'Mọi thứ ở cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật đều liên quan Trung Quốc'

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật đầu tiên dưới thời Tổng thống Biden cho thấy thách thức lớn nhất mà cả hai nước phải đối mặt: Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã đến Nhà Trắng để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 16/4.

Bản tiếng Nhật trong tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo dài 6 trang và nêu lên hàng loạt các vấn đề an ninh. Trong khi đó, tuyên bố chung giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump vào năm 2017 chỉ dài một trang.

Cả cuộc gặp lẫn bản tuyên bố chung đều chỉ dấu cho việc Nhật Bản sẽ đóng vai trò lớn hơn trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ đang xúc tiến tại châu Á. Điều này cũng được lý giải bằng nỗi lo chung ngày càng lớn là sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Cuộc gặp diễn ra giữa lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng tại Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Đối với Mỹ, nếu có gì không thay đổi giữa chính quyền tiền nhiệm và chính quyền Joe Biden, đó là sự cứng rắn với Trung Quốc.

 Thủ tướng Yoshihide Suga trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Thủ tướng Yoshihide Suga trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Vấn đề Đài Loan lần đầu xuất hiện

Các cam kết trong tuyên bố chung mới giữa ông Suga và Biden mạnh mẽ hơn so với những tuyên bố trong cuộc họp "2-cộng-2" giữa các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước trong cuộc gặp tháng 3.

Bản tuyên bố chung 5 lần nhắc đến Trung Quốc, trong đó thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Mỹ "nhắc lại sự phản đối đối với các tuyên bố hàng hải và hoạt động phi pháp Trung Quốc trên Biển Đông".

Lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ cũng đã trao đổi quan điểm về "sự ảnh hưởng của các hoạt động của Trung Quốc đối với hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới, chia sẻ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc đi ngược lại trật tự dựa trên luật lệ...".

Một nội dung khác đáng chú ý trong tuyên bố chung chính là việc đề cập đến tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

Vấn đề này cũng đã được đàm phán và tuyên bố trong cuộc gặp “2-cộng-2”. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên, Đài Loan được đề cập trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ - Nhật.

Jeffrey Hornung, nhà nghiên cứu tại Rand Corp, nhận định việc hai nước thảo luận công khai về vấn đề Đài Loan là một "bước tiến đáng kể". Trước kia, Nhật Bản thường tránh nêu vấn đề này ra ngay cả khi Washington luôn coi Tokyo là một bên liên quan trong vấn đề Đài Loan.

Trong tuyên bố chung, hai nước cam kết "tăng cường khả năng răn đe và ứng phó phù hợp với môi trường an ninh ngày càng nhiều thách thức, tăng cường hợp tác quốc phòng trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả không gian mạng và không gian vũ trụ".

Tuyên bố năm 2017 giữa ông Trump và ông Abe chỉ đề cập rằng "Nhật Bản sẽ đảm nhận vai trò và trách nhiệm lớn hơn trong liên minh".

Theo tuyên bố lần này, Nhật Bản sẽ "quyết tâm tăng cường năng lực quốc phòng nhằm củng cố liên minh song phương và an ninh khu vực".

Nhiều vấn đề được đề cập đến trong cuộc gặp Biden - Suga, bao gồm biến đổi khí hậu, Covid-19, quan hệ kinh tế, công nghệ và an ninh. Tuy nhiên, được chú ý đến nhiều nhất vẫn là làm thế nào để hai nước hợp tác đối phó với Trung Quốc.

“Mọi vấn đề trong cuộc họp đều liên quan đến Trung Quốc”, Yoshikazu Kato, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu kinh tế chứng khoán Rakuten, cho biết.

Cuộc gặp mặt-đối-mặt đầu tiên

Một điểm nữa nói lên tầm quan trọng của cuộc gặp Biden - Suga là việc cuộc gặp đầu tiên của một tổng thống Mỹ mới nhậm chức thường là với lãnh đạo một nước đồng minh truyền thống. Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đã gặp Thủ tướng Anh Theresa May đầu tiên sau khi bắt đầu nhiệm kỳ.

Sự lựa chọn của ông Biden càng cho thấy tổng thống nhận thức rõ vấn đề quan trọng nhất mà chính quyền dưới tay ông phải đối mặt: Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức xấu nhất trong nhiều thập kỷ. Cuộc họp cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ tại Alaska vào tháng 3 đã rơi vào hỗn loạn và cãi vã. Tình hình căng thẳng với Trung Quốc khiến Washington nhận ra liên minh trong thời điểm hiện tại là vô cùng quan trọng, và Nhật Bản chính là mắt xích quan trọng trong liên minh đó.

Dưới chính quyền Biden, Nhật Bản thường xuyên là điểm đến đầu tiên của các quan chức Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken và Bộ trưởng Quốc Lloyd Austin chọn Nhật Bản là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của họ. Trước đó vài ngày, ông Biden đã dự cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với các lãnh đạo trong nhóm "Bộ Tứ" - Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

"Bộ Tứ" là sáng kiến hợp tác an ninh được cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khởi xướng từ năm 2007, và được "hồi sinh" trong nỗ lực nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tất cả các động thái trên đều diễn ra ngay trước cuộc gặp của quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ - Trung tại Alaska hồi cuối tháng 3.

"Một phần của chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tập trung mạnh mẽ vào các đồng minh, bạn bè và đối tác. Trọng tâm của chiến lược đó là Nhật Bản", theo Kurt Campbell, Điều phối viên Nhà Trắng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Yoshihide Suga trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Yêu sách của Trung Quốc tại các vùng biển và tình hình căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc là mối quan tâm lớn đối với Nhật Bản.

Một số chuyên gia chính sách đối ngoại của Mỹ cũng nhận xét rằng lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc của Tokyo và Washington đang dần đồng bộ.

Đôi bên có lợi

Từ ngay trước khi nhậm chức, ông Biden đã chống lại chủ nghĩa cô lập “Nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump và muốn khôi phục lại mối quan hệ với các đồng minh. Cuộc họp "Bộ Tứ", chuyến đi của các bộ trưởng và cuộc gặp lần này cũng là một phần trong nỗ lực đó.

Jeffrey Kingston, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Temple cơ sở Nhật Bản, nhận định “Tổng thống Biden muốn hồi sinh các mạng lưới quan hệ của Mỹ đã bị phá vỡ bởi những thay đổi thất thường của ông Trump trong ngoại giao”.

Quan chức Mỹ và Nhật Bản trong cuộc họp "2-cộng-2". Ảnh: Reuters.

Về phía Nhật Bản, cuộc gặp cấp cao lần này cũng là bài kiểm tra cho Thủ tướng Suga về các vấn đề đối ngoại.

Ông nhậm chức trong tình hình Nhật Bản đang lún sâu vào khủng hoảng của đại dịch Covid-19. Thế vận hội Tokyo cũng sẽ được tổ chức vào tháng 7 tới, mặc cho sự phản đối kịch liệt của người dân. Tỷ lệ ủng hộ ông Suga đang giảm xuống do người dân không hài lòng với cách chính quyền phản ứng với đại dịch.

Ông hy vọng cuộc gặp có thể cải thiện danh tiếng của mình tại quê nhà.

Chuyến thăm mang đến cho ông Suga "một cơ hội quý báu nhằm thúc đẩy danh tiếng của mình vào thời điểm mà sự ủng hộ chính quyền của ông đang giảm dần", Mireya Solís, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á tại Viện Brookings (trụ sở tại Washington, D.C.), nhận xét.

Tăng cường phòng bị

Nếu mọi thứ diễn ra theo cam kết, năm 2021 sẽ là năm thứ chín liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng. Ngân sách của nước đã này tăng 10% trong thập kỷ qua, chiếm 1% GDP. Trong cùng giai đoạn, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng gấp đôi.

Việc tăng cường hợp tác quốc phòng đòi hỏi Nhật Bản sẽ phải trang bị công nghệ quân sự hiện đại nhất. Có khả năng nước này sẽ trang bị các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến từ Mỹ.

Căn cứ Futenma của quân đội Mỹ trên đảo Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: AP.

Bên cạnh đó, Nhật Bản có kế hoạch chế tạo các tàu khu trục trang bị hệ thống tên lửa phòng thủ Aegis. Các tên lửa siêu thanh và tầm xa cũng được ưu tiên phát triển.

Tuy nhiên, việc tăng đáng kể mức chi tiêu quốc phòng khiến nhiều thành viên trong chính quyền Nhật Bản lo ngại sẽ kích động các quốc gia láng giềng.

Với sự thay đổi dưới chính quyền ông Biden, Nhật Bản sẽ được kêu gọi tham gia vào các nỗ lực tăng cường răn đe, thậm chí nhiều hơn so với thời chính quyền ông Trump. Trong trường hợp Đài Loan, Nhật Bản có thể sẽ được kêu gọi cung cấp hậu cần và hỗ trợ khác cho quân đội Mỹ.

Tuấn Đạt

Theo Nikkei Asia, Time

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-thu-o-cuoc-gap-thuong-dinh-my-nhat-deu-lien-quan-trung-quoc-post1205892.html