Mỗi người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới

Vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng NTM thể hiện trên nhiều lĩnh vực: Là nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp và các hoạt động dịch vụ; nâng cao thu nhập, ổn định đời sống góp phần làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc; trực tiếp xây dựng, bảo vệ và hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng nông thôn; giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa phong phú; đưa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống...

Tuyến đường thôn Đồng Mạ, xã Tiên Lãng (huyện Tiên Yên) được nâng cấp khang trang, rộng rãi, xanh bóng cây hai bên lề đường.

Tuyến đường thôn Đồng Mạ, xã Tiên Lãng (huyện Tiên Yên) được nâng cấp khang trang, rộng rãi, xanh bóng cây hai bên lề đường.

Đến thôn Đồng Mạ (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) hỏi thăm gia đình ông Đỗ Quang Hạnh, bà Đặng Thị Chiều thì ai cũng biết. Bởi ông bà là một trong những gia đình tiên phong trong toàn thôn tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn ngay khi có chủ trương nâng cấp hạ tầng giao thông của toàn xã vào năm 2017.

Trong số 300m2 đất bàn giao cho chính quyền địa phương, có diện tích lớn là vườn trồng cây ăn quả của gia đình và cả một phần của khu công trình phụ. Ấy thế mà gia đình chẳng đắn đo gì nhiều, quyết định phải hy sinh cái riêng để vì lợi ích chung. Nhờ đó, người dân Đồng Mạ có được con đường mới sạch đẹp, rợp bóng phi lao hai bên lề, rộng bằng 2 làn xe ô tô, thay cho con đường cũ nhỏ hẹp chỉ đủ 2 xe đạp tránh nhau.

Ông Đỗ Quang Hạnh (bên phải) ở thôn Đồng Mạ, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên là một trong những người tiên phong hiến đất làm đường NTM tại địa phương.

Ông Hạnh tâm sự: Là người nông dân chân lấm tay bùn, gia đình tôi hiểu rõ được giá trị của “tấc đất, tấc vàng”. Thế nhưng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi họp thôn, được cán bộ xã và huyện kiên trì vận động, giải thích, tôi thấy được ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM nói chung, sự cần thiết của tuyến đường thôn mới và để thực hiện thành công cần có sự chung tay đóng góp của mỗi gia đình như chúng tôi.

Hơn nữa, có tuyến đường rộng, đẹp thì bản thân nhà tôi, bà con lối xóm, rồi thế hệ con cháu sau này nữa cũng sẽ đều được hưởng lợi. Thế thì chẳng phải ngần ngại, so đo thiệt hơn làm gì nữa, gia đình tôi nhất trí bàn giao mặt bằng ngay để đảm bảo thi công đúng tiến độ.

Câu chuyện về gia đình ông Đỗ Quang Hạnh chỉ là một ví dụ nhỏ về rất nhiều những tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng thôn, bản, xã NTM. Ngoài việc hiến đất làm đường, rất nhiều trường hợp khác còn nêu gương về phát triển kinh tế, tham gia phát triển phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng gắn với nếp sống mới, tham gia vào các hoạt động vệ sinh môi trường, giữ gìn ANTT, các ban giám sát đầu tư của cộng đồng...

Có thể khẳng định, hành trình 10 năm xây dựng NTM của Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều trái ngọt. Trong đó, thành quả lớn nhất chính là hình thành được nền nếp chủ động, vươn lên mạnh mẽ của người dân. Từ “thụ hưởng, bị động”, người dân đã trở thành “chủ thể, chủ động” trong mọi nhiệm vụ của địa phương. Như vậy, vai trò của người dân hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng ta “lấy dân làm gốc”.

Hội LHTN xã Việt Dân phối hợp với Hội LHTN các xã lân cận tổ chức ra quân vớt bèo tây, khơi thông tuyến mương trên địa bàn. Ảnh: Thu Trang (Trung tâm TT-VH Đông Triều)

Vai trò chủ thể của mỗi người dân đối với nhiệm vụ xây dựng NTM được khái quát thành phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Trong đó, “dân biết” là người dân được hiểu đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình trong xây dựng NTM; được cung cấp kịp thời những thông tin về công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các yêu cầu đóng góp từ cộng đồng, các dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Còn “dân bàn” là khi cộng đồng dân cư được tham gia ý kiến của người dân liên quan đến kế hoạch phát triển sản xuất, các hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng, quản lý công trình phúc lợi công cộng, các mức đóng góp và các định mức chi tiêu từ các nguồn thu trong nội bộ cộng đồng dân cư hưởng lợi. “Dân làm” thì không chỉ riêng có đóng góp bằng lao động trực tiếp, mà còn có cả những đóng góp bằng vật chất, tiền bạc, vật tư tại chỗ, đóng góp bằng trí tuệ cá nhân...

Cán bộ và đại diện nhân dân xã Quảng Phong (huyện Hải Hà) giám sát chất lượng thi công mương tưới tiêu nội đồng.

Cùng với đó còn có việc “dân kiểm tra”, nghĩa là thông qua các chương trình, hoạt động có sự giám sát và đánh giá của người dân, để thực hiện các quy chế dân chủ cơ sở của Đảng và Nhà nước nói chung và nâng cao hiệu quả chất lượng công trình. Bằng cách trực tiếp giám sát ở cơ sở, người dân chủ động theo dõi, đánh giá quá trình đầu tư, thi công những dự án quy mô nhỏ và vừa tại địa phương như các công trình đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, kênh mương tưới tiêu, chỉnh trang nhà văn hóa...

Thực tế cho thấy, xây dựng NTM luôn cần phải có sự tham gia của người dân và cộng đồng để chương trình đi đúng trọng tâm, trọng điểm; giải quyết tốt những yêu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa các địa phương. Bởi vì phát huy nội lực, tinh thần chủ động, sáng tạo của địa phương, người dân trong các hoạt động ở cơ sở chính là đảm bảo tính bền vững lâu dài cho chương trình.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202007/moi-nguoi-dan-la-chu-the-xay-dung-nong-thon-moi-2493662/