Mối tình của 'chàng lùn' bán vé số và nàng Tuyết giữa Sài Gòn

'Anh cứ gọi tui là Thủy lùn, cho dễ nhớ. Người ta gọi tui như vậy không hà. Tui không mặc cảm gì hết, anh đừng ngại', anh Châu Văn Thủy đề nghị chúng tôi.

Anh Thủy và chị Tuyết - Ảnh: Dương Cầm

Anh Thủy và chị Tuyết - Ảnh: Dương Cầm

Chúng tôi vô tình gặp anh Thủy trong lúc anh đang hối hả đạp xe đi bán vé số để kịp trước giờ trả vé số thừa cho đại lý. Người nhỏ xíu, đôi chân ngắn ngủn của anh đang cố rướn chạm hai bàn đạp... Những vòng bánh xe lăn theo những giọt mồ hôi rịn ra trên trán.

Anh Thủy nói: "Tui tranh thủ bán hết mớ vé số này. Nếu không bán hết thì phải trả lại cho đại lý trước 2 giờ chiều, không kịp là ôm hết đó".

Anh Châu Văn Thủy đang đạp xe đi bán vé số

Dựng chiếc xe đạp bên vệ đường, anhThủy sải những bước chân ngắn vào quán cà phê nằm trên đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Thân người thấp bé, chưa cao qua khỏi mặt bàn, anh kiên nhẫn đến chào mời từng người. Đa số đều lắc đầu từ chối. Họa hoằn lắm mới có một người mua vài tờ.

Đợi anh Thủy bán gần hết vé, mang vé số thừa đi trả xong, chúng tôi theo anh về nhà trọ nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trãi. Căn nhà này là của chủ đại lý vé số cho nhiều người tàn tật, già... ở miễn phí, bao cho mình luôn cơm nước. Do anh Thủy có vợ, chủ đại lý "ưu tiên" ngăn vách, cho anh ở trong một căn phòng nhỏ, rộng chừng 1.5m², đủ để trải một tấm nệm. Phòng không có cửa, chỉ treo một tấm màn mỏng. Trên vách, treo bề bộn những quần áo cũ. Căn phòng không có vật gì đáng giá.

"Vợ tui cũng gần về tới. Bả đang bán ở ngoài trung tâm quận 1", anh Thủy cho biết. Trong lúc chờ vợ, anh Thủy kể về duyên nợ vợ chồng, cũng như số phận khác người của mình.

"Hết người để lấy làm chồng hay sao mà lấy một thằng lùn?"

Anh Thủy tâm sự: "Hồi nhỏ, mẹ tui nói tui không khác những đứa trẻ bình thường. Đến khi học lớp 5, tui mới nhận ra mình đẹt ngắt, không như người ta. Các anh chị em trong nhà, không ai lùn như tui hết.

"Bị bạn bè chọc ghẹo, nhiều lúc mặc cảm, tui muốn nghỉ học. Dần dần tui cũng quen. Tui nghĩ số phận mình như vậy, có buồn thì cũng không thay đổi được. Tui ráng học cho đến tốt nghiệp 12 đó", anh Thủy nói.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Thủy thấy mình thấp bé, nếu có học cao lên thêm nữa thì sau này cũng khó có ai thuê mướn nên quyết định không thi đại học. Anh cam chịu với nghề vá xe kiếm sống.

Chính cái nghề vá xe đạp đã đưa anh đến với một cuộc tình lãng mạn với chị Nguyễn Thị Tuyết, một thôn nữ nết na, có chiều cao bình thường, điều anh chưa bao giờ dám nghĩ.

Mỗi ngày anh Thủy bán được khoảng 200 tờ vé số

Anh Thủy nhớ lại: "Chiều hôm đó, có một cô gái dẫn xe vào kêu tui vá. Không hiểu sao, chỉ có 3 lỗ vá, tui cứ loay hoay mãi, gần cả giờ mà không xong. Tui gặp bả như là một lương duyên sắp đặt sẵn".

Trong lúc anh Thủy vá xe, chị Tuyết hỏi nhiều về cuộc sống của một người "lùn" như anh. Anh vui vẻ trả lời chân thành, không chút mặc cảm. Sự chân thành của anh làm chị Tuyết cảm động...

Anh Thủy cũng hỏi nhiều về cuộc sống của chị. Chị cũng không ngần ngại kể cho anh nghe về hoàn cảnh của mình: Ba mất sớm, lúc chị còn đỏ hỏn. Mẹ định bỏ chị vào cô nhi viện để chạy theo cuộc tình mới. May mắn bà nội của chị "thương con, xót cháu", mang chị về nuôi nấng.

Sau buổi vá xe... định mệnh đó, anh Thủy và chị Tuyết đã cảm thông nhau, yêu nhau thực sự. Hai người thề non, hẹn biển, nguyện bên nhau đến suốt cuộc đời.

Anh Châu Văn Thủy hạnh phúc bên người bạn đời Nguyễn Thị Tuyết

Biết chị Tuyết yêu thương một chàng trai chỉ cao có 1,1 mét, gia đình chị cấm cản. Phản ứng dữ dội nhất là người cô ruột của chị Thủy: "Hết đàn ông, con trai để lấy làm chồng hay sao mà mày lấy một thằng lùn?".

Chị Tuyết còn bị bạn bè cười chê, hàng xóm dị nghị. Mỗi khi thấy chị Tuyết đèo anh chàng nhỏ xíu ở phía sau xe đạp trên đường đê, trẻ em trong xóm túa ra xem, chỉ trỏ... Anh Thủy buồn bã, không còn thiết tha gì nữa. Coi như mối tình mang đến cho anh nhiều niềm vui, giúp anh xóa bỏ mặc cảm thân phận thua thiệt chấm dứt.

Anh Thủy nói: "Tui càng mặc cảm hơn. Tui thấy ông Trời bất công với mình... Lúc đó tui chỉ muốn chết cho xong. Nhờ bạn bè động viên, một thời gian dài, tui mới lấy lại thăng bằng. Tui tự an ủi mình: đã lùn mà còn nghèo kiết xác, người ta chê là đúng rồi. Thôi thì ông trời đã bắt thì phải chịu".

Anh Thủy lại sống như trước kia, ngày ngày tiếp tục lầm lũi ngồi vá xe. Cho đến một ngày, sau 4 năm tơ duyên tưởng chừng vuột mất....

Sau nhiều sóng gió, anh Thủy và chị Tuyết gắn bó cuộc đời nhau, có 3 mặt con

Anh Thủy nhớ lại: "Buổi chiều hôm đó, tôi đạp xe đi ngang nhà Tuyết. Len lén nhìn vào nhà, lòng buồn lắm, kỷ niệm ùa về. Thấy chú, cậu của Tuyết ngồi trước sân, tôi càng sợ, đạp xe nhanh hơn. Bất chợt một người chú của Tuyết gọi tôi vào. Tôi vừa mừng vừa lo, không biết sẽ có chuyện gì".

Một người chú của chị Tuyết hỏi: "Mày yêu con Thủy thật không?". Anh Thủy luýnh quýnh, gật đầu dứt khoát: "Con yêu Thủy trong lòng lâu lắm rồi". Những người thân của chị Tuyết im lặng. Một người cậu nói: "Thôi, con Tuyết nó cũng yêu mày. Hai đứa bây yêu nhau thì coi cưới nhanh, lo làm ăn đi. Không ai cấm cản nữa. Riêng bà cô không chịu mày, để tụi tao tính cho". Chị Tuyết đứng đó, nghe hết câu chuyện, chỉ cười bẽn lẽn...

Anh Thủy mừng rơn, đạp xe hối hả về nhà. Quăng bừa chiếc xe vào sân, anh thở hổn hển, nói ngay với cha mình: "Cha, cha chuẩn bị đi hỏi vợ cho con. Người ta chịu rồi!".

Người cha già nhìn đứa con, nghi ngại: "Mày lùn, người có chút éc, con nào điên mới lấy mày. Mày đừng có nói vẽ chuyện, kêu tao đi hỏi cưới để người ta cười tao thúi đầu".

Nhưng trước sự cương quyết của đứa con trai, cha của anh Thủy tạm tin. Khoảng một tuần sau mang trầu cau qua nhà chị Tuyết dạm hỏi.

Đám cưới diễn ra gấp, nhiều người đi dự. Cả thôn Phú Lộc (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) xôn xao, đến xem "chú lùn và Bạch Tuyết". Anh Thủy hóm hỉnh: "Tui cưới vợ liền tay vì sợ người ta đổi ý".

Để tránh sự "cấm cản", gia đình chị Tuyết quyết định khi nào "thủ tục" ván đóng thuyền cho đôi trẻ xong, mới thông báo cho bà cô "khó tính". Anh Thủy cười: "Lúc đó gia đình không dám mời bà cô của Tuyết, sợ bả quậy".

Ba mặt con lần lượt ra đời. Cả 3 đứa con trai của anh Thủy đều có chiều cao bình thường. Anh Thủy nói: "Điều tui lo nhất là các con lùn giống mình, sợ chúng sau này khổ. May mắn là đứa nào cũng cao ráo, khỏe mạnh".

Hàng ngày anh Thủy ra đầu ngõ ngồi vá xe, còn chị vẫn làm ruộng, nuôi các con khôn lớn. Một thời gian, anh chị quyết định vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Bán vé số nuôi các con ăn học đàng hoàng và phụng dưỡng mẹ già

Đứa con lớn của anh Thủy tốt nghiệp Đại học Nông Lâm, có công việc ổn định, cưới vợ, vừa cho anh đứa cháu trai kháu khỉnh. Đứa kế, học xong lớp 12, đi bộ đội ở Cam Ranh (Khánh Hòa), vừa xuất ngũ, đang làm tài xế xe. Còn thằng út học lớp 11, vẫn đang ở quê.

Anh Thủy tự hào: "Tui lùn, lại nghèo nữa, đâu có nhiều tiền để cho con. Tui chỉ cho con kiến thức thôi. Đời cha đói khổ, bất hạnh rồi, mong đời con tốt đẹp hơn".

Bằng nghề bán vé số dạo vất vả, hàng tháng đều đặn anh Thủy chắt mót gửi tiền về quê. Anh Thủy móc tờ hóa đơn ngân hàng ra, khoe: "Tui vừa gửi về quê 3 triệu để lo cho thằng út ăn học và bà má già. Anh coi tui lùn vậy chứ gánh nặng hết gia đình đó".

Anh Thủy đang cầm tờ biên lai của ngân hàng. Anh vừa đi gửi về quê 3 triệu đồng để lo cho đứa con trai út đóng học phí và phụng dưỡng mẹ già

Chưa bao giờ oán trách cha mẹ sinh mình ra với thân thể thua thiệt, anh Thủy luôn một mực hiếu thảo. Anh Thủy nói: "Mẹ tui năm nay 92 tuổi rồi, nằm liệt giường. Tui luôn dặn con cái, con dâu trong nhà phải hiếu thảo với bà nội. Tui mang ơn cha mẹ đã cho tui một hình hài, nuôi tui khôn lớn".

Là con út, anh Thủy thay mặt 5 anh chị trong gia đình phụng dưỡng mẹ già. Mưu sinh xa nhà, hàng tháng anh đều đặn chắt mót gửi tiền về quê, anh giao phó việc chăm sóc đấng sinh thành cho con trai cả và con dâu.

Anh cười vui: "Giàu Út hưởng, khó Út chịu mà. Mẹ già còn sống được với mình bao năm nữa đâu, phận làm con phải lo thôi".

Chị Tuyết vừa về tới. Đó là một phụ nữ cao lớn, hiền hậu. Chúng tôi hỏi chị về "mối tình cổ tích" của hai người, chị bẽn lẽn: "Ổng lùn, thua thiệt với người đời nhưng có ý chí, nghị lực. Tui gặp ổng là có cảm giác thương liền. Hai đứa quen nhau, bị gia đình cấm cản quá trời. Coi nhỏ xíu con vậy chứ lì lắm, đeo riết làm tui cũng xiêu lòng, vượt qua hết mọi rào cản".

Anh Thủy đếm những tờ vé số, chuẩn bị đi bán

Hàng ngày, từ 5 giờ 30 sáng, anh Thủy và chị Tuyết rời phòng trọ, mang vé số đi bán. Trước 14 giờ, mang vé thừa đi trả cho đại lý, quay về phòng nghỉ một chút rồi lấy vé số xổ ngày hôm sau đi bán tiếp. Đến tận khuya mới về đến nhà... Mỗi ngày cả anh và chị bán được chừng 200 tờ vé số, mỗi vé lời 1.000 đồng.

Chị Tuyết cười: "Ổng đi dữ lắm, tui không bằng. Bữa nào cũng đi cả mấy chục cây số đó. Trời mưa gió cũng không chịu nghỉ đâu".

"Có một lần ổng đổi cho khách 10 tờ vé số trúng giải an ủi. Tới chừng mang vé đến đại lý mới biết 10 tờ vé số bị cạo sửa, bị gạt mất hết 1 triệu đồng. Bây giờ ổng cẩn thận, chỉ đổi vé trúng cho người quen thôi", chị Tuyết kể.

Anh Thủy chuẩn bị rời phòng trọ, đi bán vé số

Trầm ngâm một chút, chị Tuyết nói: "Quanh năm đi bán rã cặp giò, chẳng đủ đâu vào đâu. Gần Tết hai đứa đang lo tiền vé xe về quê. Mấy ngày nay vợ chồng tui lấy nhiều vé số hơn, đi bán gần sáng đêm để đủ tiền mua vé xe".

Chị Tuyết cao to, ngồi bên anh chồng bé tẹo. Tiếp chuyện với khách, chị không một chút tự ti. Chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn đầy trong ánh mắt của người phụ nữ này.

Bài, ảnh: Dương Cầm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/moi-tinh-dep-nhu-mo-cua-anh-lun-1-1-met-va-co-gai-co-chieu-cao-binh-thuong-53547.html