Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo

Bên cạnh các chế độ chính sách của Nhà nước, hộ nghèo, gia đình khó khăn, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người già neo đơn còn nhận được sự chăm lo của cộng đồng thông qua mô hình Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo.

Bà Nguyễn Thị Loan (giữa) - một địa chỉ nhân đạo ở phường Bình Đa, TP.Biên Hòa được mạnh thường quân tặng quà. Ảnh: Văn Truyên

Bà Nguyễn Thị Loan (giữa) - một địa chỉ nhân đạo ở phường Bình Đa, TP.Biên Hòa được mạnh thường quân tặng quà. Ảnh: Văn Truyên

Sự hỗ trợ này đã giúp những gia đình khó khăn, nhất là người già neo đơn, người nghèo được chăm sóc tốt hơn.

* Niềm vui của những người kém may mắn

TP.Biên Hòa hiện đang duy trì 162 tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho 157 địa chỉ nhân đạo hằng tháng với số tiền bình quân là 84 triệu đồng/tháng. Những địa chỉ nhân đạo này được trợ giúp số tiền từ
300-800 ngàn đồng/tháng, ngoài ra còn kèm theo gạo, thực phẩm, quần áo.

Một trong những gia đình nằm trong số những địa chỉ nhân đạo được giúp đỡ là hộ bà Ngô Thị Hai (ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa). Bà Ngô Thị Hai cho biết: “Trước đây tôi đi phụ rửa chén cho các quán ăn, 2 con gái tôi làm công nhân. Nhưng rồi cả 2 đứa mắc bệnh không thể tự chăm sóc cho bản thân. Vậy là tôi phải nghỉ ở nhà để lo ăn uống, tắm giặt cho 2 con gái đều đã trên dưới 50 tuổi, do đó mà đời sống của 3 mẹ con rất khó khăn”.

Các thành viên trong gia đình bà Hai đều được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ngoài ra, hằng tháng, gia đình bà Hai còn được nhận hơn 1 triệu đồng tiền trợ cấp từ ngân sách. UBND phường còn vận động và được mạnh thường quân nhận hỗ trợ hằng tháng 400 ngàn đồng cùng 10kg gạo cho gia đình bà Hai. Dịp lễ, tết gia đình bà Hai là hộ được phường ưu tiên chọn trao quà. “10kg gạo đủ cho 3 mẹ con tôi ăn trong 1 tháng. Còn tiền thì tôi để dành lúc con đi bệnh viện điều trị hay mua quần áo cho 3 mẹ con. Sự chăm lo của Nhà nước, quan tâm của nhà hảo tâm giúp gia đình tôi rất nhiều”- bà Hai chia sẻ.

Cũng được nhận trợ cấp hằng tháng thông qua mô hình Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo là gia đình bà Nguyễn Thị Giàu và ông Trần Văn Cường (ngụ KP.Trần Hưng Đạo, thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất). “Vợ chồng tôi không có con lại đều mù lòa nên cuộc sống khá chật vật. Nhiều năm qua, ngoài tiền trợ cấp của Nhà nước, hằng tháng, vợ chồng tôi còn được mạnh thường quân đến nhà trao tiền, gạo. Sự quan tâm này đã giúp gia đình tôi bớt được một phần khó khăn trong cuộc sống”.

Gia đình bà Hai, bà Giàu chỉ là 2 trong số hàng ngàn gia đình được hỗ trợ nhân đạo hằng tháng trên địa bàn tỉnh thông qua mô hình Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo.

* Giá trị hỗ trợ tăng

Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 458 tập thể, cá nhân tham gia chương trình Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo để giúp đỡ cho 3.215 địa chỉ đặc biệt khó khăn. Riêng trong năm 2019, tổng giá trị giúp đỡ cho những địa chỉ đặc biệt khó khăn này là trên 7,2 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Giàu (83 tuổi, ngụ KP.Trần Hưng Đạo, thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, bên phải) được mạnh thường quân đến thăm và tặng quà. Ảnh: Văn Truyên

So với năm 2018, số lượng địa chỉ nhân đạo được giúp đỡ trong năm 2019 và năm 2020 giảm nhiều. Theo bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, năm 2018 có 4.066 địa chỉ nhân đạo được giúp đỡ thì sang năm 2019 và năm 2020 chỉ còn 3.215 địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp hằng tháng.

Tuy số lượng địa chỉ nhân đạo cần được trợ giúp giảm song đây lại là tín hiệu đáng mừng, bởi theo bà Trần Bích Thầu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Bình (TP.Biên Hòa), những năm trước, toàn phường có đến 20 địa chỉ nhân đạo cần được trợ giúp hằng tháng. Mỗi hoàn cảnh được hỗ trợ từ 300-600 ngàn đồng/tháng cùng với gạo, quà do mạnh thường quân trao tặng. Sự hỗ trợ này đã giúp rất nhiều cho cuộc sống của những gia đình khó khăn. Qua nhiều năm nhận hỗ trợ, con cái của nhiều gia đình đã trưởng thành, hoàn thành chương trình đào tạo, lao động kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, nhờ đó mà họ không còn phụ thuộc vào sự trợ cấp nữa. Hiện phường chỉ còn 12 trường hợp trợ giúp nhân đạo hằng tháng. Số người cần trợ giúp nhân đạo hằng tháng giảm, trong khi nguồn lực ngày càng được bổ sung nên giá trị hỗ trợ mà mỗi trường hợp được nhận cũng tăng lên. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Bà Nguyễn Thị Minh (ngụ phường Bình Đa, TP.Biên Hòa), một mạnh thường quân hiện đang tham gia hỗ trợ cho 2 địa chỉ nhân đạo ở phường Bình Đa và An Bình cho hay, trước đây bà hỗ trợ hằng tháng cho 4 trường hợp và hỗ trợ không thường xuyên cho gần 10 hoàn cảnh ở các phường của TP.Biên Hòa. Nhưng nay bà chỉ còn hỗ trợ thường xuyên cho 2 hoàn cảnh đồng thời tăng giá trị hỗ trợ lên mức cao hơn.

“Trước đây, tôi chỉ được nhận trợ cấp 600 ngàn đồng/tháng từ mạnh thường quân. Từ ngày mà số người cần trợ giúp như tôi giảm thì tôi được nhận thêm quà là gạo, thực phẩm. Điều này đã giúp gia đình tôi bớt được nỗi lo ăn uống hằng ngày” - bà Nguyễn Thị Loan - một địa chỉ nhân đạo ở phường Bình Đa, TP.Biên Hòa nói.

Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ năm 2017-2019 đã có 1.519 cá nhân, tập thể tham gia chương trình Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo để giúp đỡ cho 9.105 địa chỉ đặc biệt khó khăn. Tổng giá trị giúp đỡ cho những địa chỉ đặc biệt khó khăn này là trên 24,6 tỷ đồng.

Võ Tuyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/moi-to-chuc-moi-ca-nhan-gan-voi-mot-dia-chi-nhan-dao-2989036/