Mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Học tập, nghiên cứu, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Lý luận như cái kim chỉ Nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”; "Làm mà không có lý luận thì không khác gì mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”.

Khẳng định vai trò của lý luận, Hồ Chí Minh chỉ rõ sự cần thiết phải biết liên hệ lý luận với thực tiễn trong công tác lãnh đạo, vì: “thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”, nên lý luận mà xa rời thực tiễn thì sớm muộn sẽ dẫn tới bệnh giáo điều, sách vở, nên mỗi người cán bộ lãnh đạo phải nắm chắc lý luận, đồng thời qua kinh nghiệm làm việc, phải hiểu rõ sự vận động của các quan điểm lý luận trong thực tiễn, qua đó dự báo được những biến đổi của tình hình, của nhiệm vụ cách mạng, từ đó mới có thể thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu)

Một trong những yêu cầu về phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu là phải nắm chắc lý luận, nhưng không được lý luận suông, mà phải có năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoản cảnh thực tế của nước ta”.

Người chủ trương “phải gắn lý luận với công tác thực tế”. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng phải xuất phát từ tình hình cụ thể, giải thích cho quần chúng hiểu và thực hiện các chủ trương, chính sách đó, như thế “lý luận mới không xa rời thực tế”.

Trong mọi công tác, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, người lãnh đạo có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, cần có sự vững vàng, không thay đổi trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc, đó là những vấn đề có tính chiến lược, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước là “bất biến, phải giữ vững như sắt đá”.

Trong bản Di chúc, Hồ Chí Minh đã nói lên mong muốn cuối cùng, cũng là mục tiêu chung của cuộc cách mạng là “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Tuy nhiên, con đường đi đến mục tiêu đó là con đường đấu tranh lâu dài, đầy khó khăn, gian khổ. Người đứng đầu, người lãnh đạo cần sáng suốt, tỉnh táo, nhạy bén để xác định sách lược, hình thức, biện pháp thực hiện trong những hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể, trong mỗi bước đi, mỗi bước tiến lên của cách mạng.

Bảo Thoa

(Bài viết có sử dụng tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/moi-quan-he-bien-chung-giua-ly-luan-va-thuc-tien-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-107615.html