Môi trường kinh doanh Việt Nam khởi sắc, nhưng vẫn còn xa các nước Asean 4

Mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đang khởi sắc trong vài năm trở lại đây, nhưng mục tiêu sánh ngang bằng các nước Asean 4 hay Asean 3 vẫn còn xa.

Chặn đường cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam còn gian nan

Trong các năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2016 trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tại Hội nghị Trung ương 5 ngày 3/6/2017. Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã được Quốc hội thông qua cùng tháng 6. Nhiều nghị quyết của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia như loạt Nghị quyết 19 hay Nghị quyết 35 được Chính phủ ban hành…

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chưa bao giờ vai trò của doanh nghiệp được nhấn mạnh và đề cao như hiện nay. Các tỉnh, thành phố đều đặt ra và cam kết thực hiện bằng được mục tiêu thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới.

Theo đó, bước đầu đã có những kết quả quan trọng. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong hai năm 2016 và 2017 đều đạt mức trên 110.000 doanh nghiệp mỗi năm, dấu mốc rất ấn tượng trong 17 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp. Thứ hạng của Việt Nam trong Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) tăng đến 14 bậc, rất ấn tượng.

Ảnh minh họa

Ông Tuấn cho biết, quá trình cải cách này đang chuyển động mạnh mẽ tại nhiều cấp bộ, ban ngành cũng như các địa phương. Các bộ ngành đang chủ động tiến hành cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính quyết liệt. Bộ Công Thương Công Bố kế hoạch cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực của mình trong thời gian qua là một điển hình.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, dù đã có những thay đổi tích cực nhưng chặng đường cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam còn gian nan, mục tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam so sánh được với các nước Asean 4 hay Asean 3 vẫn còn xa. “Theo phán anh của doanh nghiệp, chi phí kinh doanh tại Việt Nam cao và đang tăng nhanh. Mức lương tối thiểu tăng nhanh trong nhiều năm qua, cao hơn tốc độ tăng năng suất, kéo theo đó là gánh nặng đóng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn và các khoản phí bắt buộc khác… Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhưng chi phí logistic của Việt Nam cao và kém cạnh tranh với nhiều nước”, ông Tuấn thông tin.

Điều kiện kinh doanh còn nhiều phiền hà, khó khăn

Mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đang khởi sắc, nhưng theo VCCI, một hạn chế lớn trong cải cách môi trường kinh doanh là liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua chưa thành công, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển như mong muốn, nền kinh tế nước ta đang phụ thuộc vào FDI. “Nếu nhìn vào bức tranh chung cả nước thì khá tốt nhưng có nhiều chỉ báo đáng lo ngại về sự yếu kém của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, hiện điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn khó khăn, phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chưa chuyển động nhanh như mong muốn. Nhiều bộ, ngành còn chần chừ, chưa mạnh dạn cắt bỏ và đơn giản thủ tục hành chính, giảm chi phí trong kiểm tra chuyên ngành…

Trong khi đó, theo chỉ số Doing Business năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, thủ tục giải quyết phá sản của Việt Nam chỉ xếp hạng thứ 129 thế giới. Thời gian giải quyết thủ tục của Việt Nam theo đánh giá trung bình là 5,0 năm, trong khi đó khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chỉ mất trung bình 2,6 năm, khối OECD mất 1,7 năm và đứng đầu là Ireland chỉ mất 0,4 năm.

Theo Trưởng Ban Pháp chế VCCI, để giải quyết những khó khăn trong giải quyết nợ xấu, cần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thế là hệ thống Tòa án các cấp ở Việt Nam.

“Hệ thống Tòa án Việt Nam cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để trở thành phương thức giải quyết tranh chấp thuận lợi, tin cậy và chuyên nghiệp”, ông Trưởng Ban Pháp chế VCCI bày tỏ quan điểm.

Theo đó, cần quy định cụ thể về thể thức và điều kiện nhận đơn khởi kiện. Trong giai đoạn nhận đơn cho đến khi ra quyết định thụ lý, các thủ tục này cần có đặc điểm hoàn toàn giống với một thủ tục hành chính. Do đó, cần có quy định tương tự như các nguyên tắc về kiểm soát thủ tục hành chính.

Cùng với đó, cần quy định cụ thể hơn tiến trình chuẩn bị xét xử và các trường tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Triển khai Tòa án điện tử, bởi việc triển khai tòa án điện tử sẽ giúp giảm rất nhiều nguy cơ tham nhũng trong hoạt động của toàn án.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201811/moi-truong-kinh-doanh-viet-nam-khoi-sac-nhung-van-con-xa-cac-nuoc-asean-4-620089/