Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo

Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 24). Nguyên tắc hiến định này tiếp tục được khẳng định tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo (LTNTG). Đồng thời, Luật này cũng đã bổ sung quy định về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Theo đó, tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận (Điều 30).

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới như giảm thời gian hoạt động tôn giáo ổn định, liên tục để công nhận tổ chức tôn giáo từ 23 năm xuống còn 5 năm; việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo chỉ coi là nhu cầu của người dân, không được coi là điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo; bổ sung nội dung phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” (Điều 64). Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 164 BLHS.

Pháp luật Việt Nam quy định việc tham gia nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ của công dân (Điều 45 Hiến pháp) và hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 10 Luật Nhĩa vụ quân sự). Do đó, ở Việt Nam không có người từ chối phục vụ quân đội vì lý do lương tâm, tín ngưỡng, tôn giáo.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, với sự hiện diện của các tôn giáo được truyền vào từ bên ngoài và các tôn giáo được hình thành trong nước. Có 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có khoảng 24,3 triệu tín đồ (so với khoảng 20 triệu người năm 2009), gần 83.000 chức sắc. Tính trên cả nước có khoảng 27.900 cơ sở thờ tự và 53 trường đào tạo chức sắc tôn giáo. Quyền tự do thực hành tôn giáo, tham gia các sinh hoạt tôn giáo của những người theo tôn giáo được tôn trọng và bảo đảm. Hàng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức. Nhiều cơ sở thờ tự được cải tạo hoặc xây mới. Hiện nay ở Việt Nam có 41 tổ chức thuộc 15 tôn giáo đã được Nhà nước Việt Nam công nhận và cấp đăng ký hoạt động.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì và mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo tại nước ngoài. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo… đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước, đồng thời có quan hệ quốc tế rộng rãi; đại diện chức sắc các tôn giáo tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, trao đổi giáo lý, giáo luật tại các diễn đàn lớn như ASEM, ASEAN… Trong giai đoạn 2004 – 2016, có gần 1.500 lượt chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo ra nước ngoài tham gia khóa đào tạo về tôn giáo, tham gia hội nghị, hội thảo với các tổ chức quốc tế về tôn giáo.

Trong giai đoạn 2004 - 2016, Nhà xuất bản Tôn giáo đã xuất bản được hơn 11.000 xuất bản phẩm tôn giáo với số lượng 32.711.834 bản in. Kinh thánh song ngữ tiếng Việt – Banar/Êđê/Jrai/Kơho/Bru/Mnông đã được phát hành để đáp ứng nhu cầu của người dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành. Kinh sách Phật giáo bằng tiếng Khmer được nhập khẩu để phục vụ đào tạo chức sắc và sinh hoạt tôn giáo của người dân tộc Khmer.

Đối với các cộng đồng các dân tộc thiểu số, quyền tự do và bình đẳng về tôn giáo được Nhà nước bảo vệ và hỗ trợ phát triển. Ở Việt Nam, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không có tôn giáo nào được coi là quốc giáo. Các cơ sở đào tạo về tôn giáo, cơ sở đại diện cộng đồng để hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo được thành lập như Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer, Ban đại diện cộng đồng của người Chăm theo đạo Hồi, đạo Bà-La-Môn.

Tổ chức tôn giáo được tổ chức quyên góp, nhận tài sản hiến, tặng, cho trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo Việt Nam nếu có nhu cầu sẽ được Nhà nước cấp đất sử dụng vào mục đích tôn giáo và không phải nộp thuế sử dụng đất. Thời gian qua chính quyền các cấp đã cấp đất có diện tích lớn cho nhiều tổ chức để sử dụng vào mục đích tôn giáo, như cấp 15ha đất để xây dựng Trung tâm hành hương La Vang tại tỉnh Quảng Trị, giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh Thần học, Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam được cấp 6.000m2 để xây trụ sở mới…

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/moi-nguoi-deu-co-quyen-tu-do-tu-tuong-tu-do-tin-nguong-va-ton-giao-166920.html