Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất : Không thể thoái thác trách nhiệm

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Viện KSND tỉnh Tây Ninh lấy lý do thời gian quá lâu nên không tìm lại quyết định đình chỉ điều tra của 7 người trong vụ án oan 40 năm chỉ là một cách thoái thác trách nhiệm.

[PHIM TÀI LIỆU] Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh

Trong khi đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết đã nhận được thông tin về vụ việc và đang làm văn bản kiến nghị gửi Viện KSND tối cao.

Sáng 29.10, bên hành lang QH, PV Báo Thanh Niên đã gặp và trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang về vụ án oan 40 năm trên địa bàn tỉnh. Ông Quang cho biết, hiện Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được hồ sơ vụ việc cũng như kiến nghị từ cử tri và đang xem xét. Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tây Ninh, cho hay ông đã nhận được hồ sơ cũng như đã trực tiếp tiếp ông Nguyễn Văn Dũng.

Kiến nghị Viện KSND tối cao vào cuộc

“Ông Nguyễn Văn Dũng với Viện KSND tỉnh đã có thỏa thuận bồi thường nhưng ông Dũng không đồng tình với thỏa thuận này và khởi kiện ra tòa. Tòa sơ thẩm cũng đã có xử, nhưng ông Dũng không đồng tình với bản án đó và kháng cáo. Hiện tòa phúc thẩm cũng đang xem xét hồ sơ và theo tôi được biết đã có lịch xét xử vào ngày 7.11”, ông Phương thông tin. Theo ông Phương, điểm mấu chốt trong vụ án này là không chỉ một mình ông Dũng oan sai mà có 7 người khác cùng bị bắt với ông Dũng, tất cả là 8 người. Tuy nhiên, sau đó, khi Viện KSND tỉnh có quyết định đình chỉ điều tra, trả tự do cho những người bị bắt giam oan sai thì chỉ một mình ông Dũng có quyết định đình chỉ, 7 người còn lại không có. “Hiện nay, họ đang đấu tranh vì sao cùng oan sai như nhau, cùng vụ án mà chỉ có 1 người có quyết định đình chỉ, còn những người khác không có. Vì không có quyết định này họ không có cơ sở để đấu tranh”, ông Phương nói.

ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết, mong muốn của 7 người bị oan sai và các gia đình là làm sao có quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh Tây Ninh để họ có cơ sở đấu tranh, đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình và đây là trách nhiệm của Viện KSND tỉnh. “Cá nhân tôi đã nhận rất nhiều ý kiến của cử tri, đặc biệt của ông Nguyễn Văn Dũng. Tôi cũng đã tiếp ông Dũng và đang nghiên cứu hồ sơ để Đoàn ĐBQH tỉnh có thể có ý kiến chính thức với Viện KSND tối cao, đề nghị có hướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án và có định hướng để Viện KSND tỉnh có trách nhiệm xem xét giải quyết với những người còn lại, chứ không chỉ ông Dũng”, ông Phương khẳng định.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cũng chia sẻ, hoàn cảnh của những người bị án oan rất khổ vì đây là vụ án rất chấn động lúc bấy giờ, những người bị liên quan phải mang trên mình một tội danh rất nặng nề, gia đình ly tán, phải bỏ địa phương đi, rất thương tâm. “Chúng tôi tiếp dân cảm thấy xót xa lắm. Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình, chuyển các cơ quan chức năng để thúc đẩy giải quyết nhanh vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Chúng tôi đang nghiên cứu hồ sơ và dự thảo văn bản gửi Viện KSND tối cao về việc này”, ông Phương nói.

Phải trả lại công bằng cho người bị oan sai

Trao đổi bên hành lang QH, ĐBQH Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng qua quyết định đình chỉ điều tra mà Viện KSND tỉnh Tây Ninh cấp cho ông Nguyễn Văn Dũng thì rõ ràng, toàn bộ vụ án liên quan tới cả 8 người bị bắt đều là oan sai. “Quyết định đình chỉ nêu rất rõ: việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn bắt điều tra nhục hình buộc họ nhận, chớ họ không phạm tội này. Việc bắt người hoàn toàn chỉ dựa vào lời khai”, vị ĐBQH, đồng thời là luật sư, khẳng định.

Ông Chiến cũng cho rằng, không thể có chuyện Viện KSND tỉnh Tây Ninh không còn lưu trữ các quyết định đình chỉ vụ án của 7 người còn lại, ngoài ông Nguyễn Văn Dũng. Vì theo nguyên tắc, quyết định đình chỉ điều tra phải được gửi cho đương sự và các cơ quan khác như Viện KSND cấp huyện, hay địa phương nơi đương sự cư trú. Vì thế, việc Viện KSND tỉnh lấy lý do thời gian quá lâu, trải qua nhiều vấn đề lịch sử để không tìm lại các quyết định đình chỉ vụ án đối với 7 người oan sai còn lại trong vụ án chỉ là một cách thoái thác trách nhiệm. “Các cơ quan như đoàn ĐBQH, thanh tra phải vào cuộc để kiến nghị Viện KSND tối cao vào cuộc, tìm ra những quyết định đình chỉ này”, ông Chiến kiến nghị.

Đồng quan điểm này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó trưởng ban Dân nguyện QH, khẳng định việc làm mất quyết định đình chỉ điều tra của những người bị oan sai thuộc về trách nhiệm của Viện KSND tỉnh Tây Ninh. “Nếu Viện KSND tỉnh làm thất lạc thì cơ quan này phải có trách nhiệm phục hồi hoặc ra quyết định lại, chứ không thể lấy lý do thời gian quá lâu để thoái thác. Xem xét các vấn đề oan sai thì không có thời hiệu. Kể cả 100 năm sau chúng ta vẫn phải xem xét”, ông Nhưỡng nhấn mạnh. Phó trưởng ban Dân nguyện QH cũng cho rằng việc TAND H.Gò Dầu tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12.9 từ chối yêu cầu triệu tập các đối tượng liên quan đến tòa đối chất, làm rõ các tình tiết việc nhục hình, bức cung ép người bị bắt trong vụ việc này là không công bằng và không phù hợp với quan điểm cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện.

“Tôi kiến nghị tất cả các cơ quan pháp luật có liên quan phải trực tiếp xem xét, đánh giá từng khía cạnh của vụ việc một cách nghiêm túc và có lẽ chúng ta nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để đánh giá thông qua các hội thảo của hội luật gia, rồi liên đoàn luật sư, sự vào cuộc của Ban Nội chính T.Ư, Đoàn ĐBQH cũng như các cơ quan dân cử để làm rõ vấn đề của vụ việc. 40 năm là thời gian của mấy thế hệ con người. Bản thân tôi khi tiếp cận thông tin vụ việc này cảm thấy rất đáng tiếc. Phải trả lại công bằng cho những người oan sai, để những người đã khuất được yên giấc, còn những người còn sống cũng yên tâm sống tiếp. Vì trong vụ việc này, sự mất mát, thiệt thòi không chỉ là về mặt tư pháp mà còn rất nhiều cơ hội liên quan tới quyền lợi của bản thân và gia đình họ trong suốt mấy chục năm qua”, ông Nhưỡng nói.

Ngày 22.10, trong văn bản trả lời ông Nguyễn Văn Chiến, một trong 7 người bị oan sai nhưng khi được trả tự do không có quyết định đình chỉ điều tra, Viện KSND tỉnh Tây Ninh tiếp tục điệp khúc "không có căn cứ xem xét, thụ lý, giải quyết" và thẳng thừng từ chối với thông điệp "Thông báo này chỉ thực hiện 1 lần".

Đọc xong thông báo này, ông Nguyễn Thận, người từng đại diện nguyên đơn trong vụ án liên quan “tử tù” Huỳnh Văn Nén kiện đòi bồi thường, nhận xét: “Hậu quả là do những người tiền nhiệm nhưng Viện KSND tỉnh Tây Ninh không thể chối bỏ chỉ bằng một văn bản. Sự quan liêu không những biểu thị ở thái độ mà còn bằng văn bản khi cho rằng thông báo này chỉ thực hiện 1 lần”.

Lê Hiệp

Vũ Hân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/moi-mon-than-phan-40-nam-oan-khuat-khong-the-thoai-thac-trach-nhiem-1018236.html