Mồi nhử chấp thuận

Ngày 30.9 này, cử tri Macedonia được kêu gọi tham gia cuộc trưng cầu dân ý về quốc hiệu mới của đất nước.

Người Macedonia biểu tình ủng hộ việc đổi tên quốc gia vào ngày 16.9. Ảnh: Foreign Policy.

Năm 1991, khi trở thành quốc gia độc lập từ sự tan rã của Liên bang Nam Tư, Macedonia lấy quốc hiệu là nước Cộng hòa Macedonia, gọi tắt là Macedonia. Hy Lạp phản đối quyết liệt nhất với lý do là cái quốc hiệu kia của nước láng giềng phương bắc hàm chứa những đòi hỏi và yêu cầu về chủ quyền lãnh thổ.

Xưa kia ở nơi này đã từng có đế chế Macedonia. Lãnh thổ của đế chế xa xưa ấy giờ được phân chia cho Macedonia, Hy Lạp, Bulgaria và Albania. Ở Hy Lạp có hẳn một vùng rộng lớn với tên gọi hành chính là Makedonia, gốc tiếng Hy Lạp của tên Macedonia. Hy Lạp cho rằng, tên Macedonia có gốc từ tiếng Hy Lạp nên Macedonia phải thuộc về Hy Lạp. Giữa hai nước này bùng phát cuộc tranh chấp cái tên kia.

Hy Lạp chỉ đồng ý cho Macedonia gia nhập Liên Hợp Quốc với tên gọi nước Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư trước đây. Hy Lạp phủ quyết việc EU và NATO kết nạp Macedonia cũng vì cuộc tranh chấp tên gọi này.

Bao năm qua, cả Liên Hợp Quốc lẫn EU đều nỗ lực trung gian hòa giải giữa Hy Lạp và Macedonia nhưng đều không thành công. Mới rồi, Hy Lạp và Macedonia đạt được thỏa thuận là Macedonia sẽ sử dụng quốc hiệu “Bắc Macedonia”. Cử tri Macedonia giờ được yêu cầu thể hiện thái độ chấp thuận hay bác bỏ thỏa thuận ấy.

Cái tên này luôn rất nhạy cảm về phương diện chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở cả hai phía nên sự chống phá thỏa thuận này ở cả hai phía đều rất lớn. Vì thế, chính phủ Macedonia đã dùng thủ pháp kỹ thuật chính trị để lách, dùng cách ngoắt ngoéo chứ không trực tiếp.

Cụ thể là câu hỏi cho cuộc trưng cầu dân ý không phải là chấp nhận hay bác bỏ thỏa thuận mà là có đồng ý hay không đồng ý gia nhập EU và NATO bằng cách chấp nhận thỏa thuận giữa Hy Lạp và Macedonia, tức là dùng việc được kết nạp vào EU và NATO làm mồi nhử. Chắc chắn sẽ có đa số cử tri Macedonia bỏ phiếu thuận. Nhưng tỉ lệ cử tri tham gia trưng cầu dân ý có vượt quá mức 50% để kết quả cuộc trưng cầu dân ý có giá trị pháp lý hay không lại là chuyện khác.

Hạ Lang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/moi-nhu-chap-thuan-633363.ldo