Mỗi người dân là một sứ giả 'nói không với túi nhựa'

Không thể phủ nhận tính tiện lợi của bao bì nhựa, nhất là túi ny lon. Thế nhưng, việc lạm dụng quá nhiều bao bì nhựa, túi ny lon đã gây ra những hệ lụy đối với môi trường.

Nhiều năm qua, cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Để làm được điều này, mỗi người dân cần thay đổi thói quen sử dụng túi ny lon chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường ngay từ bây giờ.

Ô nhiễm “trắng” và mối nguy hại môi trường sống

Các số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có lượng chất thải nhựa và túi ny lon ở mức rất cao. Ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi/năm. Riêng TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 30 tấn ny lon được sử dụng tại các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, chưa kể tại các hộ dân.

Thế nhưng, chỉ 6% chất thải nhựa từng được sản xuất đã được tái chế và khoảng 8% bị thiêu hủy, trong khi 55%còn lại đã tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên. Trong khi đó, cũng vài năm trở lại đây, những sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái chế, tự hủy đã xuất hiện nhiều hơn ở các siêu thị, trung tâm thương mại và đã được người dân lựa chọn, tin dùng.

Túi ny lonhiện diện khắp nơi, bất kỳ ở đâu… và phải mất hàng trăm năm để có thể phân hủy.

Túi ny lonhiện diện khắp nơi, bất kỳ ở đâu… và phải mất hàng trăm năm để có thể phân hủy.

Bạn có biết, phải mất hàng trăm đến hàng ngàn năm để có thể phân hủy được sản phẩm nhựa. Thế nên, việc lạm dụng túi ny lon trong cuộc sống thường nhật của người dân đã để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe, gây ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái cả trên đất liền và dưới biển.

Cụ thể, việc thải ra lượng túi ny lon lớn sẽ phá hủy đa dạng sinh học, làm chết các sinh vật bị vướng vào lưới đánh cá bỏ lại trên đại dương. Vì rất khó phân hủy, túi ny lon tồn tại trong đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng, đất bạc màu...

Ngoài ra, các chất phụ gia trong chế biến đồ nhựa còn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Hoạt động này cũng sản sinh ra nhiều khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu, gây lũ lụt, nắng nóng gay gắt, hạn hán…

Có thể nói, rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

Vì một tương lai không rác thải nhựa

Đứng trước những hiểm họa môi trường nói trên, TP.HCM đang tích cực vận động người dân hạn chế sử dụng ny lon bằng cách tuyên truyền về tác hại của nó, tổ chức phát miễn phí các loại túi dễ phân hủy thay thế túi ny lon. Phát động “Ngày không túi ny lon”, các cuộc thi “Thời trang từ vật liệu phế thải”, “Tuần nói không với túi ny lon”, “Ngày hội túi xanh vì môi trường xanh”…

Túi ny lon, chai nhựa được vớt lên ở một con kênh ở TP.HCM.

Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050 chỉ ra mục tiêu giảm túi ny lon tại siêu thị và trung tâm thương mại. Cụ thể, giảm 40% vào năm 2015; giảm 65% năm 2020 và giảm 85% vào năm 2025. Ngoài ra, theo đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ny lon khó phân hủy trong sinh hoạt, mục tiêu giảm đến năm 2015 tại siêu thị, trung tâm thương mại là 40%, chợ dân sinh là 20%, khối lượng thu gom tái chế là 25%. Con số này theo chỉ tiêu tương tự vào năm 2020 lần lượt là 65%, 50% và 50%.

Để đạt được mục tiêu trên cần phải có sự đồng thuận của các cấp chính quyền và mỗi người dân. Theo đó, từ bỏ một thói quen là điều không dễ nhưng để hình thành một thói quen mới và tốt cho bản thân và xã hội thì đó là điều nên làm. Để có thể sống trong một môi trường lành mạnh, an toàn, mỗi người dân cần là một sứ giả và phải hành động ngay từ hôm nay. (Tổng hợp)

NI NA

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-nguoi-dan-la-mot-su-gia-noi-khong-voi-tui-nhua-936411.html