'Mồi ngon' nhượng quyền thương mại

Đang có xu hướng nhiều thương hiệu bán lẻ ngoại không đầu tư trực tiếp như doanh nghiệp FDI, mà lại đi một bước 'khôn ngoan' là sử dụng đối tác tại thị trường bán lẻ Việt và tiến hành nhượng quyền để tiếp cận thị trường. Hình thức này được ví như 'mồi ngon' cho khối ngoại nhưng lại thiệt thòi cho việc hút dòng vốn ngoại trực tiếp vào ngành bán lẻ.

 Hoạt động nhượng quyền thương mại đang rất thịnh hành trên thị trường bán lẻ Việt. Nguồn: Internet

Hoạt động nhượng quyền thương mại đang rất thịnh hành trên thị trường bán lẻ Việt. Nguồn: Internet

Đây là lưu ý của bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia quốc tế về bán lẻ và nhượng quyền, Chủ tịch công ty Retail & Franchise Asia, khi nói về sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt đối với hoạt động nhượng quyền hiện nay, khi dòng vốn của các tập đoàn bán lẻ ngoại tìm cách không chảy trực tiếp vào Việt Nam mà thông qua các hoạt động nhượng quyền thương mại.

“Né” đầu tư trực tiếp

Có thể đơn cử như chuỗi cửa hàng tiện lợi quốc tế Circle K (Mỹ), một điển hình của một thương hiệu bán lẻ ngoại đang có hoạt động nhượng quyền khá bài bản và thành công tại thị trường bán lẻ Việt với khoảng 200 cửa hàng.

Hoặc một số thương hiệu trong lĩnh vực ăn uống của Hàn Quốc cũng phát triển tốt như BBQ Chicken. Ngoài ra, có thể kể đến các thương hiệu lớn như McDonald’s, Burger King hay Domino’s Pizza…

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề hội thảo về nhượng quyền trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 29/3, bà Vân cho rằng với ngành bán lẻ Việt thời gian qua, Nhà nước đã có một số rào cản kỹ thuật nhằm giúp cho doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước có thời gian xây dựng nội lực tốt hơn để có thể cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ ngoại.

Chính vì điều đó nên rất nhiều DN bán lẻ ở nước ngoài không đầu tư trực tiếp như nguồn vốn DN FDI, mà sử dụng đối tác nội địa tại thị trường bán lẻ và nhượng quyền cho đối tác đó để có thể tiếp cận thị trường Việt Nam.

“Với hình thức này, chính DN, nhà đầu tư Việt Nam lại phải đi mua nhượng quyền thương hiệu nước ngoài để có thể vận hành tại thị trường Việt Nam và trả phí cho họ ra nước ngoài. Và như vậy, chúng ta không giữ được gì về chuyện đầu tư của nước ngoài tại thị trường Việt Nam trong ngành bán lẻ”, bà Vân nhấn mạnh.

Đây cũng là lý do cho thấy hoạt động nhượng quyền thương mại rất thịnh hành trên thị trường bán lẻ Việt hiện nay. Giới chuyên gia cho rằng nhượng quyền là tốt nhưng về mặt chính sách cũng cần thu hút được đầu tư trực tiếp từ các tập đoàn bán lẻ ngoại nhiều hơn thì sẽ tốt hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những động thái và chính sách hỗ trợ các DN bán lẻ Việt tăng cường nội lực nhanh và vững để có thể cạnh tranh được với khối ngoại.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong cơ cấu ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay, khối thương mại hiện đại và truyền thống được chia theo tỷ lệ 25% – 75%. Trong đó, các DN FDI chiếm khoảng 30% – 40% của 25% hệ thống thương mại hiện đại.

Thành – bại khó lường

Trong khi đó, kết quả khảo sát gần đây của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy sự thâu tóm hệ thống các kênh bán lẻ tạo lợi thế rất lớn đối với sự góp mặt, cũng như gia tăng giành thị phần cho sản phẩm. Nói cách khác, sản phẩm có xuất xứ từ các quốc gia thâu tóm được hệ thống các kênh bán lẻ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, 4 đại siêu thị được coi là lớn nhất Việt Nam có sức ảnh hưởng lớn từ DN Thái Lan. Đó là Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’smart có 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng), Big C có 32 siêu thị, Robinson với chuỗi siêu thị thuộc DN Thái, chưa kể Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim,…

Nhật Bản có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven… Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của Lotte, Emart.
Bà Vân cho biết thời gian qua có nhiều thương hiệu nhượng quyền trong khu vực từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc liên tục vào thị trường Việt Nam.

Đó là dấu hiệu tốt cho hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, có nhiều nhà đầu tư trong nước vẫn chưa thực sự hiểu hết những khó khăn và thuận lợi về thị trường nhượng quyền.

Bên cạnh những thương hiệu bán lẻ ngoại nhượng quyền rất bài bản, nhưng cũng có một số thương hiệu làm rất không bài bản. Vậy làm sao để các nhà đầu tư trong nước đánh giá được chính xác để đầu tư tài chính tương ứng với thương hiệu nhượng quyền bài bản và không bài bản. Trên thực tế, nhiều DN trong nước muốn mua nhượng quyền chưa hiểu hết được bài toán tài chính đó.

Do vậy, sẽ có nhiều trường hợp khi DN Việt thấy một thương hiệu bán lẻ lớn, bài bản, có tiềm năng để có thể mua nhượng quyền nhưng DN chưa làm bài toán tài chính thực sự cụ thể. Và khi mua nhượng quyền để đưa thương hiệu này vào thị trường bán lẻ Việt thì vẫn thất bại như thường.

Cho nên, theo giới chuyên gia, nếu nói mua nhượng quyền các thương hiệu bán lẻ ngoại có thể đạt tỷ lệ thành công đến 80% là điều hoàn toàn không tưởng. Bởi vì 50% thành công của một thương hiệu bán lẻ được nhượng quyền tại thị trường Việt thì tùy thuộc vào việc khi bước vào thị trường bán lẻ Việt, DN có chiến lược, có kế hoạch và có hiệu chỉnh mô hình hay không.

Nếu hiệu chỉnh mô hình không tốt, DN vẫn dễ dàng thất bại dù có mua nhượng quyền một thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới.

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/moi-ngon-nhuong-quyen-thuong-mai-138379.html