Mỗi người dân gánh 40 triệu nợ công: Kiểm soát thế nào?

Những chỉ số trên đang minh họa cho việc sử dụng vốn vay của Việt Nam không hiệu quả, cần có biện pháp kiểm soát các con số này

Theo dự kiến về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách năm 2021 đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ X, Khóa XIV, Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỷ đồng để cân đối ngân sách T.Ư, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách T.Ư khoảng 318.870 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách T.Ư khoảng 260.902 tỷ đồng.

Trong khi vay nợ nước ngoài đang tạo áp lực gánh nợ rất lớn thì rất nhiều công trình xây dựng cơ bản đang không thể giải ngân. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 đến tháng 6 mới giải ngân được 4,3%. Ảnh: LĐO

Trong khi vay nợ nước ngoài đang tạo áp lực gánh nợ rất lớn thì rất nhiều công trình xây dựng cơ bản đang không thể giải ngân. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 đến tháng 6 mới giải ngân được 4,3%. Ảnh: LĐO

Dù dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại), chưa vượt trần, nhưng tới năm 2021, nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng, với nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể lên mức 27,4%, chỉ số này vượt ngưỡng Quốc hội cho phép với giai đoạn 2016 - 2020 là 25%.

Theo tính toán của Phó Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng, với mức tăng nợ công nói trên, thì từ sơ sinh cho đến già lão, mỗi người sẽ gánh hơn 40 triệu đồng nợ công.

Trước thông tin này, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng cần phải có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ những con số này.

Nhấn mạnh vấn đề không nằm ở con số vay mà phải nằm ở khả năng trả nợ, TS Đinh Sơn Hùng dẫn lại thống kê cho biết, tốc độ tăng nợ công trong 5 năm gần đây là khoảng 11% trong khi, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất mới đạt 7,08% vào năm 2018, với tốc độ tăng trưởng nợ công như trên đã vượt xa tăng trưởng kinh tế, trong khi nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn, đây mới là vấn đề thật sự phải lo ngại.

"Những chỉ số trên đang minh họa cho việc sử dụng vốn vay của Việt Nam thời gian qua không hiệu quả.

Điều này cũng đặt ra báo động với tình trạng vay vốn và sử dụng vốn vay của Việt Nam trong những năm qua. Những con số trên cho thấy quy mô nợ công tăng nhanh hơn quy mô tăng trưởng GDP, trong khi nguồn thu ngân sách gặp khó khăn thì nghĩa vụ trả nợ lại quá lớn việc này sẽ dẫn tới rất nhiều rủi ro. Đặc biệt là những tiềm ẩn rủi an ninh tài chính, có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm quốc gia", ông Hùng phân tích.

Chính từ những lo ngại trên, ông Hùng cho rằng, các biện pháp cần kíp lúc này là phải kiểm soát thật chặt các khoản vay, không để tình trạng vay nợ tiếp tục tăng cao. Song song với đó phải có biện pháp sử dụng thật hiệu quả các khoản vay, phải bảo đảm các khoản vay sẽ sinh lợi, các khoản vay phải được bảo đảm sẽ thúc đẩy được sự tăng trưởng của nền kinh tế, gia tăng tiềm lực cho nền kinh tế, có như vậy mới bảo đảm được khả năng trả nợ, mới tránh cho nền tài chính quốc gia khỏi nguy cơ bị vỡ nợ.

Một trong những giải pháp đầu tiên được vị chuyên gia nghĩ tới đó là Chính phủ cần chấm dứt việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước vay nợ nước ngoài.

Việc vay nợ phải do doanh nghiệp tự vay, tự trả, Chính phủ không đứng ra bảo lãnh.

"Nếu doanh nghiệp nào vay Chính phủ cũng bảo lãnh, Bộ ngành nào vay Chính phủ cũng bảo lãnh thì nguy cơ rủi ro là rất lớn vì tư duy, một anh vay, một anh dùng, còn một anh bảo đảm trả nợ sẽ dẫn tới việc vay, dùng tùy tiện không thể kiểm soát nổi", ông Hùng nói.

Tiếp theo là về việc sử dụng vốn vay, điều vị chuyên gia lo ngại là tình trạng thừa tiền nhưng không tiêu được.

Cụ thể, tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài 10 tháng năm 2020, ước đến ngày 31/10, phần lớn các bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân thấp. Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, nhưng khối lượng giải ngân ODA còn rất lớn, gần 70% (gần 41.000 tỷ đồng), điều này cho thấy nền kinh tế trong nước có khả năng tích lũy rất thấp.

Ông Hùng nhận định, tình trạng có tiền không giải ngân được chính là do dự án không khả thi, không hiệu quả và năng lực các ban quản lý dự án hạn chế, còn yếu kém.

"Chúng ta không thiếu tiền đúng nghĩa mà có tiền nhưng không giải ngân được. Điều này cho thấy, dự án đầu tư công phân tán, rải rác, không hiệu quả.

Vì thế, việc đầu tiên là phải xây dựng lại các dự án đầu tư công làm sao cho hiệu quả nhất. Chúng ta đã thiếu vốn phải đi vay, nhưng đầu tư các dự án lại không hiệu, không thiết thực thì nợ công tăng là đúng rồi.

Tiếp theo là chất lượng, năng lực các ban quản lý còn hạn chế, thậm chí còn tình trạng tham ô, tham nhũng, tiêu cực, nếu còn để tình trạng như dự án Cát Linh - Hà Đông, đội vốn, chậm tiến độ như các tuyến Metro TP.HCM thì khó tránh khỏi tình trạng nợ nần đầm đìa.

Việc quan trọng nhất là phải khắc phục, ngăn chặn được các hiện tượng trên, thì mới mong kiểm soát được nợ công", ông Hùng chỉ rõ.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/moi-nguoi-dan-ganh-40-trieu-no-cong-kiem-soat-the-nao-3421950/