Mối quan hệ giữa hút thuốc lá và bệnh hen suyễn

Bạn có biết rằng đường hô hấp vốn nhạy cảm của người bị bệnh hen suyễn có thể bị kích thích chỉ với một chút mùi thuốc lá bám trên quần áo?

Hãy cùng tìm hiểm xem thuốc lá ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh hen suyễn và những việc bạn có thể làm để hạn chế tiếp xúc chủ động hoặc thụ động với khói thuốc lá.

Thuốc lá và hen suyễn

Hút thuốc lá thụ động rất có hại cho sức khỏe và thậm chí còn gây ra nhiều tác động xấu đến những người bị hen suyễn. Nếu bạn đang mắc bệnh, bất cứ thời điểm nào tiếp xúc với khói thuốc lá đều có thể dẫn đến việc cơn hen bộc phát. Thậm chí, việc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc cũng làm cho triệu chứng bệnh trở nên nặng hơn.

Thuốc lá không gây nên hen suyễn nhưng nếu tiếp xúc với khói thuốc theo hình thức cả trực tiếp lẫn gián tiếp đều có thể kích thích các triệu chứng bộc phát. Cơn hen cấp tính sẽ xảy ra khi đường dẫn khí của bạn bị kích ứng và viêm.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 90% trẻ em mắc bệnh hen suyễn sẽ kiểm soát bệnh tốt hơn khi trong gia đình không có thành viên nào hút thuốc. Tương tự đối với người lớn, nếu bệnh nhân hen suyễn không sử dụng thuốc lá thì kết quả điều trị có thể đạt được hiệu quả cao.

Tác hại của thuốc lá đối với thai phụ và trẻ em

Đối với bệnh hen suyễn, nếu mẹ hít khói thuốc lá thụ động trong thời gian mang thai, con sinh ra sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh suyễn. Phụ nữ có thai được khuyên không nên hút và tránh ngửi khói thuốc vì khói thuốc lá sẽ dẫn đến trẻ sinh nhẹ ký và làm tăng tỷ lệ tử vong ở thai nhi. Khi nói về nguy cơ ngửi khói thuốc lá khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý hô hấp, nhiều người cho rằng, đây là điều vô lý và không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ. Chính vì sự thiếu hiểu biết ấy mà có tới 70% trẻ phải lâm vào cảnh “hút thuốc lá thụ động” do ngửi khói thuốc lá.

Dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy có khuynh hướng tồn đọng trong phòng lâu hơn và có nồng độ của những chất độc (trong đó có cả chất gây ung thư) cao hơn so với dòng khói thuốc chính thở ra từ người hút. Vì thế, tác hại của tình trạng hít khói thuốc thụ động này thể hiện rõ nhất trên các bệnh lý hô hấp. Trẻ dưới 1 tuổi, là con của những người hút thuốc lá sẽ bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc.

Hơn nữa, có những nghiên cứu còn cho thấy nếu bố hoặc mẹ hút thuốc lá trong suốt những năm thơ ấu của con thì trẻ có thể bị hen suyễn trong tương lai. Tất cả các chuyên gia về hen suyễn đều nhận định thống nhất rằng, khói thuốc lá chính là yếu tố gây khởi phát cơn suyễn hàng đầu ở trẻ em và không thể điều trị suyễn tốt được nếu trẻ còn tiếp xúc với khói thuốc. Tiếp xúc với khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tai mạn tính và tiết dịch tai giữa. Viêm tai giữa không chỉ gây nên gánh nặng về kinh tế mà còn gây điếc cho trẻ. Điếc khi trẻ còn nhỏ rất dễ gây nên câm và không có khả năng học tập. Trẻ ở gần cha mẹ lúc hút thuốc khi lớn lên sẽ dễ mắc bệnh ung thư phổi, bệnh tim, đục thủy tinh thể.

Tất cả các bệnh nguy hiểm sẽ đến với trẻ khi trẻ buộc phải hít khói thuốc, các bậc cha mẹ cũng như người lớn nên suy nghĩ rất kỹ trước khi muốn châm một điếu thuốc. Đừng để những đứa trẻ là nạn nhân của những làn khói thuốc.

Một số gợi ý cho việc tránh tiếp xúc với khói thuốc

- Bỏ thuốc lá

- Không để thành viên nào trong gia đình hút thuốc ở nhà hoặc xe hơi

- Không để trẻ lại gần khi có người lớn đang hút thuốc

- Hạn chế đến những quán ăn hoặc cửa tiệm cho phép khách hàng hút thuốc

Ngoài ra, bạn có thể trang bị những loại thuốc có tác dụng nhanh cũng như các thiết bị hỗ trợ hô hấp như máy xông mũi họng tại nhà để chủ động hơn trong việc làm dịu khi cơn hen bộc phát.

PV

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/suc-khoe/moi-quan-he-giua-hut-thuoc-la-va-benh-hen-suyen.html