Mỗi trường có quyền lựa chọn sách giáo khoa riêng sẽ gây tốn kém rất lớn cho xã hội

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, sáng 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tại phiên họp, một số chính sách mới của dự án luật như: Chính sách miễn học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; mỗi môn học có một hoặc nhiều sách giáo khoa, mỗi tỉnh thành tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương...là những nội dung được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Trước các tranh luận liên quan đến một số thí điểm trong giáo dục, điển hình là cách dạy và học tiếng Việt ở lớp 1 thời gian gần đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức, đây chỉ là phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu là dạy phát âm cho trẻ mới bắt đầu đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt. Chính phủ hoàn toàn không có chủ trương này. “Mặc dù giáo dục phổ thông của Việt Nam được quốc tế đánh giá tích cực nhưng chúng ta cần phải liên tục đổi mới hơn nữa. Và đã đổi mới thì phải có thử nghiệm, thực nghiệm nhưng tôi khẳng định, Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt, ít nhất trong những năm tới đây”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

 Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những chính sách mới, mang tính đột phá của dự án luật. Đồng tình với quy định miễn học phí để tạo điều kiện cho việc học tập, song Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần tính tới khả năng của ngân sách nhà nước. “Tôi đồng tình là cần có lộ trình song chưa rõ lộ trình của Chính phủ như thế nào trong từng giai đoạn cụ thể. Theo tôi chỉ nên áp dụng chính sách không thu học phí đối với học sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện theo cơ chế thị trường, cần xã hội hóa, chứ nếu cứ bao cấp như thế này thì giáo dục không thể phát triển được”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, dự án luật còn mở rộng hỗ trợ đóng học phí cơ sở tư thục nữa, thậm chí có những trường có mức học phí khá cao: 7-8 triệu đồng/tháng. “Ngân sách không thể chịu được, cần có sự đóng góp của toàn xã hội nữa, có thế mới phát triển giáo dục được. Do đó, tôi đồng ý việc miễn học phí cho học sinh THCS nhưng chỉ các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.

Chính sách sử dụng sách giáo khoa quy định tại Điều 29 dự thảo luật cũng có nhiều ý kiến quan tâm. Theo đó, cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong giảng dạy, học tập, tức là mỗi trường có quyền lựa chọn sách giáo khoa cho riêng mình. Các ý kiến đều chung quan điểm cho rằng, đây là sự tốn kém rất lớn cho xã hội.

Phân tích rõ hơn về sự tốn kém đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện nay cử tri hết sức bức xúc liên quan đến sách giáo khoa sử dụng một lần. Qua tìm hiểu cho thấy, tổng doanh thu của Nhà Xuất bản Giáo dục năm 2017 là 1.203 tỷ đồng; số lượng sách giáo khoa phát hành của Nhà Xuất bản Giáo dục chiếm tới 50,4% toàn ngành xuất bản năm 2017. Cử tri phản ánh, việc sử dụng sách giáo khoa rất lãng phí: Trong năm học 2018-2019, Nhà Xuất bản Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản sách giáo khoa, nhưng hoàn toàn không thể sử dụng cho năm học sau. Mỗi năm phụ huynh phải chi 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa, chỉ sử dụng một lần, không thể tái bản. Do đó, Trưởng ban Dân nguyện đề nghị ban soạn thảo quan tâm đến vấn đề này.

Liên quan đến chương trình thí điểm thực nghiệm mà người dân rất băn khoăn hiện nay, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi, khi thực nghiệm trở thành đại trà thì sẽ như thế nào? Đại biểu dẫn chứng, qua thông tin đại chúng, được biết, hiện nay ở Hà Tĩnh, 100% học sinh sử dụng sách công nghệ giáo dục. Đại biểu đặt câu hỏi, như vậy việc cung cấp sách có mang tính chất độc quyền hay không? Từ việc hiện nay có một số cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần bổ sung quyền của cha mẹ học sinh, quyền của học sinh được biết chương trình sẽ được giảng dạy để quyết định có tham gia hay không.

Nêu quan điểm không thể để nhà trường chọn sách giáo khoa vì có thể dẫn đến tiêu cực rất lớn, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần có sự thống nhất, tùy thuộc vào đặc điểm địa phương có thể loại bớt nội dung nhưng vẫn phải bảo đảm sự tổng thể, toàn diện, không gây áp lực cho học sinh. “Cần nghiên cứu giảm tải ngay các môn học trong cấp học phổ thông, làm sao để các cháu học sinh được được học mà chơi, chơi mà học, dễ nhớ, dễ thuộc, học gắn với thực hành, vì một thế hệ tương lai của đất nước”, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội.vn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình quan điểm trên và nhấn mạnh: “Cải cách, đổi mới nhưng sau đó phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Không thể có sách giáo khoa tự chọn được. Thực nghiệm gì mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm, hết cái này đến cái kia thực nghiệm, học sinh khổ lắm”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, không thể có chuyện tỉnh nào cũng có riêng sách của tỉnh đó. “Từ hôm nay chúng ta phải làm gì để cho các em có thế giới ngày mai?” Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi và đề nghị bố trí thêm thời gian thảo luận vào thời điểm thích hợp về dự án luật này.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giao cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia, nhà quản lý khoa học, giáo dục tiếp tục hoàn thiện dự án luật, để bảo đảm tính khả thi của luật khi đi vào cuộc sống.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/moi-truong-co-quyen-lua-chon-sach-giao-khoa-rieng-se-gay-ton-kem-rat-lon-cho-xa-hoi-549313