Mối nguy hiểm từ những cục máu đông

Tắc động mạch phổi hay còn gọi là thuyên tắc mạch phổi là hiện tượng tắc động mạch phổi chính hoặc một trong những nhánh của nó. Tử vong do tắc động mạch phổi lên tới 30% nếu bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Không thể chủ quan với những cục máu đông xuất hiện trong các mạch máu

Không thể chủ quan với những cục máu đông xuất hiện trong các mạch máu

Nhận diện bệnh

Bác sĩ Nguyễn Anh Quân, khoa Q3B, Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tắc động mạch phổi là tình trạng xảy ra khi một hay nhiều cục máu đông di chuyển theo dòng máu và bị kẹt trong động mạch phổi. Các cục máu đông này đa phần di chuyển từ những bộ phận khác của cơ thể đến phổi, trong đó nhiều nhất là từ các tĩnh mạch sâu ở chân gọi là huyết khối tĩch mạch sâu. Các nguyên nhân gây ra cục máu đông là tốc độ máu chảy chậm, mạch máu bị tổn thương, máu đông nhanh do nhiều yếu tố.

Khi mạch phổi bị các cục máu đông chặn, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu vượt chướng ngại vật gây nên tăng áp lực trong các mạch máu. Người bị tắc động mạch phổi khiến khí huyết ngưng tụ, các cục máu đông chèn ép dây thần kinh phổi sau đó lên hệ thần kinh trung ương, dễ gây ra tình trạng nhồi máu não và có thể tử vong nhanh chóng.

Có hai loại tắc động mạch phổi là cấp và mãn tính. Tắc động mạch phổi cấp tính điển hình thường có triệu chứng biểu hiện dồn dập. Tắc động mạch phổi mạn tính có triệu chứng biểu hiện từ từ thường là khó thở tăng dần. Thời gian từ nửa tháng đến vài năm tùy theo mức độ.

Tắc động mạch phổi có triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, thường thay đổi. Đây là bệnh thường gặp nhưng khó chẩn đoán vì dễ nhầm với các bệnh khác. Tắc động mạch phổi được xếp vào nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trong nhóm nguyên nhân tử vong do bệnh tim mạch tại các nước đang phát triển. Bệnh không ngoại trừ ai và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguy cơ gây huyết khối

Tắc động mạch phổi có thể xảy ra ở những người khỏe mạnh. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau nhưng thường đến bất ngờ. Khó thở là dấu hiệu hay gặp nhất. Khi xuất hiện triệu chứng khó thở đột ngột hoặc dần dần kèm theo các cơn ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu không giải thích được cho dù cơ thể đang hoạt động hay đang nghỉ ngơi.

Ngoài ra, những biểu hiện khác như xuất hiện những cơn đau ngực với kiểu đau nhói như bị đâm, những cơn đau dồn dập giống như đau tim nhất là khi ăn, uống hay hít thở sâu. Bệnh nhân có những biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh không đều, mạch yếu, phổi có ran, tĩnh mạch cổ nổi, choáng váng, ngất xỉu kèm theo gần đây xuất hiện tình trạng sưng bắp chân, đùi, đau cánh tay, tâm trạng lo lắng, căng thẳng. Trong trường hợp nặng bệnh nhân có thể suy tim đột ngột và tử vong tức thì.

Theo bác sĩ Quân, tắc động mạch phổi là biến chứng phổ biến và nguy hiểm ở những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Mà huyết khối tĩnh mạch sâu lại được hình thành trực tiếp do các cục máu đông lưu thông trong lòng mạch. Bệnh tắc động mạch phổi xảy ra ở hầu hết các độ tuổi.

Có thể chia thành 3 nhóm chính: Nhóm thứ nhất xảy ra với những người bị bệnh phải phẫu thuật. Khi bệnh nhân mổ, thời gian gây mê toàn thân dài, lại phải nằm bất động nhiều ngày sau phẫu thuật có nguy cơ cao xuất hiện những cục máu đông. Đối với những người tuổi cao, ít vận động, hay những người trải qua cơn đau tim, đột quỵ, chấn thương, những người làm việc trong điều kiện phải đứng, ngồi lâu hoặc đi tàu, xe, máy bay đường dài trong nhiều giờ đồng hồ cũng dễ hình thành huyết khối.

Nhóm thứ hai là bệnh nhân có tổn thương mạch máu khi tiêm chích và các bệnh lý làm tăng đông máu như bệnh về thận, tim, tăng huyết áp, bệnh thiếu hụt yếu tố đông máu… Các bệnh ung thư như tuyến tụy, buồng trứng, phổi… có thể làm tăng mức độ của những chất giúp đông máu. Phụ nữ trong thời gian thai kỳ cũng dễ hình thành những cục máu đông do trọng lượng thai nhi đè lên các tĩnh mạch làm cản trở việc lưu thông máu.

Nhóm thứ ba là những người hút thuốc nhiều, thừa cân, béo phì, rối loạn đông máu do di truyền cũng có thể có nguy cơ tắc động mạch phổi.

Lời khuyên của bác sĩ

Nếu không được phát hiện và xử trí sớm, tắc động mạch phổi có tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Ngược lại nếu được chẩn đoán và điều trị phù hợp tỷ lệ tử vong giảm còn 2 - 8%. Với bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, tỷ lệ tử vong là 100%; khi có dấu hiệu sốc, tỷ lệ tử vong cũng rất cao có thể lên đến 60% và đòi hỏi phải được chẩn đoán nhanh chóng, điều trị kịp thời theo phác đồ.

Bác sĩ Nguyễn Anh Quân khuyến cáo, mọi người cần xây dựng cho mình chế độ sinh hoạt khoa học hợp lý. Chế độ dinh dưỡng khoa học, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước, kiểm soát cân nặng, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá hay tiếp xúc với môi trường khói thuốc.

Đối với những người làm việc trong điều kiện phải đứng, ngồi lâu như giáo viên, thợ may, thợ cắt tóc… hay những người đi tàu xe, máy bay thời gian lâu thì nên dùng vớ ép, vận động tại chỗ.

Những bệnh nhân bị tổn thương nội mô như tai biến mạch máu não, viêm ruột thừa, mổ đẻ… phải nằm bất động nhiều ngày, thường các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm thuốc chống đông và vật lý trị liệu trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, người thân khi chăm sóc cho bệnh nhân cần lưu ý xoa bóp, vận động, giúp bệnh nhân rời giường nằm càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ hình thành những cục máu đông.

Để ngăn ngừa việc hình thành những cục máu đông dẫn tới tắc động mạch phổi hãy kiểm soát bệnh bằng việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Ngoài việc phòng ngừa thì chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tắc động mạch phổi sẽ làm cho tình trạng bệnh bớt tồi tệ hơn và thoát nguy cơ tử vong. Khi thấy cơ thể có các triệu chứng bất thường đặc biệt về hô hấp cần đến bệnh viện ngay để khám và điều trị kịp thời. Trường hợp nghiêm trọng bệnh nhân bị thuyên tắc mạch phổi, đe dọa đến tính mạng thì phẫu thuật là lựa chọn cần thiết.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/moi-nguy-hiem-tu-nhung-cuc-mau-dong-3960486-b.html