Môi trường ở khu công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho nCoV lây lan

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, biến chủng mới, môi trường kín ở các khu công nghiệp là những yếu tố khiến dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng tại Bắc Giang.

Đợt dịch Covid-19 lần 4 đã bùng phát tại Việt Nam gần một tháng. Dịch xuất hiện tại 30 tỉnh, thành phố và số ca mắc vẫn tăng cao.

Zing có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một số ổ dịch nhỏ chưa rõ nguồn lây ở Hà Nội, TP.HCM.

Ổ dịch lớn nhất Việt Nam

- Xin ông cho biết tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang ở mức độ nào?

- Tôi cho rằng tình hình dịch Covid-19 hiện ở nước ta còn khá phức tạp. Trong thời gian liên tục nhiều ngày, Việt Nam có số lượng ca mắc trên 100. Đặc biệt, những ngày qua, số trường hợp dương tính tăng đột biến, tốc độ lây nhanh chóng.

Trong ngày 25/5, riêng tỉnh Bắc Giang ghi nhận đến 375 ca mắc Covid-19. Các bệnh nhân này là công nhân tại khu công nghiệp. Thực tế, khu công nghiệp là môi trường kín, tạo điều kiện cho SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng. Ngoài ra, một số yếu tố như công nhân ở trong khu ký túc xá, nhà trọ, phòng ốc không thông thoáng…, cũng góp phần khiến mức độ lây nhiễm cao.

- Bắc Giang có phải là ổ dịch lớn nhất và phức tạp nhất tại Việt Nam từ đầu mùa dịch đến nay?

- Có thể gọi là vậy. Bởi chưa bao giờ chúng ta ghi nhận số lượng ca mắc tăng cao và người cách ly nhiều như thế. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng việc thực hiện mục tiêu kép ở khu công nghiệp.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp ở Bắc Giang. Ảnh: Việt Linh.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp ở Bắc Giang. Ảnh: Việt Linh.

Bên cạnh đó, ổ dịch tại địa phương còn có sự lưu hành của biến chủng Ấn Độ khiến tốc độ lây lan nhanh. Số bệnh nhân nặng trong đợt dịch này được ghi nhận khá nhiều. Những yếu tố này khiến đợt bùng phát càng thêm phức tạp.

- Ngoài biến chủng mới, nguyên nhân nào khiến Bắc Giang có nhiều ca mắc như vậy?

- Những khu công nghiệp, xí nghiệp sản xuất dây chuyền, sử dụng điều hòa, có thể gọi là môi trường có nguy cơ rất cao của sự lây nhiễm nếu áp dụng các biện pháp phòng bệnh chủ quan.

Thứ nhất, môi trường nhà máy, xí nghiệp kín, lạnh và không thông thoáng. Trong khi SARS-CoV-2 lây truyền qua giọt bắn siêu nhỏ, gần đây, thêm nghiên cứu cho rằng chúng có khả năng lây truyền qua không khí.

Do đó, chỉ một người nhiễm virus ho, hắt hơi, nói, cười, la hét…, sẽ khiến virus phát tán khắp nơi ngoài môi trường. Môi trường không có ánh nắng mặt trời, kín và lạnh cũng khiến virus tồn tại lâu hơn.

Bên cạnh đó, không gian làm việc ở xí nghiệp thường khó giữ khoảng cách an toàn. Điều này góp thêm yếu tố thuận lợi cho virus tấn công nhanh hơn.

Phương tiện đưa đón công nhân, khu ký túc xá, nhà trọ cũng là môi trường nguy cơ rất cao. Với môi trường chật chội, kín người trong xe đưa đón hay khu nhà ở, virus dễ dàng lây nhiễm qua tiếp xúc gần giữa các công nhân với nhau.

Tuy nhiên, hiện tại, các khu vực nguy cao đều được phong tỏa.

Điểm sáng về khả năng kiểm soát dịch

- Liệu có sự lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa ở Bắc Giang?

- Trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được công bố đều đã lây từ trước rồi. Sau đó, họ được phân loại nhóm nguy cơ F1, F2 và phong tỏa khu vực sinh sống.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho biết Bắc Giang vẫn còn điểm sáng cho thấy khả năng kiểm soát đại dịch sớm. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong vực khu phong tỏa, chúng ta thần tốc lấy mẫu xét nghiệm theo nhóm nguy cơ sẽ cho ra kết quả dương tính. Xét nghiệm càng nhanh, càng thần tốc, số lượng dương tính được ghi nhận càng nhiều.

May mắn, các ca mắc đều là công nhân trong khu cách ly, phong tỏa. Đây là điểm sáng hy vọng mà chúng ta có thể cảm thấy yên tâm nhất.

- Đến giờ phút này, phương châm chống dịch của chúng ta có thay đổi gì không?

- Chiến lược chống dịch của Việt Nam đến nay luôn xuyên suốt, không thay đổi. Đó là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, chúng ta cần làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt, truy vết nhanh thần tốc, cách ly, đảm bảo nghiêm ngặt tránh lây nhiễm chéo.

Hiện nhiều người đặt vấn đề về giãn cách xã hội. Đây là phương pháp kinh điển để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Ở thời điểm đầu đại dịch, Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội và thành công trong kiểm soát sự lây nhiễm.

Tuy nhiên, đó là giai đoạn trước, khi chúng ta chưa có nhiều năng lực, đặc biệt trong việc truy vết và xét nghiệm. Hiện nay, năng lực của chúng ta có thể đảm đương được.

Giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trong khi đó, chúng ta đang hướng mục tiêu kép. Đó là khoanh vùng, chống dịch nhưng tránh gây tổn thất đến kinh tế nhất có thể.

Hàng trăm mẫu bệnh phẩm được chuyển về cùng thời điểm tại CDC Bắc Giang. Ảnh: Phạm Thắng.

- Ông nhận định tình hình dịch sắp tới ở nước ta sẽ diễn biến như thế nào?

- Dịch Covid-19 hiện tại ở nước ta vẫn diễn biến khó lường và phức tạp. Trước diễn biến như thế, việc dự đoán phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng, khống chế dịch. Song, tôi tin tưởng chúng ta sẽ sớm kiểm soát được tình hình vì số ca mắc nằm trong khu phong tỏa, chưa bùng lên lớn ngoài cộng đồng.

Thời điểm này, người dân tuyệt đối không chủ quan. Mỗi người quyết tâm thực hiện 5K tốt, thần tốc và quyết liệt cách ly, xét nghiệm, ổ dịch ở Bắc Giang sẽ sớm được kiểm soát.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-sang-hy-vong-trong-cuoc-chien-voi-covid-19-tai-bac-giang-post1219539.html