Mối quan tâm thật, ảo...

Bước xuống xe khách, tay xách túi, Thư băng qua cánh đồng trơ gốc rạ sau mùa gặt. Gió bấc đầu mùa se lạnh. Thọc tay trong túi áo khoác, cô bước vội vào con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo. Vừa thấy cô, bà Nhâm, mợ của Thư, níu tay trách mắng:

Vắn hóa và Đạo đức

- Cháu bận rộn gì mà ở nhà gọi điện hơn chục cuộc không thèm nghe. Trái gió trở trời, bệnh xương khớp của mẹ cháu tái phát sưng tấy, rên rẩm suốt đêm.

Quẳng vội đồ đạc xuống ghế, Thư sà tới chỗ mẹ đang nằm. Trên chiếc giường trải đệm phẳng phiu, bà Quế co ro một góc, gương mặt nhăn nhó, cố kìm nén cơn đau. Thư nắm bàn tay xương xẩu của mẹ, giọng nghèn nghẹn:

-Mẹ, con về đây, để con… đưa mẹ đi… bệnh viện nhé!

-Thôi, mẹ biết bệnh tình của mình, vài ba bữa hết đợt rét là đỡ... -giọng bà Quế thều thào, khó nhọc.

Thư nấu nồi cháo, rồi cặm cụi sắc thuốc bổ cho mẹ uống. Thấy con về, bà Quế có phần khỏe lên, gương mặt tươi tỉnh hẳn. Ngôi nhà trống trải bớt phần lạnh lẽo. Ngồi nói chuyện với Thư và mợ Nhâm, dù đang ốm mệt, song bà Quế vẫn không quên giục giã con gái lấy chồng. Ðể mẹ tạm yên lòng, cô gật đầu lia lịa, hứa sẽ sớm dẫn người yêu về ra mắt. Bà Quế nghe vậy, chỉ gượng cười rồi thở dài bởi nhiều lần cô con gái yêu của bà cũng đã hứa như vậy. Suốt bao nhiêu năm lo lắng nuôi con khôn lớn, giờ Thư có "công ăn, việc làm" ổn định, tuổi cũng đã cứng, bà chỉ mong con sớm yên bề gia thất…

Bà Quế ngày trước "buôn thúng, bán mẹt" ở chợ quê gần nhà, nay nghỉ hẳn do sức khỏe yếu. Chồng qua đời lúc con gái còn nhỏ dại, bà ở vậy tảo tần nuôi con khôn lớn. Ðược mẹ chăm sóc chu đáo, Thư có tiếng học giỏi trong vùng và thi đỗ vào một trường đại học danh giá. Sau khi, tốt nghiệp ra trường, cô xin vào làm ở công ty liên doanh với nước ngoài ở Hà Nội với mức lương khá cao.

Tất cả đều hoàn hảo, chẳng có gì đáng chê trách, chỉ có điều cuộc sống hạnh phúc riêng tư dường như bị Thư quên lãng. Một phần là do công việc bận rộn, nhưng phần lý do chính là cô đã đã dành quá nhiều thời gian cho những quan tâm trên các trang mạng xã hội. Cứ rảnh một chút là cô lại cầm ngay lấy chiếc điện thoại hý hoáy tán gẫu, chát chít, trao đổi, bình luận trên mạng, có khi đang làm việc cô cũng dừng lại để theo dõi, trả lời bạn bè trên mạng. Bất cứ sự việc lớn nhỏ nào diễn ra hay đi đâu, làm gì, cô đều không bỏ sót, tranh thủ cập nhật ngay lên facebook. Nhiều khi tụ tập bạn bè ra quán cà-phê ngày cuối tuần, nhưng rồi mỗi người lại chăm chú dán mắt miệt mài theo dõi màn hình điện thoại và tủm tỉm một mình như tự kỷ vậy.

Những dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày, Thư cũng tất tả khăn gói đi du lịch đó đây, song mục tiêu duy nhất chỉ là để chụp hình tới tấp đưa lên "phây" khoe. Khi về, mọi người hỏi về nơi vừa du lịch về mà cô cứ ngớ ra chẳng biết trả lời ra sao nữa. Thời gian mới đi làm, cô còn hay gọi điện về cho mẹ, thủ thỉ nhỏ to đủ thứ chuyện. Sau này, cô cứ chểnh mảng dần việc hỏi han, tâm sự với bà Quế. Thậm chí, bị giục nhiều quá chuyện chồng con, cô đâm ra e ngại, lẩn tránh cả các cuộc gọi của mẹ. Chính bởi vậy, lần này bà Quế bị ốm thật, song vì cứ nghĩ mẹ gọi giục lấy chồng, cô nấn ná chẳng chịu nghe máy, cho nên mới để ra nông nỗi thế này…

Tối đó, Thư gọi điện xin phép lãnh đạo công ty cho nghỉ thêm phép để đưa mẹ đi bệnh viện điều trị. Hơn một tuần chăm sóc mẹ đến khi sức khỏe của bà khá ổn, cô mới yên tâm lên Hà Nội. Chuyến về quê đã giúp cô có được một thời gian tĩnh tâm bên mẹ và hiểu ra nhiều điều tuy hết sức giản dị mà sâu xa. Bấy lâu nay, vì quá vô tư chạy theo những đam mê, dành thời gian phí phạm cho những mối "quan tâm ảo" mà cô không cảm nhận hết nỗi buồn trống vắng của mẹ khi phải sống một mình, xa con gái trong ngôi nhà cô quạnh. Sau lần này, Thư tự nhủ lòng sẽ thường xuyên gọi điện và tranh thủ về thăm mẹ nhiều hơn.

QUANG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/38217602-moi-quan-tam-that-ao.html