Mối quan hệ giữa hai ông Putin-Tập

Khi hai nhà lãnh đạo Nga-Trung muốn làm nổi bật mối quan hệ cá nhân của họ, Bắc Kinh và Moscow có thể sẽ càng phát triển mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn trong tương lai.

Theo SCMP, chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày của ông Tập Cận Bình tới Nga hồi đầu tháng này đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ rằng, có một tình anh em cấp cao giữa Trung Quốc và Nga đang diễn ra.

Ông Tập đã gọi Tổng thống Putin là một người bạn “cũ và tốt bụng”, đồng thời ông Tập cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Moscow đối với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, theo nhận định của ông Danil Bochkov, một học giả thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga.

Nga-Trung sẽ phát triển mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn trong tương lai. Ảnh: Tân Hoa Xã

Nga-Trung sẽ phát triển mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn trong tương lai. Ảnh: Tân Hoa Xã

Điều này được khẳng định trên thực tế rằng, Nga là nước mà ông Tập đã đến thăm nhiều nhất kể từ khi lên nắm quyền năm 2012. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau 31 lần trong suốt sáu năm qua. Chuyến thăm của ông Tập cũng trùng hợp với sự leo thang của thương chiến Mỹ-Trung và những căng thẳng vẫn đang tiếp diễn trong quan hệ Mỹ-Nga, chính những điều này đã thúc đẩy một số suy đoán về một liên minh chiến lược mới nổi giữa Bắc Kinh và Moscow nhằm chống lại Washington.

Nhưng có một thực tế là Nga và Trung Quốc đã liên tục xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược ít nhất là từ năm 2001, khi 2 nước này ký kết một hiệp ước “hữu nghị và hợp tác”. Giống như Tổng thống Putin đã từng nói: “Mối quan hệ Nga-Trung có thể đã đạt được đỉnh cao nhất trong lịch sử hai nước và đang tiếp tục phát triển”.

Câu nói này đã được nhắc đi nhắc lại kể từ đó, lần gần đây nhất khi ông Putin đã có cuộc gặp với ông Tập ở điện Kremlin, khi Tổng thống Nga nói rằng mối quan hệ đã ở mức “cao chưa từng thấy”. Chính những căng thẳng của Nga và Trung Quốc với Mỹ đã thúc đẩy hai nước này hợp tác chặt chẽ hơn về những lợi ích chiến lược chung.

Quan hệ Nga-Trung gần đây xuất hiện 2 xu hướng: Thứ nhất là sự kết hợp chậm rãi về những chính sách kinh tế, và thứ hai là sự ủng hộ lẫn nhau của Moscow và Bắc Kinh trong những vấn đề chính sách toàn cầu.

Nga-Trung thống nhất ủng hộ lẫn nhau trong những vấn đề chính sách toàn cầu. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tín hiệu rõ nhất của những chính sách kinh tế chính là việc giao thương giữa Nga-Trung đã đạt được mức kỷ lục 107 tỷ USD trong năm 2018. Và dù điều này có thể lý giải qua sự biến động của giá dầu, cũng như sản lượng nông sản Nga xuất khẩu sang Trung Quốc tăng, nhưng điều này cũng đã giúp 2 nước xích lại gần nhau hơn.

Trong thời điểm hiện tại, rất khó có thể tưởng tượng mức độ giao thương Nga-Trung sẽ đạt được 200 tỷ USD trong vài năm tới. Một phần là do cấu trúc giao thương 2 bên vẫn chưa ổn định, mặt khác Nga chủ yếu xuất khẩu tài nguyên khoáng sản sang Trung Quốc và cần nhiều lao động hơn nữa để có thể đa dạng hóa thương mại trong các lĩnh vực như nông sản và dịch vụ.

Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh gần đây đã tăng cường hợp tác về mặt năng lượng hạt nhân như thỏa thuận trị giá 16 tỷ USD (khoảng 372.000 tỷ VND) cho phép Tập đoàn năng lượng quốc doanh Rosatom của Nga xây dựng thêm 1 số lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Từ Đại Bảo tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Dự kiến những lò này sẽ lần lượt đi vào hoạt động trong năm 2021 hoặc 2022.

Ngoài ra, sự hỗ trợ lẫn nhau của Nga-Trung trong các vấn đề quốc tế cũng đã được ghi rõ trong những văn kiện được ký kết giữa lãnh đạo 2 nước hồi đầu tháng này. Văn kiện thứ nhất đề cập tới “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong một kỷ nguyên mới” và trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực như không gian, Bắc Cực, Internet và những sự cải cách.

Tổng thống Putin và ông Tập đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước. Ảnh: Tân Hoa Xã

Văn kiện thứ hai được ký kết có nội dung nói về tăng cường sự ổn định chiến lược trên toàn cầu trong kỷ nguyên mới và tập trung vào các vấn đề quốc tế, đồng thời tăng cường cách tiếp cận chung của Nga-Trung trong các vấn đề quan trọng như Iran, Venezuela, bán đảo Triều Tiên và sự phổ biến vũ khí hạt nhân.

Theo nhận định của ông Bochkov được SCMP trích dẫn, có thể thấy rõ rằng Nga-Trung sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị nhằm mục đích đối chọi lại trật tự toàn cầu do Mỹ thống trị. Mối quan hệ này sẽ không chỉ được xác định bởi sự hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ cao, vũ trụ, an ninh hay quản trị toàn cầu, mà còn bởi sự tăng cường nỗ lực thúc đẩy thương mại và đầu tư như một nền tảng cho mối quan hệ Moscow-Bắc Kinh trở nên sâu sắc hơn trong tương lai.

Tuấn Trần

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/moi-quan-he-giua-hai-ong-putin-tap-542152.html