Mối nguy với kinh tế toàn cầu

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang; đàm phán Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu) bế tắc; các chỉ số và dự báo kinh tế của châu Âu, Mỹ, Trung Quốc ảm đạm... là những dấu hiệu cho thấy 'mây đen u ám' đang đe dọa triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Sau khi cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung Quốc “tăng nhiệt”, tuần qua, giới chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD)... đã đưa ra các nhận định và dự báo bi quan về kinh tế toàn cầu. Hôm 23-5, nhà kinh tế trưởng của IMF G.Gopinath và một số cộng sự cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ “gây nguy hại” cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019, mà còn làm suy yếu niềm tin cũng như đẩy giá tiêu dùng tăng cao. Theo các chuyên gia kinh tế của IMF, thiệt hại kinh tế còn tồi tệ hơn nếu ông chủ Nhà trắng áp mức thuế cao nhất đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, vì điều đó sẽ làm giảm khoảng một phần ba GDP toàn cầu trong ngắn hạn.

Trước đó, OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ mức 3,3% xuống 3,2%. Trong báo cáo chỉ số triển vọng thương mại thế giới vừa công bố, WTO cho biết, bước vào quý II-2019, chỉ số về thương mại hàng hóa thế giới vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Chỉ số về thương mại hàng hóa thế giới vẫn ở mức 96,3, thấp hơn mức cơ bản 100, và vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2010. Các chỉ số dưới ngưỡng 100 là dấu hiệu cho thấy xu hướng thương mại tăng trưởng thấp. WTO cảnh báo triển vọng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục đi xuống nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Một loạt khó khăn, thách thức khác cũng đang cản bước đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Căng thẳng Mỹ - Iran gần đây khiến giá dầu nhiều phiên tăng cao và nguy cơ chiến tranh nổ ra ở vùng Vịnh đã gây tác động tiêu cực đến các thị trường tài chính cũng như tâm lý của giới đầu tư. Tiến trình Brexit vẫn mắc kẹt tại Hạ viện Anh và nguy cơ Anh rời Liên hiệp châu Âu - EU không có thỏa thuận đang gây tổn hại cho cả kinh tế Anh và EU. Trong khi đó, nguy cơ tái khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn hiện hữu khi nợ công của nhiều quốc gia từ Mỹ đến Trung Quốc, các nước thành viên EU... đã ở mức báo động.

Các số liệu thống kê và dự báo về các nền kinh tế lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc gần đây đều cho thấy triển vọng bức tranh kinh tế thế giới với gam mầu tối là chủ đạo. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) trong tháng 3-2019 giảm xuống 47,6 điểm, so với mức 49,3 điểm trong tháng 2. Chỉ số giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 3-2019 chỉ tăng 1,4%, so với mức 1,5% của tháng trước đó. Lạm phát lõi (không tính các mặt hàng dễ biến động như năng lượng và thực phẩm) là 0,8%. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang đình trệ tại Eurozone.

Ủy ban châu Âu (EC) trong báo cáo dự báo hằng quý mới nhất, đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm nay chỉ đạt mức 1,2%, thấp hơn dự báo mà EC đưa ra trước đó là 1,3%. Cơ quan này nhận định, các yếu tố bên ngoài như sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ đã tác động tiêu cực đến lòng tin toàn cầu và cản bước tăng trưởng kinh tế Eurozone.

Kinh tế Trung Quốc cũng giảm tốc trong các quý gần đây và trong báo cáo vừa công bố, OECD dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này giảm hai năm liên tiếp xuống còn 6,2% và 6%. OECD nhận định, kinh tế Mỹ trong năm nay và năm 2020 tăng trưởng lần lượt ở mức 2,8% và 2,3%.

Trong bối cảnh “mây đen u ám” bao trùm kinh tế toàn cầu, các số liệu và thống kê của giới phân tích cần được xem là những “hồi chuông cảnh tỉnh” các chính phủ cần hành động khẩn cấp để phục hồi tăng trưởng kinh tế, xây dựng “kịch bản” đối phó các thách thức trong hiện tại và tương lai. Đồng thời, khẩn trương đối thoại, giải quyết bất đồng bằng thương lượng, đàm phán nhằm “hạ nhiệt” một số điểm nóng đang tác động tiêu cực đến thế giới.

THĂNG LONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40306902-moi-nguy-voi-kinh-te-toan-cau.html