Mối quan tâm của người dân

Các đại biểu Quốc hội đang trong đợt tiếp xúc cử tri trên địa bàn cả nước. Qua các cuộc tiếp xúc này, nhận thấy vấn đề cử tri quan tâm không phải chỉ “miếng cơm, manh áo” của họ mà lại là những việc “quốc gia đại sự”, đặc biệt là việc xử lý cán bộ sai phạm.

Ảnh minh họa.

Những câu hỏi từ các địa phương khác nhau nhưng cùng chung một chủ đề: Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc để Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn và hình thức xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, đồng thời, cử tri cũng kiến nghị việc xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong việc cấp phép cho Formosa.

Rất đáng lưu ý và cũng rất đáng mừng là những câu hỏi từ cử tri ấy được đại biểu Quốc hội đồng thời là những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước trả lời một cách thỏa đáng. Vụ Trịnh Xuân Thanh đã xử lý một số cán bộ liên quan, trong đó có nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và việc này chưa dừng ở đó, sẽ tiếp tục xem xét những sai phạm và có hình thức kỷ luật tương xứng, không loại trừ các biện pháp hình sự. Còn ông Võ Kim Cự cũng không phải đã “bỏ qua” mà cơ quan kiểm tra đang tiến hành xem xét việc này tại Hà Tĩnh.

Như vậy, tình trạng xử lý cán bộ mắc sai phạm theo kiểu “nội bộ”, “giơ cao, đánh khẽ”, thậm chí “đánh trống bỏ dùi” đã được khắc phục một phần qua các vụ việc cụ thể vừa qua.

Tại Hà Nội, sau vụ cháy quán Karaoke, một loạt cán bộ quận Cầu Giấy đã bị xử lý kỷ luật, hình thức nặng nhất là cách chức. Tại một số địa phương, cán bộ có lối sống thiếu lành mạnh cũng bị xử lý ngay, từ cán bộ xã đến Phó Giám đốc sở. Nhiều cán bộ đã bị đình chỉ công tác để làm rõ những sai phạm sau phản ảnh của người dân và báo chí.

Sự kịp thời đó, trước hết mang lại niềm tin rằng kỷ cương, phép nước được tôn trọng, không có chuyện bao che, dung túng trong đội ngũ “cán bộ với nhau” và sẽ không còn phải hết chức rồi mới cách như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng hoặc bỏ việc rồi mới ra quyết định buộc thôi việc như trường hợp Vũ Đình Duy.

Kịp thời phát hiện sai phạm không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác quản lý cán bộ mà ở các lĩnh vực khác nữa. Nếu Bộ Tư pháp không “tuýt còi” cái việc đổi giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật thì không biết còn làm bao người khốn khổ vì mất thời gian, tiền bạc cho việc này. Hoặc, cái quy định phải “làm lại” Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi thay đổi số chứng minh nhân dân cũng sẽ gây phiền hà không nhỏ cho người dân nếu không có những động tác can thiệp kịp thời.

Người dân không chỉ quan tâm đến những quyền lợi sát sườn của mình như phạt xe không chính chủ mà những việc tưởng chừng như không liên quan trực tiếp nhưng đó là chuyện “tồn vong” của chế độ thì rất quan tâm, lo lắng. Điều đó cho thấy lòng dân mong muốn một sự công bằng, ổn định xã hội, nghiêm minh luật pháp và xây dựng đất nước vững mạnh!

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/moi-quan-tam-cua-nguoi-dan-308310.html