Mới: Mức phụ cấp đối với Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố áp dụng từ 25/6

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố…

Từ 26/5, tổ trưởng tổ dân phố được hưởng mức trợ cấp mới.

Từ 26/5, tổ trưởng tổ dân phố được hưởng mức trợ cấp mới.

Theo đó, Nghị định mới quy định mức phụ cấp đối với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Cụ thể, nghị định này bổ sung Điều 14a vào Nghị định 92/2009/NĐ-CP với nội dung như sau:

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng và chỉ áp dụng với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố và Trưởng Ban công tác mặt trận.

Ngân sách Nhà nước sẽ thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng với các đối tượng nêu trên.

Như vậy, mức khoán quỹ phụ cấp cụ thể như sau:

- Từ nay đến 30/6/2019: Mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng x 3 = 4,17 triệu đồng

- Từ 1/7/2019: Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng x 3 = 4,47 triệu đồng.

Nghị định cũng nói rõ thêm, trường hợp thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5 lần mức lương cơ sở.

Nghị định này được Chính phủ ban hành ngày 24/4/2019, có hiệu lực từ ngày 25/6/2019.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là một chức danh do người dân trong thôn, tổ dân phố bầu ra.

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV sửa đổi Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành, có hiệu lực từ 20/01/2019 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố như sau:

1. Nhiệm vụ:

a) Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi thôn, tổ dân phố đã được nhân dân bàn và quyết định; bảo đảm các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;

b) Vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, tổ dân phố. Báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn, tổ dân phố;

d) Thực hiện việc lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp những công việc của thôn, tổ dân phố; lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết những công việc thuộc phạm vi cấp xã; báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

đ) Phối hợp với Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội ở thôn, tổ dân phố để vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào và cuộc vận động do các tổ chức này phát động;

e) Sáu tháng đầu năm và cuối năm phải báo cáo kết quả công tác trước hội nghị thôn, tổ dân phố.

2. Quyền hạn:

a) Được ký hợp đồng về xây dựng công trình do nhân dân trong thôn, tổ dân phố đóng góp kinh phí đầu tư đã được hội nghị thôn, tổ dân phố thông qua và bảo đảm các quy định liên quan của chính quyền các cấp;

b) Được phân công nhiệm vụ giải quyết công việc cho Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố; được chính quyền cấp xã mời họp và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quản lý, hoạt động của thôn, tổ dân phố; được bồi dưỡng, tập huấn về công tác tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.

N.Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/moi-muc-phu-cap-doi-voi-truong-thon-to-truong-to-dan-pho-ap-dung-tu-256-post297723.info