Mỗi người phải là một chiến sĩ chống dịch

Dịch bệnh lại bùng phát, người nhiễm bệnh lây lan trong cộng đồng đã tăng nhanh. Suốt 1 năm qua chúng ta đã chiến đấu với một bóng ma vô hình mang tên COVID-19.

Trớ trêu thay nó lại đến trong những ngày cả nước đang diễn ra Đại hội XIII - dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, dân tộc, đất nước; những ngày tất cả chúng ta đang hồ hởi đón một mùa xuân mới.

Sự phản ứng nhanh nhạy, kịp thời của hệ thống chống dịch ở Quảng Ninh, Hải Dương đã cho thấy tính chủ động, phòng ngừa của các địa phương chưa bao giờ bị bỏ ngỏ. Ban chỉ huy tiền phương chống dịch đã họp xuyên đêm với mục tiêu cao nhất là khoanh vùng, dập dịch, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhà nước và nhân dân.

Cuộc chiến nào cũng phải có những thiệt hại, tổn thất. Chúng ta làm tốt không có nghĩa vĩnh viễn chúng ta không thể bị tổn thương. Với sức lực và điều kiện của quốc gia mình, chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất có thể chứ không bao giờ tuyên bố đảm bảo 100% không có người nhiễm mới.

Khó khăn là khó khăn chung, thiệt hại là thiệt hại chung. Dịch bệnh thì ta ăn Tết kiểu dịch bệnh, giãn cách thì ta vui Xuân kiểu giãn cách.

Khi những người bằng tuổi chúng ta phải xa gia đình xông vào tâm dịch làm nhiệm vụ, đội ngũ lãnh đạo ban ngành, các y bác sĩ, công an, quân đội, tình nguyện viên, tiếp viên hàng không... sẵn sàng bước vào trận chiến mới, với tinh thần quyết tâm cao nhất, thì đâu đó lại có một bộ phận ngồi ở nhà lên mạng buông nhẹ chữ “toang” kèm vài lời than thở...

“Toang rồi”, “Mất Tết rồi”,... có thể là những câu đùa hoặc chỉ là những câu cảm thán mang tính phong trào trên Facebook, nhưng nó phát tán một loại năng lượng tiêu cực không giúp ích gì cho cộng đồng...

Mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài. Thực hiện tốt hơn nữa các khuyến cáo về phòng dịch. Tự giác ở yên trong nhà và kịp thời báo cáo về đường dây nóng của địa phương những vấn đề bất thường liên quan đến dịch bệnh.

Chúng ta không chỉ có Quảng Ninh, Hải Dương mà có tận 63 quê hương như thế. Dịch bệnh với tính phức tạp vốn có của nó có thể tiếp tục lan rộng ra nhưng tất cả hãy tin rằng chúng ta không hề bất hạnh, không hề cô độc khi là người Việt Nam. Đồng bào mình đã có ai bị bỏ rơi khi không may mắc bệnh đâu?

Chúng ta có thể bớt vui mấy ngày Tết vì không được tụ tập, ăn chơi, nhưng hãy nhớ có những người suốt 1 năm qua hết ra lại vào các khu cách ly hỗ trợ đồng bào mình chữa bệnh, suốt 1 năm thường xuyên phải nhìn người thân qua màn hình điện thoại. Mỗi người hy sinh một chút và đừng than thở vì như thế là ích kỷ vô cùng. Bớt vui Tết này để đất nước mình mãi Tết về sau...

ThS. Nguyễn Quốc Khánh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/moi-nguoi-phai-la-mot-chien-si-chong-dich-n186377.html