Môi trường không thể là 'nạn nhân' của đầu tư thiếu bền vững

Ngày 10/9/2019, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và ông Trần Tiến Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Lee & Man và Hokuetsu (Nhật Bản) về các đề xuất nghiên cứu, khảo sát đầu tư tại Hà Tĩnh.

Người dân từng than phiền về tình trạng xả thải gây ô nhiễm của Nhà máy giấy Lee & Man tại thị trấn Mái Dầm, Châu Thành, Hậu Giang - Ảnh : TT

Người dân từng than phiền về tình trạng xả thải gây ô nhiễm của Nhà máy giấy Lee & Man tại thị trấn Mái Dầm, Châu Thành, Hậu Giang - Ảnh : TT

Liên doanh 2 nhà đầu tư này đề xuất đầu tư dự án xây dựng tổ hợp công nghiệp gồm: cảng nước sâu; khu logistic; nhà máy sản xuất giấy tissue (Giấy lụa hoặc khăn giấy có thể được làm từ bột giấy tái chế - PV) công suất 1 triệu tấn/năm; các cơ sở sản xuất thiết bị phụ trợ ngành giấy tại Khu kinh tế Vũng Áng; nhà máy điện sinh khối. Tổng mức đầu tư dự án 3 tỷ USD, thời gian hoàn thành dự án sau 4 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.

Theo thuyết trình của nhà đầu tư, đây sẽ là một trong những khu công nghiệp liên quan đến giấy lớn nhất ở Đông Nam Á. Sau khi hoàn thành dự án, sẽ có 1 triệu tấn bột giấy và 1,2 triệu tấn sản phẩm giấy tissue được sản xuất hàng năm.

Với số liệu này, một lần nữa, dư luận nói chung và người dân Hà Tĩnh nói riêng lại lo ngại về vấn đề môi trường và không ai muốn trả giá nếu bị “đánh đổi” môi trường sống.

Xin nhắc lại, ngày 20/8 vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.

Một điểm quan trọng trong Nghị quyết số 50-NQ/TW, đó là Bộ Chính trị chỉ đạo việc phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế. Đó là những định hướng kịp thời đối với thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong bối cảnh hiện nay.

Trở lại với câu chuyện của Hà Tĩnh, quan điểm của địa phương này là luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, với mục tiêu phát triển bền vững, cùng có lợi.

Hà Tĩnh nhất quán, xuyên suốt là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; tăng trưởng xanh và bền vững. Vấn đề là làm sao vừa thu hút được đầu tư, vừa bảo vệ được môi trường sống bền vững, vừa ngăn chặn được những “thủ thuật” trong hoạt động ĐTNN là vấn đề lớn của quốc gia, mà các cơ quan chức năng cần lưu ý khi đánh giá, chấp thuận bất kỳ dự án đầu tư nào.

Trong quá trình đó cần có sự nhìn nhận, xem xét khách quan, toàn diện, vì lợi ích chung của cộng đồng và cả lợi ích của nhà đầu tư, đặc biệt không vì lợi ích kinh tế mà biến môi trường thành “nạn nhân” của những hoạt động đầu tư thiếu bền vững./.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/su-kien-ban-luan/moi-truong-khong-the-la-nan-nhan-cua-dau-tu-thieu-ben-vung-470653.html