Mối nguy tiềm ẩn từ đồ nướng vỉa hè

Nầm nướng, thịt xiên nướng, chân gà nướng... là những món ăn vỉa hè dù không mới nhưng cũng không thể thiếu trong những ngày mùa đông ở Hà Nội. Tuy nhiên, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quá trình sơ chế qua loa, khâu vệ sinh dụng cụ tạm bợ... là những mối nguy hại tiềm ẩn từ đồ nướng vỉa hè.

Mập mờ nguồn gốc, xuất xứ

Vào thời điểm giáp Tết, tại nhiều địa bàn trên cả nước, cơ quan chức năng đã bắt giữ không ít vụ vận chuyển nội tạng động vật không có giấy tờ nguồn gốc, thậm chí bốc mùi hôi thối đang trên đường tiêu thụ. Mới đây, tại một căn nhà trọ trên địa bàn phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 1 tấn đùi gà tây bốc mùi hôi thối đang sơ chế để bán ra thị trường. Tất cả số đùi gà này đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra một container chở thực phẩm và phát hiện gần 12 tấn nội tạng động vật chủ yếu là lòng lợn, mật lợn đã bốc mùi hôi thối. Theo khai nhận của tài xế, toàn bộ số nội tạng đang trên đường vận chuyển đến các điểm tiêu thụ tại Hà Tĩnh và Hà Nội...

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo Công tác an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố cho biết, đến hẹn lại lên, vào quý cuối của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ tết. Các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn như ngộ độc từ rượu “rởm”, mứt Tết dùng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc... Bên cạnh nguy cơ thực phẩm mất an toàn do các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” thì hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng cũng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng hoặc nhiễm bệnh được tuồn vào thị trường.

Những tác hại khôn lường

Quận Nam Từ Liêm vừa triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về ATTP dịch vụ ăn uống đồ nướng trên địa bàn quận. Qua thanh tra tại 50 cơ sở, lấy mẫu, kiểm nghiệm về chất gây ung thư, tỷ lệ dương tính lên đến 11,8%. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cảnh báo, trong quá trình nướng ở nhiệt độ trên 500oC, đồ nướng trên bếp gas, than, điện... đều sản sinh ra hợp chất PAH (hydrocarbon đa vòng PAH - Polycyclic Aromatic Hydrocarbon). Ngoài ra, trong quá trình nướng thực phẩm giàu protein ở nhiệt độ cao trên 650oC còn sản sinh ra thêm các amin dị vòng và hydrocarbon thơm đa vòng. Trên thực nghiệm, các chất này có khả năng gây đột biến gen và từ đó làm tăng nguy cơ ung thư. Chính vì vậy, nếu ăn nhiều đồ nướng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nội tạng động vật và các loại thịt, cá chúng ta ăn hằng ngày cần bảo quản đúng cách để bảo đảm an toàn, đồng thời vẫn giữ được độ tươi ngon. Việc vận chuyển các thực phẩm này cần có tủ trữ lượng cấp đông đúng quy trình, tránh gây hư hại, nấm mốc. Khi sử dụng các loại thực phẩm có dấu hiệu bốc mùi hay nấm mốc rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại (như Salmonella, E.Coli, Listeria monocytogenes hay tụ cầu trùng...) gây ngộ độc thực phẩm, nôn ói, tiêu chảy...

Còn theo bà Hoàng Thị Minh Thu, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, các quán đồ nướng vỉa hè thường có cơ sở vật chất tạm bợ, nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm. Trong khi đó, các món đồ nướng như chân gà, nội tạng... là những nguyên liệu đòi hỏi phải sơ chế thật sạch, nếu làm qua loa, những loại ký sinh trùng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể, gây nên một số loại bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, tả, viêm gan, thương hàn... Cùng với đó, thời tiết chuyển mùa đông - xuân với đặc trưng mưa phùn ẩm ướt cũng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng.

Làm gì để giảm nguy cơ ngộ độc?

Để giảm nguy cơ ngộ độc có nguyên nhân từ thức ăn đường phố, ông Trần Văn Chung cho biết, hiện nay ở 30/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở. Chính vì vậy, lực lượng chức năng chuyên ngành ATTP ở các địa phương cần nâng cao trách nhiệm và tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, kiên quyết xử lý các hành vi, đối tượng vi phạm ATTP. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân nên thận trọng với thức ăn đường phố. Khi chưa chắc chắn về chất lượng thực phẩm, người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm tại những nơi không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, khi phát hiện những cơ sở không bảo đảm ATTP, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn vi phạm.

Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, khi sử dụng thực phẩm nướng cần chú ý cắt bỏ phần bị cháy, không ăn thực phẩm nướng cháy đen, quá vàng cũng như quá cứng. Lúc nướng cần chú ý thời gian nướng và điều chỉnh nhiệt độ thích hợp, dụng cụ nướng cũng cần bảo đảm vệ sinh, an toàn. Cách tốt nhất là sử dụng bếp nướng halogen ánh sáng, hoặc là lò nướng chân không đa năng, sử dụng hơi nóng để nướng chín thực phẩm. Các loại bếp này không sản sinh ra khí độc hại cho môi trường xung quanh. Nên hạn chế nhiệt độ của lò nướng, khoảng từ 300 - 500oC. Khi sử dụng đồ nướng, mỗi người chỉ nên ăn vừa phải. Sau khi ăn đồ nướng, nên ngưng ăn món này một đến vài tuần để thải hết độc tố ra khỏi cơ thể.

Phương Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/953938/moi-nguy-tiem-an-tu-do-nuong-via-he