Mới sinh 5 ngày đã luyệ̣n ngủ cho con thành công, mẹ Việt Kiều dư dả thời gian rảnh tiết lộ vài mẹo 'nhỏ nhưng có võ'

Rèn con ngủ ngoan ngay từ khi mới sinh là việc chẳng dễ dàng gì, nhưng chị Tanya Phạm (27 tuổi, sống tại Nga) chỉ áp dụng vài tip nhỏ sau đây đã có thể đưa con vào quỹ đạo.

Chị Tanya Phạm nhấn mạnh, tự ngủ và Easy là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. EASY là trình tự sinh hoạt trong ngày của bé bao gồm: ăn - hoạt động - ngủ. Mẹ áp dụng Easy cho con là để con có nếp sinh hoạt tốt, phù hợp. Đồng thời mẹ cũng sẽ biết được giờ nào con cần ăn, giờ nào con cần ngủ.

Chị Tanya Phạm và bé Gấu (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, tự ngủ là việc mẹ tập cho con cách tự đưa mình vào giấc ngủ và tự chuyển giấc như thế nào. Khi con đã biết tự ngủ/ tự chuyển giấc thì sẽ không có cảnh cả nhà mất ngủ, thức đêm thay nhau bế con, hay cảnh con cứ phải ngậm ti mẹ để ngủ, sữa chảy ròng ròng, mẹ thì đau lưng, đầu bù tóc rối, mặt mũi phờ phạc vì mệt mỏi.

Do đó, bà mẹ trẻ mong rằng các mẹ hãy tìm hiểu thật kĩ trước khi áp dụng cho con mình, tránh trường hợp nghĩ rằng: Theo Easy là để mặc kệ cho con khóc đến khi mệt rồi tự ngủ.

Một em bé theo nếp sinh hoạt Easy chưa chắc đã biết tự ngủ, nhưng rõ ràng muốn tập cho con tự ngủ thì Easy chiếm vai trò rất quan trọng. Vì chỉ khi con đã có nếp sinh hoạt cụ thể, thì mẹ mới có thể biết được giờ nào con thực sự buồn ngủ để đưa con vào giấc. Và khi con buồn ngủ thật thì tất nhiên là con sẽ ngủ ngon hơn.

Bà mẹ Việt Kiều luyện ngủ cho con từ 5 ngày tuổi (Ảnh: NVCC)

“Mình đã luyện ngủ cho bé Gấu từ rất sớm, quan điểm của mình là cái gì cũng vậy, càng sớm càng tốt. Ngay từ khi bầu, mình đã xác định sẵn là mẹ sinh con, nuôi con nhưng vẫn có rất nhiều việc khác cần làm. Mẹ không thể nào ôm con trên tay để con ngủ liên tục được. Nên mình tập cho con tự ngủ ngay từ khi mới sinh.

Như mình sinh bên nước ngoài, các cô y tá luôn dặn mẹ, nếu con khóc, đợi 1 chút. 1-3 phút thôi. Có thể con chỉ giật mình nên khóc 1 chút, mẹ chưa cần can thiệp vội. Nếu con không ngủ lại được thì mẹ hãy bế con lên. Ngẫm lại thì đây chính là nút chờ.

Đặt con tự ngủ không phải là mẹ không thương con mà là mẹ đang tập cho con thói quen tốt. Với lại mẹ nghĩ thử xem, nếu ngủ mà cứ có người ôm ấp so với việc nằm thoải mái 1 mình thì cái nào ngủ ngon hơn? Tầm 5 ngày sau sinh, khi cơ thể mẹ đã phục hồi dần thì mình áp dụng phương pháp tự ngủ 4s 5s biến thể cho em Gấu. Đây là phương pháp rèn bé tự ngủ ít tiếng khóc nhất, bé càng nhỏ thì càng dễ luyện đặc biệt là các bé dưới 12 tuần”, chị Tanya Phạm chia sẻ.

Cụ thể mẹ canh đúng thời điểm con "thật sự" buồn ngủ và thực hiện theo các bước dưới đây:

1. Quấn bé

Tại sao phải quấn bé? Vì trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi chưa có khả năng kiểm soát tay và chân của mình, bé hay có phản xạ vặn người, giật mình. Quấn bé sẽ giúp tay bé không bị giơ lên khi giật mình, tránh việc bé cào tay lên mặt do chưa kiểm soát được tay, bé sẽ ko bị thức giấc và ngủ được lâu hơn.

2. Tạo môi trường ngủ

Sau khi quấn bé xong, mẹ sẽ bế bé đi kéo rèm, tắt điện, bật điều hòa để tạo môi trường ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh. Vừa làm mẹ vừa thì thầm với bé những câu trấn an, ví dụ chị hay nói với Gấu rằng: con trai ngoan, con buồn ngủ rồi đúng không, mẹ cho con đi ngủ nhé, con ngủ ngoan lát con dậy mẹ đón con nha!

Những hành động và câu nói được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều ngày sẽ tạo cho bé 1 thói quen, bé sẽ nhận biết được rằng: à, đến giờ đi ngủ rồi!

Bé Gấu ngủ ngon giấc mà không cần đến mẹ phải bế ru, ôm ngủ (Ảnh: NVCC)

3. Windown (wd- bế vác, thư giãn)

Mẹ sẽ bế vác bé như tư thế vỗ ợ hơi. Vỗ nhẹ vào lưng bé, người đung đưa nhẹ và miệng shhh để trấn an bé (có thể shhh bằng miệng hoặc mở whitenoise bằng máy cho bé nghe). Mục đích là giúp bé thư giãn, tống hết khí hơi còn trong bụng ra ngoài để bé ngủ ngon hơn.

Tiếng shhh là tiếng bé được nghe từ khi còn trong bụng mẹ, nên mẹ có thể dùng tiếng shhh/whitenoise với mục đích trấn an bé. Mẹ lưu ý nên quay mặt bé vào chỗ tối, cảnh vật tĩnh, tránh phía có bóng đèn hay đồ chơi... tránh làm bé mất tập trung.

4. Đặt bé xuống cũi

Mẹ thực hiện như vậy đến khi bé thả lỏng, mềm người ra thì nhẹ nhàng đặt bé xuống giường, cũi. Lưu ý là mẹ phải đặt bé xuống giường lúc bé chưa nhắm mắt hẳn, mục đích là để con vẫn nhận thức được: à, mẹ đặt mình xuống giường rồi, ngủ đi thôi.

Dần dần, bé sẽ nhận biết và chấp nhận việc tự đưa mình vào giấc ngủ. Với các bé mới tập tự ngủ thì bước wd có thể mất tới 10-20 phút, khi bé đã ngủ thành thạo rồi, thì wd chỉ 1-2 phút.

5. Hỗ trợ

Khi mẹ đặt bé xuống giường, nếu bé khóc mẹ hãy áp dụng nút chờ 1-3-5 phút. Tùy độ tuổi của con và sức mẹ chờ được bao lâu. Sau nút chờ nếu bé vẫn khóc, không tự ngủ được thì mẹ hãy hỗ trợ bé. Có những cách sau để hỗ trợ bé, mẹ hãy thử xem cách nào phù hợp với con mình nhất như: cho con nằm nghiêng hoặc nằm sấp, vỗ nhẹ, đều từng nhịp lên tay, lưng hoặc đùi bé, cho bé mút ti giả.

Mẹ hỗ trợ đến khi nào bé ngủ say thì ngưng hoặc hỗ trợ 1 phút, chờ 3 phút, nếu bé vẫn chưa thể ngủ lại thì mẹ lại vào hỗ trợ 1 phút, chờ 3 phút. Nếu hỗ trợ đã khá lâu mà bé vẫn khóc và không ngủ thì mẹ lại bế bé lên và thực hiện wd lại từ đầu.

6. Nút chờ

Chị Tanya Phạm cho rằng rất nhiều mẹ nghĩ nút chờ thật kinh khủng, các mẹ không thể chờ ở ngoài, nghe con vật vã, khóc lóc 1 mình được, mẹ cảm thấy mình thật tệ/ ác khi sử dụng nút chờ với con, hoặc nhiều gia đình ở chung với ông bà, vì nhiều lý do cũng không thể áp dụng nút chờ.

Theo kinh nghiệm của chị, thì nút chờ thật sự là thần thánh. Nhiều khi chỉ là con giật mình, con ngủ mơ nên khóc, con có khả năng tự ngủ lại tiếp được. Nhưng nếu con vừa khóc oe oe, mẹ đã xông vào, bế lên ngay thì con sẽ tỉnh luôn, mẹ đang lấy đi dần cơ hội tự ngủ, tự chuyển giấc của con. Hãy cho con 1 chút thời gian mẹ nhé! Và tất nhiên áp dụng nút chờ theo độ tuổi phù hợp của bé, chứ không phải cứ để con khóc đến khi mệt lả đâu.

7. Hái quả ngọt

Nhớ lại quãng thời gian thu được thành quả, chị Tanya Phạm kể lại: “Nhiều mẹ hỏi mình là: luyện con tự ngủ thì con có khóc nhiều không và mất bao lâu để thành công?

Với nhà mình thì do tập từ sớm nên con không khóc nhiều, chỉ oe oe chưa tới 1 phút là ngủ luôn, vì lúc mình cho con ngủ thật sự là con buồn ngủ lắm rồi, mẹ đặt xuống là con ngủ luôn. Nên việc mẹ bắt đúng thời điểm con buồn ngủ thật sự rất quan trọng.

Tất nhiên với những bé đã có những thói quen là được bế/ đung đưa/ nằm võng/ mút ti mẹ để ngủ, thì con chắc chắn sẽ khóc 1 chút, con cần nhiều thời gian hơn 1 chút để học tự ngủ. Việc của mẹ là cố gắng kiên trì, áp dụng đúng và đủ các bước như trên.

Không thể mới 1-2 hôm chưa thành công mẹ đã nản rồi. Bây giờ con còn bé mẹ có thể bế con cả ngày nhưng khi con lớn dần, con nặng 7-10kg mẹ vẫn bế con ngủ sao? Và mẹ cũng chả thể nghỉ ngơi hay làm bất cứ việc gì khác được. Thời gian để luyện cho bé tự ngủ thành công là từ 3-7 ngày tùy tính cách của từng bé. Các mẹ hãy kiên trì nhé”.

Như đã nói từ đầu, mẹ bé Gấu nhấn mạnh rằng những cách này phù hợp nhất cho bé dưới 12 tuần tuổi. Nếu có thể mẹ hãy tập cho con càng sớm càng tốt. Các bé trên 12 tuần tuổi chưa biết tự ngủ, thì có nhiều phương pháp khác ví dụ bế lên đặt xuống, cry it out...

Vì được luyện ngủ từ sớm nên bé Gấu quen với việc tự ngủ rất nhanh. Từ khi 3 tuần tuổi, con đã có thể tự đưa mình vào giấc ngủ thành thạo rồi. Cứ đến giờ thì mẹ chỉ cần thực hiện đủ các bước trên là con rất dễ ngủ. Khi em ngủ tốt rồi thì mẹ cũng "truyền" luôn bí kíp đưa Gấu đi ngủ lại cho ba Gấu. Vậy là mẹ càng có thời gian rảnh nhiều hơn, mà ba em Gấu lại có cơ hội gần gũi con hơn.

Hiện nay, bé Gấu đã được 7 tháng. Con tự ngủ, tự chuyển giấc 95% các giấc, đã cai nhộng, cai whitenoise, vẫn còn dùng ti giả khi tỉnh giấc sáng, mẹ cũng chẳng cần wd nữa, cứ đến giờ là đặt con xuống và con tự ngủ thôi, khiến mẹ nuôi con nhàn nhã vô cùng.

Lê Huyền

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/lam-me/moi-sinh-5-ngay-da-luyen-ngu-cho-con-thanh-cong-me-viet-kieu-du-da-thoi-gian-ranh-tiet-lo-vai-meo-nho-nhung-co-vo-20200311145405648.htm