Mới: Nhung hươu Hương Sơn chính thức được cấp chỉ dẫn địa lý

Ngày 20.3.2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố và trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn (Hà Tĩnh). UBND huyện Hương Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Chiều 20.3, tại Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Hương Sơn, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học Công nghệ Hà Tĩnh đã công bố, trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Hương Sơn" cho sản phẩm nhung hươu của huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh).

Đại diện Cục sở hữu trí tuệ, UBND tỉnh Hà Tĩnh trao giấy chứng nhận cho UBND huyện Hương Sơn.

Đại diện Cục sở hữu trí tuệ, UBND tỉnh Hà Tĩnh trao giấy chứng nhận cho UBND huyện Hương Sơn.

Ảnh: N. Duyên.

Theo đó, nhung hươu Hương Sơn được bảo hộ CDĐL trên phạm vi 32 xã, thị trấn thuộc huyện Hương Sơn. Theo giấy chứng nhận đăng ký CDĐL, danh tiếng của nhung hươu Hương Sơn được quyết định bởi tính chất đặc thù về điều kiện địa lý, quy trình kỹ thuật chăn nuôi.

Qua một số tài liệu, phương thuốc thì sản phẩm nhung hươu đã được sử dụng cách đây hàng trăm năm và hươu sao đã được con người thuần hóa cách đây hơn 300 năm...

Hươu được nuôi ở nhiều hộ dân tại huyện Hương Sơn. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Hươu sao là loại vật nuôi dễ thích ứng, mang lại giá trị kinh tế cao nên được người dân nuôi phổ biến trên địa bàn huyện Hương Sơn. Hiện nay, tổng đàn hươu Hương Sơn có khoảng 36.000 con, sản lượng nhung 15 tấn/năm. Trong đó, có 345 cơ sở chăn nuôi với quy mô trên 10 con, mỗi năm mang về nguồn thu từ 120 - 150 tỷ đồng.

Nhung hươu Hương Sơn chứa nhiều dưỡng chất, chất lượng nhung vượt trội so với các vùng miền trong nước và trên thế giới. Đây là loại nhung có hàm lượng vitamin và khoáng chất cao. Nhung tươi thường mập, có màu hồng phấn, nhung sấy khô có màu thẫm hoặc màu nâu cánh gián. Trọng lượng trung bình của mỗi cặp nhung tươi từ 0,8 - 1,7 kg.

Những cặp nhung hươu có giá bán hàng chục triệu đồng. Ảnh: N. Duyên.

Năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu thương hiệu cho “Hươu giống, nhung hươu Hương Sơn”. Năm 2017, huyện Hương Sơn đã xây dựng thành công hệ thống truy xuất nguồn gốc, do đó, giá bán lộc nhung hươu Hương Sơn trên thị trường tăng cao, nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh tìm về địa phương đặt mua các cản phẩm từ hươu, nâng tầm giá trị nhung hươu. Đồng thời, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài sản phẩm lộc nhung, các sản phẩm khác từ nhung hươu như: Cao hươu, hươu giống cũng mang lại nguồn thu nhập khá cho người chăn nuôi. Do đó, việc công bố chỉ dẫn địa lý với nhung hươu Hương Sơn đã mang lại niềm vui với chính quyền và người dân nơi đây.

Nhung hươu được thu hoạch từ tháng Giêng đến tháng tư (âm lịch). Để có thể cung ứng sản phẩm ra thị trường quanh năm, ngoài bảo quản nhung hươu tươi, các hộ chăn nuôi còn bào chế thành các sản phẩm: Rượu, cao nhung hươu, nhung hươu bột, nhung hươu tươi thái lát, nhung hươu ngâm mật ong.

UBND huyện Hương Sơn đang có kế hoạch mở rộng, tăng số hộ nuôi và phát triển quy mô nuôi từ 10 - 20 con/hộ, phấn đấu đạt 60.000 con vào năm 2020.

Luật sư Võ Ngọc Dao (Công ty luật ATD Lawyers ), người hỗ trợ các thủ tục tạo lập CDĐL cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn”, đoàn khảo sát đã thu thập các mẫu nhung hươu, thức ăn, đất, nước... để chứng minh tính khác biệt của sản phẩm.

Theo kết quả phân tích các mẫu nhung hươu và thức ăn cho thấy, chất dinh dưỡng có trong thức ăn là thành phần chính tạo nên chất lượng sản phẩm. Tại vùng nuôi hươu có rất nhiều cây cỏ sữa, cây ráng và cây bét bét, với hàm lượng protein, chất xơ cao. Hươu chủ yếu ăn các loại cây này mà không cần bổ sung thức ăn tinh. Nguồn nước của khu vực rất tinh khiết và trong lành.

Đại diện các hộ gia đình, các HTX chăn nuôi hươu nhận giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Ảnh: N. Duyên.

Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn nói: "Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu sâu hơn về giá trị của nhung hươu đối với sức khỏe con người, hoặc các bài thuốc, cách dùng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, qua đó, kêu gọi đầu tư, phát triển các công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu. Hiện nay, hươu sao đang được xem xét đưa ra khỏi danh mục động vật rừng thông thường, bổ sung vào danh mục giống vật nuôi nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu".

Đến nay, Hà Tĩnh đã có hai sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý là bưởi Phúc Trạch (Hương Khê) và nhung hươu Hương Sơn.

Nguyễn Duyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/moi-nhung-huou-huong-son-chinh-thuc-duoc-cap-chi-dan-dia-ly-964995.html