Môi trường kinh doanh khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới liên tục đạt kỷ lục

(VnMedia) - Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong các năm 2016, 2017, tình hình doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký.

Sáng nay (19/6), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã tổ chức “Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018”.

Số doanh nghiệp thành lập mới liên tục đạt kỷ lục

Theo bà Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong thời gian qua, quy trình khởi sự kinh doanh tiếp tục được đơn giản hóa nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí gia nhập thị trường.

Theo đó, kể từ năm 2017 đến nay, quy trình này bao gồm 8 bước và được hoàn thành trong khoảng 12 ngày làm việc, giảm 12 ngày so với năm 2016. Trong số các thủ tục hành chính thuộc quy trình khởi sự kinh doanh, đăng ký thành lập doanh nghiệp là một thủ tục đã có những cải cách đáng kể.

Cũng theo bà Minh, trong các năm 2016, 2017, tình hình doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký.

Cụ thể, năm 2016 có hơn 110 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, năm 2017 có gần 127 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng.

Các chuyên gia phát biểu tại Diễn đàn

Trong 5 tháng đầu năm 2018 có 52.322 doanh nghiệp mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016; trong khi đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể không có nhiều biến động.

Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong các năm 2016, 2017 lần lượt là 47,4% và 53,5%. So sánh với dữ liệu của một số quốc gia khác trên thế giới cho thấy tỷ lệ trên của Việt Nam nằm trong giới hạn thông thường.

Dẫn chứng về vấn đề này, bà Minh cho biết, ở Hồng Kông, trong năm 2016 có 144.883 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 92.843 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tỷ lệ là 68,9%. Trong khi đó, ở New Zealand, trong năm tài chính 2015 có 57.870 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 55.629 doanh nghiệp “chết” tỷ lệ là 96,1%; Ở Anh, năm 2015, có 383.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 252.000 doanh nghiệp chết, tỷ lệ là 66%; tỷ lệ này ở Anh năm 2014 là 70,1%.

Theo đánh giá của VCCI, trong 12 năm liền chỉ số gia nhập thị trường liên tục đạt điểm cao nhất trong các báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng, nhưng việc triển khai công tác đăng ký kinh doanh hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh còn một số hạn chế dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện công tác đăng ký kinh doanh như quy định pháp lý liên quan đến việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa được hoàn thiện dẫn đến một số khó khăn trong quá trình triển khai, nhiều nghiệp vụ mới phát sinh chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật…

“Hiện khối lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã tăng nhanh (năm 2017, khối lượng hồ sơ tăng 25% so với năm 2016 và tăng gấp 3 lần so với năm 2014), trong khi lực lượng cán bộ đăng ký kinh doanh tại các địa phương gần như không có thay đổi đã tạo áp lực công việc lớn cho các Phòng Đăng ký kinh doanh”, bà Minh chia sẻ.

Môi trường kinh doanh khởi sắc

Cũng tại Diễn đàn sáng nay, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế.

Cùng với đó, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng điểm và có cải thiện mạnh mẽ, hiện đạt vị trí 86/190 quốc gia theo xếp hạng Ngân hàng thế giới (năm ngoái ở vị trí 167/190 quốc gia). Đặc biệt, Nghị định 08/2018/NĐ-CP về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong 9 lĩnh vực thuộc lĩnh vực công thương, cắt bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban pháp chế VCCI chia sẻ, trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Bên cạnh số lượng doanh nghiệp thành lập cao kỷ lục, môi trường kinh doanh cũng cải thiện rõ rệt. Theo đó, Việt Nam tăng hạng trong các xếp hạng thế giới như Doing Business 2015 (15 hạng), năng lực cạnh tranh quốc gia (5 hạng).

Mặc dù môi trường kinh doanh Việt Nam đã cải thiện tích cực, nhưng ông Anh Tuấn cũng lưu ý, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người đang thấp so với thế giới, đang cần thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân mới.

Bên cạnh đó, dù xếp hạng Doing Business 2018 của Việt Nam tăng 14 bậc, trong xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF Việt Nam tăng 5 bậc, nhưng tổng xếp hạng Việt Nam trong Doing Business vẫn chưa lọt vào mức trung bình nhóm nước ASEAN 4.

“Doanh nghiệp tư nhân nước ta nhỏ, yếu, còn nhiều khó khăn, có những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước thời gian qua như Nghị quyết TW 5 về kinh tế tư nhân, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) nhưng bức tranh về sức khỏe của doanh nghiệp tư nhân chưa thay đổi căn bản”, Trưởng Ban pháp chế VCCI chia sẻ.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201806/moi-truong-kinh-doanh-khoi-sac-so-doanh-nghiep-thanh-lap-moi-lien-tuc-dat-ky-luc-606197/