Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân

Quyền tự do thân thể, không bị bắt, giam giữ tùy tiện, trái pháp luật là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, được nhân loại thừa nhận tại Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (UDHR) năm 1948: 'Không ai bị bắt, giam giữ hay lưu đày một cách tùy tiện' (Điều 9). Quy định này được cụ thể và chi tiết hóa tại Điều 9 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966.

Theo đó, mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp đã quy định.

Bất kỳ người nào bị bắt giữ đều phải được thông báo vào lúc bị bắt những lý do họ bị bắt và phải được thông báo không chậm trễ về sự buộc tội đối với họ.

Bất cứ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ vì một tội hình sự phải được sớm đưa ra tòa án hoặc một cơ quan tài phán có thẩm quyền thực hiện chức năng tư pháp và phải được xét xử trong thời hạn hợp lý hoặc được trả tự do. Việc tạm giam một người trong thời gian chờ xét xử không được đưa thành nguyên tắc chung, nhưng việc trả tự do cho họ có thể kèm theo những điều kiện để bảo đảm họ sẽ có mặt tại tòa án để xét xử vào bất kỳ khi nào và thi hành án nếu có tội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu được xét xử trước tòa án, nhằm mục đích để tòa án đó có thể quy định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả lại tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp.

Bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ bất hợp pháp đều có quyền được yêu cầu bồi thường.

Để giải thích thêm cho các quy định tại Điều 9 của ICCPR, Bình luận chung số 8 nhấn mạnh một số điểm như sau:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 9 áp dụng đối với mọi đối tượng bị tước tự do, bao gồm cả người bị giữ, giam vì hành vi phạm tội, do tâm thần, nghiện ma túy hay phục vụ mục đích giáo dục, kiểm soát nhập cư.

Thứ hai, thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định tại khoản 3 Điều 9 phụ thuộc vào pháp luật của các quốc gia thành viên, tuy nhiên theo Ủy ban nhân quyền, thời hạn tạm giữ không quá vài ngày, còn thời hạn tạm giam cần bảo đảm hai nguyên tắc, một là, bị can, bị cáo phải được xét xử trong một thời gian hợp lý hoặc được trả tự do và hai là, việc tạm giam chỉ được coi là ngoại lệ và với thời gian càng ngắn càng tốt.

Thứ ba, nếu biện pháp tạm giữ, tạm giam được sử dụng với tính chất là biện pháp ngăn chặn, thì việc giam, giữ này phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục luật định và phải bảo đảm quyền được thông tin cho bị can, quyền được tòa án quyết định tính hợp pháp của việc giam giữ, quyền được yêu cầu bồi thường của bị can, bị cáo trong trường hợp oan sai. Trong trường hợp sau đó có lời buộc tội được đưa ra thì việc giam giữ phải bảo đảm tuân thủ các thủ tục tố tụng luật định.

Cho phép việc bắt giữ, giam người chỉ trong những trường hợp, điều kiện, trình tự thủ luật định và việc áp dụng các chế tài tước tự do đối với người phạm tội là cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả phòng, chống tội phạm, duy trì trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích xã hội, quyền và lợi ích của cá nhân, đồng thời tăng cường giáo dục người phạm tội. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên cũng phải bảo đảm có sự phân biệt giữa các hành vi phạm tội với việc không hoàn thành các nghĩa vụ phát sinh trong các lĩnh vực của cuộc sống như dân sự, lao động, kinh tế... Nhằm hạn chế việc bắt, giam giữ người tùy tiện và những trong những trường hợp không cần thiết, Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng không ai bị bỏ tù chỉ vì lý do không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng (Điều 11). Rõ ràng rằng, việc vi phạm hợp đồng cần được xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật liên quan mà không xử lý trách nhiệm hình sự.

Trong pháp luật Việt Nam, Điều 71 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.”

Điều 72 Hiến pháp 1992 cũng nêu rõ, không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khoản 2 Điều này quy định:“Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự.

Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”.

Các quy định kể trên đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự 1999, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, Bộ luật Dân sự 2005 và nhiều văn bản pháp luật khác. Theo Điều 6 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.

Điều 7 Bộ luật này quy định: “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật…” Cũng theo Điều này, người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Thế Vinh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/moi-nguoi-deu-co-quyen-huong-tu-do-va-an-toan-ca-nhan-119431.html