Môi trường kinh doanh cần những cải cách thực chất, mạnh mẽ

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) vừa được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam xếp hạng 70/190 quốc gia được khảo sát về môi trường kinh doanh, giảm 1 bậc so với Doing Business 2019.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Trao đổi với Báo Hải quan, bà Nguyễn Minh Thảo (ảnh), Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, dư địa cho cải cách của Việt Nam vẫn còn nhưng phải làm thực chất hơn, chú trọng vào giám sát việc thực thi.

Doing Business của Việt Nam trong năm nay tiếp tục có sự giảm bậc, bà nhận xét gì về vấn đề này?

Năm nay, chỉ số Doing Business của Việt Nam giảm 1 bậc và là năm thứ hai liên tiếp giảm bậc. Nhưng trong 10 chỉ số được đánh giá, Việt Nam có 5 chỉ số nâng hạng gồm: Khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế); 4 chỉ số giữ nguyên điểm như báo cáo trước gồm: Giao dịch thương mại qua biên giới, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, giải quyết tranh chấp hợp đồng, đăng ký sở hữu tài sản) và có 1 chỉ số tụt hạng (giải quyết phá sản doanh nghiệp, giảm 0,1 điểm so với báo cáo trước). Trong số đó, tiếp cận tín dụng và nộp thuế là 2 chỉ số tăng điểm mạnh nhất và được WB đánh giá cao. Đặc biệt, chỉ số nộp thuế có số điểm tăng ấn tượng, tăng 6,1 điểm, đạt 69 điểm so với 62,9 điểm so với xếp hạng môi trường kinh doanh 2019.

Nhìn vào kết quả này có thể thấy chúng ta đã có cải cách nhưng chậm, đi sau nhiều nước nên tăng điểm nhưng giảm bậc. Ví dụ như với chỉ số khởi sự kinh doanh, dù thời gian qua các cơ quan đăng ký đã có cải cách và sáng kiến, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối ngân hàng nhưng tỷ lệ các DN áp dụng giao dịch điện tử, đăng ký qua mạng chưa được nhiều, chưa đạt được tỷ lệ quá 50%. Nên khi WB đánh giá thì cải cách chưa được ghi nhận bởi cơ quan này không chỉ đánh giá dựa trên quy định mà còn dựa vào việc thực thi.

Những vấn đề còn tồn tại như trên có đồng nghĩa với việc môi trường kinh doanh của Việt Nam khó khăn hay không, thưa bà?

Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo về cải cách, từ khởi sự kinh doanh cho đến đăng ký kinh doanh cũng như hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Nhưng sự vào cuộc không giống nhau và không đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương dẫn đến môi trường kinh doanh còn nhiều điểm chưa được đánh giá cao, gây khó cho DN. Ngoài ra, những nỗ lực cải cách đã được thực hiện khá tích cực trong những năm 2016 đến đầu năm 2018, còn thời gian trở lại đây thì dường như có xu hướng chững lại. Không ít cơ quan quản lý làm theo yêu cầu, chịu áp lực từ trên xuống nhiều hơn là làm theo động lực thực sự là cải cách vì DN, những cải cách mang tính hình thức, không phù hợp với DN, thậm chí có những cải cách đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ.

Như thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đề cập nhiều đến việc quản lý bằng một đầu mối để tạo thuận lợi cho DN, nhưng hiện nay có xu hướng các bộ, ngành chia quyền quản lý. Đơn cử như việc quản lý về an toàn lao động, trước đây chỉ có một bộ duy nhất để DN xin giấy phép và chứng chỉ kiểm định là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhưng đến nay có đến 9 bộ, cơ quan cùng quản lý. Để làm kiểm định thì DN phải xin 9 cơ quan, tham gia các lớp đào tạo của 9 đơn vị này. Bên cạnh đó, trong việc kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ yêu cầu cắt giảm 50% mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Nhưng nếu như trước đây, có những bộ không kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thì đến nay, cơ quan này lại đưa ra danh mục mới, hoàn toàn không có so với trước đây.

Trong bảng xếp hạng năm nay, hai chỉ số về nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng rất mạnh, theo bà, nguyên nhân do đâu?

Trước năm 2014, chỉ số nộp thuế và BHXH của chúng ta có điểm số và thứ hạng thấp, là rào cản lớn đối với DN. Nhưng từ 2014 và 2015, Bộ Tài chính đã vào cuộc rất mạnh mẽ, những cải cách về các quy định, sửa đổi văn bản theo hướng giảm số lần nộp thuế, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin như kê khai điện tử, nộp thuế điện tử nên thời gian thực hiện cắt giảm rất nhiều. Những cải cách của ngành Thuế không chỉ được thực hiện trong một năm mà là quá trình liên tục, bởi đến nay, Bộ Tài chính vẫn đang là bộ tiên phong nhất trong thực hiện cải cách môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, với ngành Thuế, vẫn còn một nội dung làm chỉ số khó cải thiện hơn là chỉ tiêu về hoàn thuế. Vì hoàn thuế theo thông tư mới của Bộ Tài chính thì DN không được hoàn mà chỉ được khấu trừ trong năm tiếp theo. Nên theo tôi, ngành Thuế cần cải thiện vấn đề này để những đánh giá sau đó của WB có thể ghi nhận và tiếp tục đạt được điểm số cao hơn. Ngoài ra, ngành Thuế cũng cần giám sát chặt chẽ hơn nữa vấn đề về thực thi, giúp các quy định được thực thi hiệu quả, minh bạch.

Bà nhận xét như thế nào về những cải cách của ngành Hải quan thời gian qua?

Bảng xếp hạng Doing Business có chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, chỉ số này bao gồm Hải quan và quản lý chuyên ngành. Nhưng chỉ số này vẫn giữ nguyên điểm trong năm nay so với năm trước nên cần phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động cải cách. Theo tôi thấy, ngành Hải quan đã có cải cách rất tích cực từ những năm 2015 khi Hải quan ứng dụng Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS và Hệ thống một cửa quốc gia, áp dụng quản lý rủi ro, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm nên được cộng đồng DN đánh giá cao. Nhưng trong ngành Hải quan cần chú trọng hơn đến việc giám sát khâu thực hiện, thái độ công vụ của công chức cũng như sự hỗ trợ DN trong các hoạt động xuất nhập khẩu; ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tốt theo các thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới là hoạt động quản lý chuyên ngành. Hoạt động này được cải cách sẽ giảm áp lực với ngành Hải quan khi hiện đang có nhiều quy định, yêu cầu Hải quan phải kiểm tra. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa cơ quan Hải quan và cơ quan kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho cả DN và ngành Hải quan cùng phát triển.

Vậy làm thế nào để xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam lọt vào top 4 các nước ASEAN, thưa bà?

Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 trong ASEAN về xếp hạng môi trường kinh doanh, sau Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 12), Thái Lan (thứ 21) và Brunei (thứ 66)… Nên để thực sự có môi trường kinh doanh thuận lợi, đạt mục tiêu vào top 4 ASEAN thì đòi hỏi phải có những cải cách thực chất từ bộ, ngành, địa phương. Bởi hiện nay những thay đổi còn ít, chưa đạt được mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của DN. Ngoài ra, theo tôi, dường như có sự chững lại nào đó trong cải cách khoảng độ 2 năm trở lại đây, có thể do dư địa không còn nhiều khi trước đây ở vị trí thấp nên có cơ hội nâng lên mạnh mẽ. Nhưng khi tới hạn nhất định thì dư địa không còn nhiều nên cần phải nỗ lực hơn. Chúng ta cần thay đổi từ tư duy và cách thức giám sát việc thực thi, ban hành quy định của các bộ, ngành. Bên cạnh đó cần ứng dụng hơn nữa giao dịch điện tử để thủ tục ngắn gọn, chi phí rẻ hơn, nhưng điều quan trọng là cần sự kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành, cơ quan để đảm bảo DN không phải chuẩn bị nhiều hồ sơ, giấy tờ.

Xin cảm ơn bà!

Hương Dịu (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/moi-truong-kinh-doanh-can-nhung-cai-cach-thuc-chat-manh-me-114856-114856.html