Môi trường gia đình và nhân cách của con cái

Môi trường gia đình là một thành tố có tính quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách của một con người.

Gia đình phải thực sự là một thành trì để bảo vệ trẻ.

Trong một gia đình mà có nhiều người chuyên nghề “cờ gian bạc lận”, “buôn gian bán thách” thì con cháu khó trở thành người trung thực, nhân hậu... Gia đình mà cha mẹ hay anh chị em là “dân đầu trộm đuôi cướp”, “đá cá lăn dưa” thì trẻ nhỏ khó trở thành “hiệp sĩ”. Gia đình có những người hở một chút là “thượng cẳng tay hạ cẳng chân”, thì con cái cũng khó mà từ tốn, lễ phép... Dĩ nhiên vẫn có những ngoại lệ.

Môi trường gia đình có thể bao gồm các yếu tố chính: những nghề nghiệp/công việc chủ yếu; tính cách/lối sống của các thành viên; sự ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ lẫn nhau giữa các thành viên; cách thức mà các thành viên ứng xử với “người ngoài”, với xã hội; cách thức dạy dỗ con cái... Ở đây, yếu tố nêu gương - bắt chước thể hiện rất rõ nét. Một ông bố mở miệng chửi thề thì khó dạy được con nói lời hay ý đẹp. Một bà mẹ hay rủa sả thì khó rèn cho con tính lễ phép, lịch sự. Người làm cha mẹ không hiếu đễ với người trên, với họ hàng thì khó dạy con cái biết tôn trọng, hiếu kính với cha mẹ, ông bà. Người làm các công việc ít được xã hội, pháp luật thừa nhận thì khó dạy con sống theo khuôn phép, chuẩn mực...

Hiện nay, nhiều biểu hiện của xã hội cho thấy đạo đức có dấu hiệu xuống cấp. Các thói quen hay đức tính tốt của mỗi người thường bị thử thách nặng nề. Người ta hành xử bạo lực với nhau nhiều, nghi kỵ nhau cũng không ít. Sự thuần hậu, chân thành vốn có của người Việt đang bị tác động mạnh mẽ. Nhiều người quy trách nhiệm này thuộc về giáo dục. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng xét cho cùng thì giáo dục không phải là điều kiện duy nhất và giáo dục không chỉ có ở nhà trường.

Chẳng hạn, bên cạnh giáo dục còn có các điều kiện về kinh tế - xã hội. Một xã hội đặt hưởng thụ lên hàng đầu thì khó có thể giữ được nét thuần hậu, chất phác của các thành viên trong nó. Hay hoạt động thương mại thường thúc đẩy vai trò cá nhân nhiều hơn, đồng thời tạo nên tính vị kỷ nhiều hơn. Hay sự pha trộn của các nền văn minh, sự du nhập lối sống từ nước ngoài... cũng có thể phá vỡ các giềng mối của một xã hội. Những điều này đều có tác động đến đạo đức mà bản thân giáo dục không thể thay đổi được thực tế đó. Giáo dục có thể xét đến các yếu tố: giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội và tự giáo dục, và chừng mực nào đó có thể xếp thứ tự quan trọng như vừa nêu. Trong khi giáo dục nhà trường vẫn còn khiếm khuyết thì các giáo dục khác phải bổ trợ mạnh mẽ, nhất là giáo dục gia đình. Có như vậy mới thay đổi được chất lượng và hiệu quả của việc xây dựng, hình thành, rèn giũa và phát triển các phẩm chất tốt đẹp của các cá nhân trong xã hội.

Trịnh Minh Giang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277775/moi-truong-gia-dinh-va-nhan-cach-cua-con-cai-.html