Mỗi người Việt Nam có tới 10 năm sống với bệnh tật

Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.

Bộ Y tế đang đề xuất xây dựng Luật dự phòng và kiểm soát bệnh tật. Theo Bộ Y tế, người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. ẢNH: P. THẢO

Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. ẢNH: P. THẢO

Cả nước hiện có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản, mỗi năm có khoảng 125.000 ca mắc mới ung thư. Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các BV, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, do bệnh phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng và kinh tế của nhiều hộ gia đình.

Môi trường sống ở Việt Nam nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải sinh hoạt, sản xuất, bên cạnh đó ở một số vùng khó khăn nhiều hộ gia đình còn chưa tiếp cận được với các điều kiện vệ sinh cơ bản như nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh… Các vấn đề này đã tác động trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người dân và cộng đồng.

Cũng theo Bộ Y tế, ngoài những nguyên nhân khách quan thì ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế. Nhiều hành vi có lợi cho sức khỏe chưa được người dân quan tâm và thực hiện thường xuyên dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gia tăng các bệnh tật..

Đáng quan tâm, nhận thức của người dân tại một số nơi về bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm còn nhiều hạn chế, chưa tuân thủ các quy định, các khuyến cáo của cơ quan y tế về vệ sinh phòng bệnh.

Sự hợp tác của người dân trong các hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm còn thấp, chỉ có 20,5% cán bộ được hỏi cho rằng hầu hết người dân đã tự giác khai báo dịch và có tới 71,8% cán bộ được hỏi cho rằng chỉ 1 số ít người dân thực hiện và có 7,7% cán bộ được hỏi cho rằng hầu hết người dân không thực hiện.

Hiện, hệ thống pháp luật về phòng bệnh mới chỉ đề cập chủ yếu đến phòng, chống các bệnh truyền nhiễm và bảo đảm an toàn thực phẩm mà chưa đề cập đến việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm cũng như vấn đề sử dụng thực phẩm một cách khoa học.

Còn hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh lại chủ yếu tập trung vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong khuôn viên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chưa đề cập đến các hoạt động can thiệp như khám dự phòng, quản lý sức khỏe tại cộng đồng. Bên cạnh đó, chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm tư vấn sức khỏe cho các đối tượng không phải là người có bệnh nhưng có nhu cầu được tư vấn.

Bên cạnh đó, pháp luật về dân số hiện hành chưa quy định cụ thể về các biện pháp nâng cao chất lượng dân số và trong dự án Luật Dân số dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2018) cũng chủ yếu đề cập đến các biện pháp nâng cao chất lượng dân số dưới giác độ y tế như tầm soát bệnh trước sinh, trước hôn nhân… chứ chưa đề cập đến các nội dung chăm sóc sức khỏe mang tính xã hội.

Để nâng cao sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế cho rằng, ban hành Luật về dự phòng và kiểm soát bệnh tật là hết sức cần thiết để tạo ra một hành lang pháp lý cho việc dự phòng, kiểm soát bệnh tật trong giai đoạn hiện nay. Bộ Y tế dự kiến trình Chính phủ cho ý kiến vào tháng 6-2019 và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019).

Dự thảo Đề cương Dự luật gồm 10 chương, 89 Điều, quy định về phòng bệnh và nâng cao sức khỏe; bảo vệ sức khỏe; kiểm soát bệnh truyền nhiễm; kiểm soát bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe; thông tin giáo dục, truyền thông về dự phòng và kiểm soát bệnh tật; các điều kiện bảo đảm.

Trong đó, sẽ quy định rõ chính sách của Nhà nước về dự phòng và kiểm soát bệnh tật, các hành vi bị nghiêm cấm; quy định về dinh dưỡng; kiểm soát các yếu tố nguy cơ trong môi trường tác động đến sức khỏe cộng đồng, kiểm soát yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích, về sức khỏe trong trường học; trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, của thầy thuốc, người bệnh... trong phòng bệnh truyền nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2012 cả nước có khoảng 520.000 ca tử vong các loại trong đó 73% là tử vong là do bệnh không lây nhiễm, tức là cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là các bệnh tim mạch (33%), ung thư (18%), đái tháo đường (3%) và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (7%).

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/moi-nguoi-viet-nam-co-toi-10-nam-song-voi-benh-tat-108619.html