Mối quan hệ 'có một không hai' giữa Nga và Thổ sẽ đi đến đâu?

Mâu thuẫn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu từ thời Nga Hoàng, đến nay hai bên đang duy trì mối quan hệ 'có mộ không hai', khi vừa hợp tác vừa xung đột.

Nhìn lại lịch sử 100 năm quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn đều là các cuộc chiến tranh, hai bên đã diễn ra 12 cuộc chiến, những mâu thuẫn không thể hòa giải giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là gì?

Xung đột chính giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là xung đột lợi ích địa chính trị. Đối với Nga, eo biển Bosphorus, “cổ họng” của tuyến đường chiến lược ra Địa Trung là huyết mạch trong hoạt động thông thương của mình. Cùng với đó, dãy núi Kavkaz và cao nguyên Armenia là lối đi quan trọng nhất để Nga tiến vào Trung Đông, 2 khu vực này có thể được sử dụng làm căn cứ chiến lược để Nga quản lý Trung Đông – khu vực có giá trị chiến lược không thể đánh giá thấp.

Eo biển Bosphorus là một trong những căn nguyên xung đột chính giữa Nga và Thổ. Nguồn: people.com.cn.

Eo biển Bosphorus là một trong những căn nguyên xung đột chính giữa Nga và Thổ. Nguồn: people.com.cn.

Nga hiện đang cố gắng giành lấy quyền sở hữu tại những khu vực chiến lược này, và vấn đề không thể tránh khỏi đó là việc xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quyền lợi sát sườn tại các khu vực này. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những xung đột không thể hòa giải giữa hai bên.

Nga – Thổ bắt buộc phải hợp tác vì những lợi ích chung

Mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua 100 năm xung đột và chiến tranh, nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, chuỗi lợi ích của hai nước đã dần dần gắn kết. Đối mặt với “thòng lọng” ngày càng chặt của phương Tây, cả 2 bên đều cảm thấy áp lực.

Nga vốn đang mắc kẹt sâu trong “trò chơi” Syria và Ukraine, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù có mối quan hệ không mấy êm đẹp với các nước láng giềng, nhưng không có đủ sức mạnh để tổ chức một cuộc chiến cục bộ quy mô lớn và chỉ có thể can thiệp ở cấp độ thấp hơn.

Quan trọng nhất, các chính trị gia của 2 nước đều nhận thấy, phương Tây và Mỹ đang có ý định “tọa sơn quan hổ đấu”, khi mà cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga “kiệt sức” sau các trận đấu lâu dài ở các khu vực chiến lược, Mỹ và phương Tây sẽ xuất hiện để tận hưởng thành quả. Trong bối cảnh đó, hợp tác đã dần trở thành một lựa chọn mới cho quan hệ giữa hai nước.

Việc xây dựng dự án đường ống khí đốt tự nhiên TurkStream là một mô hình hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Đường ống khí đốt tự nhiên ban đầu của Nga qua Ukraine đã bị ngăn chặn bởi sự mở rộng ảnh hưởng của NATO và NATO cũng hy vọng dự án Dòng chảy phương Bắc của Nga qua Đức cũng gặp nhiều trở ngại để kiềm chế sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Nga. Do đó, kế hoạch TurkStream ra đời như một biện pháp đối phó của Nga.

Thông qua dự án này, Moscow đã củng cố vị trí hàng đầu của mình trong thị trường năng lượng châu Âu, và dự án cũng làm cho Nga loại bỏ những hạn chế đối với các vấn đề đường ống khí đốt tự nhiên qua Ukraine và các nước Đông Âu khác. Hàng năm, Nga sẽ cung cấp hàng chục tỷ mét khối khí đốt tự nhiên cho Thổ Nhĩ Kỳ và EU thông qua TurkStream, điều này mang lại lợi ích lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thiếu năng lượng trầm trọng.

Hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ giới hạn trong dự án TurkStream. Trong lĩnh vực vũ khí, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phớt lờ cảnh báo về "lệnh cấm F-35" của NATO, Mỹ để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất. Mặt khác, Nga đã sử dụng hệ thống tình báo của riêng mình để cung cấp cho Tổng thống Erdogan thông tin về cuộc đảo chính ở quốc gia này năm 2016, điều này giúp Thổ Nhĩ Kỳ ổn định chế độ.

Trong “trò chơi” ở Libya, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn hỗ trợ cho 2 bên đối lập nhau, nhưng cả hai cuối cùng quyết định từ bỏ xung đột và chọn làm trung gian hòa giải cho quá trình nội chiến ở Libya. Tất cả các dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang dần tan băng và tiến tới một mức độ hợp tác cao hơn.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều xung đột lợi ích ở Syria. Nguồn: people.com.cn.

Xung đột trong hợp tác

Hai bên duy trì trạng thái cùng hợp tác và xung đột đây là điều khó có thể duy trì trong bối cảnh thế giới đa cực như hiện nay. Quan hệ hợp tác của hai bên được xây dựng dựa trên lợi ích cơ bản riêng của từng quốc gia mà không có lợi ích chung, điều này chắc chắn dẫn đến vấn đề xung đột trong hợp tác. Vấn đề này được phản ánh cụ thể nhất trên chiến trường Syria.

Tháng 11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của Nga và làm một số binh lính Nga thiệt mạng. Thời gian qua, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng tên lửa tấn công vào máy bay chiến đấu của Nga và quân đội Nga cũng sử dụng một lượng lớn thiết bị hạng nặng chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí còn có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự tham gia trực tiếp của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vào cái gọi là lực lượng vũ trang đối lập chiến đấu chống lại Nga ở Syria.

Gần đây, cuộc xung đột giữa các lực lượng Chính phủ Syria ở tỉnh Idlib và các chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã tiếp tục leo thang. Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ tiến hành một đợt tấn công mới vào lực lượng Chính phủ Syria, Nga ngay lập tức đưa ra cảnh báo và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt các hành động quân sự nhằm vào Quân đội Chính phủ Syria, đồng thời đẩy nhanh quá trình vây quét các lực lượng đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Trong một thời gian dài, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã “gươm súng sẵn sàng”, hai bên đã tiến hành điều chuyển quân và có xu hướng phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào lực lượng của nhau ở Syria. Những nhân tố này thể hiện mối quan hệ không mấy bền vững giữa hai bên ở Syria.

Tình trạng hợp tác và xung đột lẫn nhau như vậy khiến quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ càng thêm thăng trầm, điều này cũng cho thấy những thăng trầm của các “trò chơi” quốc tế. Cả chính phủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang hết sức tìm kiếm để tối đa hóa lợi ích cho đất nước của mình. Sự hợp tác giữa hai nước dựa trên lợi ích có thể đi xa đến đâu vẫn đang là điều mà cộng đồng quốc tế chờ đợi.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/moi-quan-he-co-mot-khong-hai-giua-nga-va-tho-se-di-den-dau-258734.html