại diện quốc tế đánh giá rất cao về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Họ cho rằng, Việt Nam đang có môi trường vĩ mô rất khả quan với kinh tế ổn định, tăng trưởng cao. Ông bình luận thế nào về đánh giá trên?

Chuyên gia, tổ chức và dư luận quốc tế đánh giá cao về đổi mới cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam là khách quan, chính xác. Đó là thực tế được thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng lên, dự báo cả năm 2017 có thể lên tới 130.000 doanh nghiệp là con số chưa từng có, cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam đang có bước đột phá tạo những điều kiện thuận lợi mới. Việc Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Bảng Xếp hạng Môi trường kinh doanh Doing Business 2018, trong đó Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, lên vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm ngoái (vị trí 82). Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua, cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp thiết thực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cùng với Việt Nam, các nước trong khu vực cũng đang cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư. Bởi vậy những giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, giảm chi phí, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh quốc gia nói chung.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt thực hiện

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/moi-truong-tot-se-thoi-bung-tinh-than-khoi-nghiep-121701.html