Mối quan hệ máu thịt

Suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân, nên khi viết Di chúc, 2 mối quan tâm sâu sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Đảng và nhân dân.

PGS-TS Nguyễn Thế Thắng

PGS-TS Nguyễn Thế Thắng

Người đã viết 973 chữ về nhân dân, viết 421 chữ về Đảng. Không chỉ viết về Đảng, về nhân dân với dung lượng lớn nhất mà quan trọng là trong đó, Bác Hồ đã thể hiện những điều tâm huyết nhất với Đảng, với nhân dân. Bởi Đảng và dân là hai chủ thể quyết định sự tồn tại, phát triển của cách mạng, của chế độ mới và sự phát triển trường tồn của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Khi nói về Đảng, Bác Hồ đồng thời nói về nhân dân. Và, nói về nhân dân cũng đồng thời nói về Đảng. Bởi Người coi Đảng với dân là mối quan hệ gắn bó, máu thịt, không thể tách rời. Một mối quan hệ quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của cả Đảng với nhân dân và dân tộc Việt Nam.

Tổng kết quá trình lãnh đạo, xây dựng Đảng, trong Di chúc Bác Hồ xác định Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Đảng là người lãnh đạo, đồng thời là người đày tớ trung thành của nhân dân. Luận điểm này chính là sự vận dụng, phát triển lý luận Mác - Lênin về vai trò của nhân dân và của Đảng Cộng sản trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, danh tướng Trần Hưng Đạo tổng kết: Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ, bền gốc là thượng sách giữ nước. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi chỉ ra: Dân như nước. Chở thuyền hay lật thuyền cũng là dân. Hồ Chí Minh và Đảng ta vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền thống dân tộc lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, xây dựng xã hội mới. Chỉ ra nguyên do trở thành Đảng cầm quyền, Bác Hồ đã vạch rõ: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Bác Hồ chỉ rõ bản chất chế độ mới là dân chủ, tức là nhân dân làm chủ. Địa vị cao nhất là người dân, vì dân là chủ. Do đó, "Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật". Đây chính là sự khác biệt về bản chất giữa nhà nước của dân, do dân, vì dân do Đảng lãnh đạo so với bộ máy cai trị của thực dân, phong kiến trước đây.

PGS-TS Nguyễn Thế Thắng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/moi-quan-he-mau-thit-20190828224351139.htm