Mối quan hệ Mỹ - Đức không bao giờ trở lại như cũ

Ông Trump hết nhiệm kỳ vẫn khó cứu quan hệ Mỹ - Đức.

Quan hệ ngoại giao giữa Washington và Berlin đã giảm sút rõ rệt trong những năm gần đây. Bộ trưởng Ngoại giao Đức đã cảnh báo rằng quan hệ giữa hai nước có thể sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Những bất đồng về chi tiêu quốc phòng, cơ sở hạ tầng năng lượng, khối G7 và thương mại tiếp tục là vấn đề nổi cộm giữa hai nước.

Ông Heiko Maas, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức cho rằng liên minh với Mỹ có thể sẽ không phục hồi ngay cả khi đối thủ của đương kim Tổng thống Trump là ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Đây là một dấu hiệu rạn nứt báo hiệu mức độ căng thẳng của quan hệ Mỹ - Đức.

Ông Maas chia sẻ với Deutsche Welle rằng: “Nhiều người nghĩ rằng quan hệ giữa Đức với đối tác xuyên Đại Tây Dương sẽ trở lại như trước, một khi ứng cử viên Đảng Dân Chủ trở thành tổng thống".

Ông Maas công nhận: “Quan hệ xuyên Đại Tây Dương rất quan trọng. Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo tương lai cho mối quan hệ này. Nhưng với hiện tại, mối quan hệ này không còn đáp ứng những yêu cầu mà cả hai bên đòi hỏi”.

Giới chính trị phương Tây đã chứng kiến mối quan hệ Mỹ - Đức xấu đi trong thời gian ông Trump cầm quyền.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và châu Âu đã đe dọa mối quan hệ giữa Mỹ và Đức ở hầu hết các lĩnh vực. Hai bên tranh cãi về chi tiêu quốc phòng, đường ống khí đốt khổng lồ Nord Stream 2, Liên minh G7, quyết định rút quân khỏi Đức của chính quyền Trump, kể cả mối đe dọa thuế quan của Mỹ đối với xuất khẩu xe hơi của Đức.

Ngoại trưởng Heiko Maas thừa nhận ngay cả khi ứng viên đảng Dân Chủ lên thay Tổng thống Trump cũng khó có thể phục hồi quan hệ Mỹ - Đức. Nguồn ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Heiko Maas thừa nhận ngay cả khi ứng viên đảng Dân Chủ lên thay Tổng thống Trump cũng khó có thể phục hồi quan hệ Mỹ - Đức. Nguồn ảnh: Reuters.

Chi tiêu quốc phòng

Tổng thống Trump đã nhiều lần áp đảo nền kinh tế lớn nhất châu Âu kể từ cuộc bầu cử năm 2016 của ông.

Vào giữa tháng 6, ông Trump chỉ trích Đức về việc nước này chưa đáp ứng cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng theo yêu cầu của Hiệp định NATO năm 2014.

Tổng thống Trump chia sẻ: “Chúng tôi bảo vệ Đức nhưng họ lại vi phạm. Điều này thật vô nghĩa”. Quân đội Mỹ đã giảm số lượng binh sĩ xuống còn 25.000 binh sĩ và Mỹ đã phải trải một cái giá rất lớn cho việc đóng quân ở Đức.

Theo ước tính của NATO, vào năm 2019, Đức chỉ chi khoảng 1,38% cho chi tiêu quốc phòng trong khi đó Mỹ đã chi đến 3,42%. Vào năm ngoái, Đức tuyên bố sẽ chi khoảng 2% vào năm 2031.

Tổng thống Trump cáo buộc Đức và Liên minh châu Âu đối xử tệ với Mỹ. Ông chia sẻ, chúng tôi bị tổn thương về thương mại và NATO. Theo đó, ông Trump đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu xe hơi châu Âu. Đây là một động thái gây tổn hại lớn cho nước Đức vốn là cái nôi của ngành sản xuất xe hơi ở châu Âu.

Kế hoạch rút khoảng 9.500 quân khỏi Đức của chính quyền Mỹ đã gây ra sự phẫn nộ ở châu Âu.

Liên minh G7

Ở một cục diện khác, liên minh nhóm G7 (gồm Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Ý và Nhật) cũng trở nên căng thẳng.

Tổng thống Trump trước đây đã bác bỏ các kết luận của hội nghị thượng đỉnh G7. Hành động này đã gây không ít thất vọng đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Gần đây, mối quan hệ càng rạn nứt hơn sau khi bà Merkel từ chối lời mời của Trump đến hội nghị thượng đỉnh G7 tại Washington do đại dịch COVID-19. Mong muốn Nga tái gia nhập nhóm G7 của ông Trump cũng đã tạo ra sự chia rẽ trong nhóm.

Đường ống khí đốt Nord Stream 2

Mối quan hệ của Đức với Nga luôn là một vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt là về năng lượng. Các quan chức Mỹ chỉ trích đường ống khí đốt Nord Stream 2, một dự án cơ sở hạ tầng năng lượng chuyển khí đốt từ Nga sang Đức, bỏ qua Ukraine.

Năm 2018, ông Trump cho biết Đức đã bị Nga kiểm soát hoàn toàn. Vào tháng 12.2019, Mỹ đã áp các lệnh trừng phạt đối với dự án Nord Stream 2 sắp hoàn thành. Điều này gây ra sự tức giận cho cả Nga và Đức. Về phần Đức, Berlin phản ứng bằng cách cho rằng “chính sách năng lượng của châu Âu phải được quyết định ở châu Âu, chứ không phải Mỹ".

Mỹ đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với dự án đường ống. Động thái này của Mỹ có thể thu hút các biện pháp trả đũa từ Đức. Theo hai quan chức của Đức, Chính quyền Merkel đang xem xét cấp bách cho hành động phối hợp của Liên minh châu Âu.

Về phần Nga, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov phát biểu với CNBC hồi đầu tháng 6 rằng, “bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ đối với Nord Stream 2 sẽ là một cuộc tấn công nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Điều này trái với luật pháp quốc tế và các quy tắc về thương mại quốc tế".

Ông Peskov khẳng định: “Chúng tôi cho rằng điều này rất nguy hiểm đối với nền kinh tế toàn cầu và môi trường kinh tế. Chúng tôi biết rằng các đối tác của chúng tôi từ Đức và các nước châu Âu cũng cảm thấy rất nhiều mối lo ngại trước mối đe dọa tiềm tàng này. Và chúng tôi quyết tâm tiếp tục các công trình xây dựng trong khuôn khổ của dự án quốc tế này".

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn CNBC

Minh Duy

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/moi-quan-he-my--duc-khong-bao-gio-tro-lai-nhu-cu-3335781/