Mỗi tháng, xử lý được 9,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Đây là con số đáng chú ý được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng - TCTD (Nghị quyết 42) và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1058), diễn ra ngày 15-10.

Sau Nghị quyết 42: tốc độ xử lý nợ xấu nhanh gấp đôi

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, về cơ bản, các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Năng lực tài chính của các TTCD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần, tính minh bạch trong hoạt động tín dụng cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.

TCTD chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

TCTD chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Báo cáo về kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh thanh tra, giám sát NHNN cho biết, đến nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02) của hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến 31-8-2019 là 1,98%). Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Lũy kế từ 15-8-2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31-8-2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Tính trung bình, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Để xử lý nợ xấu triệt để hơn, theo NHNN, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, các cơ chế chính sách hỗ trợ cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, quy định về quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các TCTD...

Đặc biệt, ngành ngân hàng tập trung xử lý phương án tái cơ cấu một số ngân hàng mua bắt buộc trên cơ sở bảo đảm; tuân thủ đúng quy định và tiếp tục xử lý các TCTD phi ngân hàng yếu kém, cũng như phối hợp với các bộ, ngành chủ quản xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại của các TCTD phi ngân hàng là công ty con của tập đoàn trực thuộc...

“Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD”, Chánh thanh tra NHNN nói.

Nợ xấu sẽ xuống dưới 3%

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, NHNN đặt mục tiêu xử lý nợ xấu đến năm 2019 là 5%, mục tiêu đến 2020 là 3% hoàn toàn có thể đạt được.

Nhưng để làm được thì kinh tế vĩ mô phải ổn định, phải gia tăng sức chống chịu của các TCTD với các cú va đập, cú sốc từ kinh tế bên ngoài. Hơn nữa, ngành ngân hàng phải kiên trì, hài hòa, thực hiện chia sẻ rủi ro theo nguyên tắc thị trường và quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng các ngân hàng cũng phải tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

"Muốn xử lý nợ xấu thì phải có ngân hàng đẹp. Các ngân hàng phải tuân thủ và thượng tôn pháp luật, đảm bảo các tỷ lệ an toàn, tăng cường bồi dưỡng, phát huy văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các TCTD phải nâng cao năng lực, có giải pháp tăng vốn điều lệ để đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, Các ngân hàng phải có phương án kiểm soát chặt chẽ viêc phát hành trái phiếu, đặc biệt là phải nâng cao chất lượng tín dụng, gia tăng nguồn tư từ các lĩnh vực phi tín dụng, dịch vụ…

“Quan điểm xử lý nợ xấu là kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro; tuân thủ quy định pháp luật nhưng có cơ chế thử nghiệm ở những trường hợp đặc thù; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TCTD; bảo đảm an toàn, hiệu quả; đề cao trách nhiệm cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đến cuối tháng 8-2019, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 11,81 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018; cho vay thị trường 1 đạt 7,61 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2018; huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,96 triệu tỷ đồng, tăng 8,2% so với cuối năm 2018. (PV)

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/moi-thang-xu-ly-duoc-9-6-nghin-ty-dong-no-xau-565699/