Môi trường giáo dục chưa thực sự bình đẳng

Muốn phụ huynh, học sinh tâm phục, khẩu phục thì trong nhà trường phải có nhiều tấm gương. Nhà trường cần tôn trọng học sinh và học sinh tôn trọng thầy cô giáo trên tinh thần dân chủ, cởi mở và bình đẳng.

PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh. Ảnh: TL

PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh. Ảnh: TL

Lo ngại việc xử phạt tiền trong giáo dục

Trước những quan tâm của dư luận về Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục hướng tới bảo vệ cả người học và nhà giáo, PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người lo ngại cách xử lý phạt tiền thì giáo dục thất bại. Theo PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, trong nhà trường, ngoài giáo dục về văn hóa, trí tuệ thì cần cả giáo dục về đạo đức, phẩm chất và mối quan hệ xã hội. Trong giáo dục không phải như thị trường để khi vi phạm luật trật tự trị an có thể phạt bằng tiền.

“Quy định đưa ra mức xử phạt tiền liệu có khả năng thực thi được hay không? Khi học sinh nhà nghèo vi phạm không có tiền nộp còn nhà giàu thì ỉ lại tiền của bố mẹ, nộp phạt để chửi thầy, đánh thầy cho đã nên không có tác dụng về giáo dục. Còn giáo viên cũng bị ảnh hưởng tinh thần, lo sợ sẽ bị phạt khiến tăng thêm áp lực”, ông Kỳ Anh bày tỏ.

Cần môi trường dân chủ, bình đẳng

Bày tỏ tiếc nuối về những câu chuyện chưa chuẩn mực giữa thầy và trò trong giáo dục thời gian qua, PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng, để có môi trường giáo dục trong sạch cần có sự bình đẳng trong giáo dục.

“Giáo dục phải được thực hiện một cách dân chủ và bình đẳng, phải coi đối tượng học sinh là thành viên của nhà trường. Học sinh có điều sai sót thì dạy bảo chứ không coi đối tượng học sinh là đối lập để có hình phạt. Muốn học sinh tâm phục, khẩu phục thì phải có tấm gương trong nhà trường, giáo viên tôn trọng học sinh và học sinh tôn trọng thầy cô giáo trên tinh thần dân chủ, cởi mở và bình đẳng”, ông Kỳ Anh nói.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người nhấn mạnh việc học sinh được quyền góp ý, nhận xét, bình xét cho thầy cô giáo, phải cho học sinh dân chủ thể hiện quan điểm một cách có văn hóa.

PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh bày tỏ, ngày nay, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình vẫn chưa bình đẳng. Phía nhà trường vẫn còn suy nghĩ phụ huynh phải là người phải lệ thuộc vào mình, không cần thương lượng, thương thảo các nội dung. Trái lại, phụ huynh cho rằng các thầy cô là người làm công và phụ huynh đóng thuế, bỏ tiền ra để thuê.

“Vì những suy nghĩ đó nên mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh xa dần; không chung được mục tiêu giáo dục cho đứa trẻ. Phải có sự hợp tác giữa 2 đối tượng này một cách thân thiện, bình đẳng, được nói và góp ý cho nhau”, ông Kỳ Anh nói.

Về vấn đề này, Thanh tra Bộ GDĐT nhấn mạnh các quy định đều hướng tới bảo vệ cả người học và nhà giáo; đồng thời đảm bảo các cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý bình đẳng như nhau.

Thanh tra Bộ GDĐT cũng thông tin rằng, xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục sẽ không có chuyện “phạt nguội” như giao thông. Khi xử phạt sẽ xem xét đâu là động cơ, hành vi, mục đích chứ không phải giáo viên cứ đánh vào tay học sinh là phạt 30 triệu đồng.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/moi-truong-giao-duc-chua-thuc-su-binh-dang-634433.ldo